Phong trào chiến đấu, chính thức được biết tên là Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia (FUNK), được những người Campuchia yêu nước gia nhập, họ sống trong rừng và tiến hành cuộc chiến chống lại những người lãnh đạo phe đảo chính do tướng Lon Nol chỉ huy.
Kỳ 1: Đứa con của trăng rằm
![]() |
Những người lính Khơme Đỏ |
Quân sư
Không một đồng xu dính túi và căm giận, cậu đã đủ trưởng thành để chọn lựa một cách chín chắn. Cậu đã 18 tuổi. Người thanh niên ấy muốn phá đổ chế độ Lon Nol đã lật đổ Sihanouk. Cậu đã gia nhập tổ chức du kích vào ngày 14-4-1970 và được các đồng chí du kích rất quý mến, không đến một tháng sau khi Sihanouk bị truất quyền. Ngay bấy giờ cậu đã có một cuộc sống mới trong rừng - là một thành viên của tổ chức du kích. Nhưng cậu đã không biết Pol Pot và quân “Khơme Đỏ” của ông ta, như Sihanouk đã gọi như vậy, và Khơme Đỏ cũng là một bộ phận của quân du kích.
Khi trung thành phục vụ cho tổ chức này, Hun Sen đã bắt đầu nhận ra nó nằm dưới quyền kiểm soát hoàn toàn của Khơme Đỏ. Không bị nao núng với những điều lệ kỳ quái của Khơme Đỏ, sự nghi ngờ bệnh hoạn của họ đối với người dân Campuchia và sự khắt khe của họ, Hun Sen tích cực hoạt động, rèn luyện chăm chỉ và nhanh chóng leo lên các cấp bậc cao hơn.
Hun Sen cho biết: “Không có nhiều người từ thành phố hoặc từ các nơi có văn hóa cao gia nhập du kích. Thế nên, trong tổ chức du kích ấy tôi được gọi là lo kru”. Mặc dù là một trong những người lính trẻ nhất nhóm nhưng Hun Sen vẫn được gọi là lo kru, có nghĩa là thầy hoặc quân sư. Hun Sen nhanh chóng có được sự quý trọng của đồng đội trong vùng bí mật. Hun Sen đã thu hút được sự chú ý của các cấp lãnh đạo mình, họ đã thấy chàng trai này dành nhiều thời gian dạy những lính du kích thất học và kết bạn với họ.
Trong rừng sâu mịt mù, thời gian càng làm cho Hun Sen cảm thấy trầm lặng. Hun Sen dành nhiều thời gian những lúc như thế để suy tư về tương lai gia đình và đất nước. Hun Sen lo ngại về những sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Sau khi Sihanouk bị lật đổ, cả Khơme Xanh và Trắng đều hợp tác với Lon Nol. Hun Sen bị bối rối bởi các sự chia rẽ rõ nét này đang vốn xé nát bên trong xã hội Campuchia. Hưởng ứng lời kêu gọi nhân dân của Sihanouk, ban đầu Hun Sen đã gia nhập Khơme Hồng trong những năm ở Phnom Penh.
Hồi tưởng về quá khứ, Hun Sen nói: “Trong số tất cả các phe phái này tôi ghét nhất Khơme Đỏ. Nhưng Sihanouk ủng hộ Khơme Đỏ. Vào thời kỳ đó, họ (những người lãnh đạo du kích) không nói đến lực lượng của Sihanouk được Khơme Đỏ lãnh đạo. Họ chỉ nói rằng phong trào toàn diện được các lực lượng theo Sihanouk lãnh đạo. Vào thời gian đó, chúng tôi không có sự chọn lựa. Chúng tôi là “con tin” của chiến tranh. Nếu không gia nhập phía Sihanouk thì tôi sẽ phải đi lính Lon Nol”.
Bản năng chính trị của Hun Sen ngay ban đầu đã chính xác. Sau này khi cuộc đổ máu bắt đầu, Hun Sen hiểu được lực lượng của người theo Sihanouk thật ra được Khơme Đỏ chỉ đạo. Hun Sen đã bị sốc bởi hành động hung ác của họ. Hun Sen biết mình đi theo họ là phạm một sai lầm lớn.
Cuộc sống bị đe dọa
![]() |
Hun Sen và Bun Rany tại Siem Reap năm 1996 |
Sự xa cách gia đình khiến Hun Sen khao khát có được sự yêu thương và chăm sóc. Tình cảm lãng mạn ở người thanh niên xa gia đình ấy đã trở nên mãnh liệt, ngay cả ở nơi ẩn náu. Nhưng Khơme Đỏ không tán thành chuyện theo đuổi tình cảm lãng mạn. Những người du kích trẻ bị cấm nảy nở quan hệ tình cảm với người khác phái. Hun Sen không nảy nở quan hệ tình cảm nào sâu đậm cho tới khi gặp Bun Rany. Cô là giám đốc một bệnh viện của Khơme Đỏ nằm cách chiến tuyến chống lại lực lượng của Lon Nol khoảng 50km. Các thương bệnh binh dưới quyền chỉ huy của Hun Sen đều được đưa về đó chữa trị.
Hun Sen và Bun Rany hoàn toàn chưa nghĩ đến chuyện đám cưới vì cảnh tăm tối đang tiếp tục diễn ra. Những người lính của Hun Sen muốn họ sẽ cưới nhau vào ngày nào đó khi chiến tranh kết thúc. Khi Hun Sen gửi đơn xin tổ chức cho phép cưới Bun Rany, Hun Sen đã được 22 tuổi. Các cán bộ chỉ huy đánh giá cao khả năng của Hun Sen và để chiều theo nguyện vọng, họ không từ chối yêu cầu của Hun Sen ngay.
Nhưng họ tìm cách dàn xếp cho êm. Họ yêu cầu Hun Sen chờ cho tới khi Phnom Penh được giải phóng. Một ngày trước khi Khơme Đỏ chiếm được Phnom Penh, Hun Sen đã bị thương vào mắt trái và bị mù mất một mắt do miểng pháo đâm vào ở Kompong Cham vào ngày 16-4-1975. Sau đó Hun Sen được gắn mắt giả tại một bệnh viện ở tỉnh Kompong Cham. Lễ cưới được diễn ra.
Các rắc rối của đôi vợ chồng mới cưới bắt đầu xảy ra. Nếu đám cưới là một cơn ác mộng thì tuần trăng mật không chỉ là thảm họa mau qua. Khi Bun Rany sinh em bé, đứa bé qua đời, nhưng chính quyền không cho Hun Sen đến phòng sinh. Cô khóc: “Tôi thật sự không biết làm sao điều đó có thể xảy ra vì cô đỡ đã được đào tạo cùng với tôi. Cô ta đã để rơi đứa con trai nhỏ bé đó và đầu nó đập vào cạnh giường. Đứa bé máu chảy ra đầm đìa rồi chết. Nhưng bệnh án được ghi lại hoàn toàn khác - nó cho biết đứa bé đã bị chết trong bụng, thậm chí chết trước khi sinh. Ngay cả khi đứa bé chết họ còn không cho phép Hun Sen đến thăm tôi. Đứa con đầu lòng của chúng tôi và cha nó đã bị chia cắt, không bao giờ gặp nhau”. Hun Sen cho điều đó là một trong những thảm kịch lớn nhất trong cuộc đời mình. Ông kể: “Cán bộ chỉ huy của tôi không cho phép tôi chôn cất đứa con hoặc chăm sóc vợ tôi. Họ ép tôi phải đi công tác xa hơn. Cho tới nay tôi vẫn chưa biết đứa con của tôi được chôn ở đâu”.
Sự mất mát đứa con đầu lòng đã khiến Bun Rany nhận ra chính ủy Angkar không còn nhân tính. Sự kiện nào đã gieo mối bất mãn và khiến cô muốn rời bỏ Khơme Đỏ? Cô nói: “Chúng tôi còn biết được một số người tốt - các cán bộ chỉ huy cấp bậc cao hơn chồng tôi - được đưa đi đào tạo và đã không trở về. Mặc dù thế, chúng tôi phải mất một thời gian lâu mới đánh giá hết những gì thật sự đang xảy ra. Chỉ vài tháng sau, khi càng nhiều người được cử đi đào tạo không trở về và khi điều này bắt đầu xảy ra rất thường xuyên, chúng tôi đã hiểu được cuộc sống của mình cũng có thể đang bị đe dọa nghiêm trọng”.
Khi mang thai đứa con thứ hai vào tháng 6-1977, Hun Sen phải rời xa cô để chỉ huy lực lượng Khơme Đỏ. Cô đang có mang con trai lớn nhất, Hun Manet, người sau này học tiếp ở Học viện Quân sự Westpoint. Nhưng không có đủ thức ăn cho mẹ lẫn con. Họ phải sống nhờ vào bắp. Hun Sen bắt đầu suy nghĩ những rắc rối của cá nhân mình không chỉ là một sự đấu tranh để đoàn tụ vợ con mà còn cho sự hợp nhất của một dân tộc vốn bị chia rẽ. Hun Sen nói: “Nếu không tiến hành đấu tranh thì gia đình tôi không sống sót và dân tộc tôi cũng sẽ không tồn tại. Những khó khăn chúng tôi phải đương đầu đã làm chúng tôi tin vào giá trị của sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
------------------------------------------------
Sau vài năm ở trong hàng ngũ của Khơme Đỏ, Hun Sen bắt đầu bí mật chống lại. Khi hơn mười người chú bác và cháu trai bị Khơme Đỏ giết,Hun Sen đưa ra quyết định.
Kỳ tới:Chọn con đường khác
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận