Chiều 11-2 bác sĩ Nguyễn Hữu Chức - trưởng khoa mắt Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết các bác sĩ bệnh viện này vừa phẫu thuật múc bỏ nội nhãn mắt trái cho một nam bệnh nhân 42 tuổi (ở Q.9, TP.HCM).
Bệnh nhân này được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy vào đêm 10-2 trong tình trạng vỡ nát nhãn cầu mắt trái, vỡ thành trước xoang trán.
Trước đó, bệnh nhân này đã đốt pháo và bị pháo bắn vào mắt. Bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Mắt, sau đó chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy.
Do không thể bảo tồn mắt trái, các bác sĩ đã múc bỏ nội nhãn cho bệnh nhân vì theo bác sĩ Chức, nếu không mắt trái sẽ hoại tử và có nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực của mắt phải. Theo bác sĩ Chức, những năm gần đây Bệnh viện Chợ Rẫy rất hiếm gặp trường hợp bị chấn thương do chơi pháo.
Bệnh nhân trên từ chối tiếp xúc với phóng viên và cũng không khai rõ với bác sĩ đốt loại pháo gì, nhưng các bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng bệnh nhân đã đốt pháo sáng.
GS-TSKH Lê Huy Bá - nguyên viện trưởng Viện Môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) - khuyến cáo người dân không nên và đừng bao giờ chơi với chất nổ nói chung và pháo nói riêng vì tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.
Thuốc pháo chỉ được sử dụng trong công việc của cơ quan, tổ chức có xin phép và có một quy trình an toàn về chất nổ. “Người tay ngang” chế tạo chất nổ sẽ gây nguy hiểm cho bản thân, người khác và môi trường xung quanh.
GS Lê Huy Bá cho rằng nhiều người cứ nghĩ pháo phải có ngòi nổ, châm lửa mới nổ, tuy nhiên thực tế không cần ngòi nổ mà chỉ cần áp suất lớn và nhiệt độ bốc lên cao là xuất hiện phản ứng gây nổ ngay tức thì.
Do vậy bất cứ ở đâu có thuốc nổ, có chất nổ nếu phản ứng với điều kiện áp suất cao, nhiệt độ cao... thì bùng nổ. Lúc này áp lực rất lớn nên sẽ xé banh những vật ở gần, nếu miểng văng đến đâu sẽ gây sát thương đến đó. Sau phản ứng, trong thuốc pháo có rất nhiều chất độc gây hoại tử, nếu chất độc này bay ngấm vào vết thương ở mắt, da... thì rất khó điều trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận