Đó là "quyết định lịch sử" như lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, bởi đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một TP trực thuộc trung ương với tiêu chí di sản văn hóa.
Huế lên trung ương, hay nói cách khác là Huế trở lại vị thế trung ương. Vị thế mà Huế đã từng nắm giữ trong suốt hơn 300 năm, khi là thủ phủ xứ Đàng Trong (1636-1775), kinh đô của triều Tây Sơn (1788-1802) và kinh đô nhà Nguyễn (1802-1945).
Với vị thế đó, Huế đã thu hút tinh hoa của cả nước về đây. Người tài trong thiên hạ được trưng tập về kinh đô để làm việc. Của ngon vật lạ, kỳ hoa dị thảo trong trời đất cũng được dâng tiến về đây.
Qua hơn ba thế kỷ, tinh túy của trời đất và tinh hoa của con người đã hun đúc, tạo nên những giá trị quốc gia và sau này đã trở thành di sản văn hóa của thế giới.
Vì vậy Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương với các tiêu chí di sản văn hóa mà không theo các tiêu chí thông thường về tính chất chính trị, quy mô kinh tế, số lượng dân số, tỉ lệ thị dân… như các TP trung ương khác.
Huế là nơi duy nhất của Việt Nam đang sở hữu 8 di sản văn hóa được công nhận là Di sản thế giới và di sản khu vực, trong đó có 6 di sản của riêng Huế.
Huế có gần 1.000 di tích, trong đó có ba di tích cấp quốc gia đặc biệt, 88 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh cùng hàng trăm lễ hội đặc sắc mà Festival Huế là lễ hội quy mô tầm quốc tế. Huế còn có một hệ thống cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với sông Hương, núi Ngự, đồi Vọng Cảnh, rừng Bạch Mã, phá Tam Giang, biển Lăng Cô, đèo Hải Vân…
Tin vui của người Huế: Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc trung ương
Các chuyên gia văn hóa đã đánh giá: Huế có mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú và đa dạng. Trong đó quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO đánh giá là "tiêu biểu cho những sắc thái cao đẹp nhất của sức sáng tạo Việt Nam".
Huế cũng đã được Chính phủ quy hoạch là TP festival của Việt Nam, TP Xanh quốc gia. Huế là thành viên của Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, với nghệ thuật ẩm thực và kho tàng gần 1.700 món ăn trong số 3.000 món ăn Việt Nam. Tổng giám đốc UNESCO, ông Amadou Mahtar M'Bow, từng gọi Huế là "một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị".
Là đô thị trung ương, Huế được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực, để phát triển tương xứng. Sắp tới Quốc hội và Chính phủ cũng sẽ ban hành tiếp những cơ chế chính sách phù hợp cho loại hình đô thị mới mẻ này.
Trở thành đô thị trung ương, Huế phải tạo ra nhiều cơ hội, nhiều nguồn thu để phát triển kinh tế cho Huế và cả khu vực từ chính kho tàng di sản quý giá ấy. Bảo tồn di sản là nhiệm vụ trọng yếu của Huế nhưng bảo tồn là để phát triển.
Thời gian qua du lịch Đà Nẵng và Quảng Nam đã khai thác rất hiệu quả kho tàng di sản Huế thông qua liên kết của ngành du lịch ba địa phương. Huế - một điểm đến, tám di sản đã trở thành điểm đến chung của ba địa phương này.
Sắp tới với lợi thế của di sản văn hóa và vị thế của đô thị cấp trung ương, Huế phải trở thành một cực phát triển của nền kinh tế khu vực miền Trung và cả quốc gia. Huế sẽ là "điểm đến tám di sản" của cả du lịch Việt Nam.
Huế - không phải của riêng Huế, mà là của chung Việt Nam. Khi Huế là của chung thì con đường phía trước sẽ rất hanh thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận