Dựa vào kết quả hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên được ERPA chi trả trong chu kỳ 2023-2025 đã giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn, giữ vững độ che phủ rừng trên toàn địa bàn.
Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng TP Huế, việc thực hiện chi trả ERPA mang đến nguồn tài chính mới cho người dân, bổ sung đáng kể vào nguồn thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt, chương trình đã giúp gần 70% đồng bào thiểu số sống ven rừng cải thiện cuộc sống. Các hoạt động như tuần tra, mua sắm dụng cụ, trồng cây dược liệu và lâm sản phụ dưới tán rừng được triển khai mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và khai thác bền vững.
Theo thống kê, hiện toàn thành phố có 105 cộng đồng nhận khoán bảo vệ hơn 21.600 ha rừng tự nhiên, với nguồn kinh phí giao khoán và hỗ trợ sinh kế hơn 13,7 tỉ đồng/năm. Ngoài ra mỗi cộng đồng còn được hỗ trợ 50 triệu đồng/năm để phát triển sinh kế, đầu tư hạ tầng như nước sạch, đường, điện. Năm 2023, các tổ chức chủ rừng đã nhận 28 tỉ đồng chi trả từ ERPA. Con số này đã tăng lên hơn 33 tỉ đồng trong năm 2024.
Để đảm bảo nguồn kinh phí được sử dụng hiệu quả, TP Huế đã giám sát chặt chẽ mọi quy trình giải ngân. Theo báo cáo từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng TP Huế, đến nay địa phương này đã nhận hơn 107 tỉ đồng từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để triển khai các hoạt động ERPA.
Để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng TP Huế cùng Cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và WB kiểm tra, đánh giá giữa kỳ tiến độ triển khai thực hiện ERPA.
Cụ thể trong năm 2024, thành phố đã kiểm tra 91% các chủ rừng là tổ chức nhà nước và 67,7% các tổ chức khác được giao trách nhiệm quản lý rừng. Đối với các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, thành phố đã kiểm tra 26% kế hoạch trên địa bàn các huyện như Phú Lộc, A Lưới và thị xã Phong Điền
Kết quả cho thấy, kinh phí ERPA đã được sử dụng đúng mục đích, hỗ trợ tích cực công tác tuần tra, bảo vệ rừng, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho các đơn vị tham gia.
Trong năm 2024 đã có 97/105 cộng đồng nhận hỗ trợ sinh kế với số tiền 5,25 tỉ đồng. Các chủ rừng đã giải ngân hơn 4,5 tỉ đồng, hoàn thành nghiệm thu và đưa vào sử dụng 95 công trình công cộng. Ngoài ra, có 35 xã/thị trấn đã tham gia thỏa thuận quản lý rừng với số tiền nhận hỗ trợ hơn 312 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận