22/04/2014 08:15 GMT+7

Hơn ba năm trèo tường vào nhà!

NGỌC HẬU
NGỌC HẬU

TT - Hơn ba năm qua, hai gia đình người dân giữa lòng TP Biên Hòa, Đồng Nai khốn đốn về việc bị rào bít đường ra vào nhà. Muốn ra ngoài, mọi người phải bắc thang để trèo qua bức tường cao hơn 2m.

YYXehii0.jpgPhóng to
Cậu bé học lớp 1, con của bà Diệp, mỗi lần đi học phải trèo thang cao hơn 2m để ra vào nhà - Ảnh: N.Hậu

Vào năm 2010, bà Nguyễn Thị Bích Nga và bà Nguyễn Thị Bích Diệp làm đơn xin đăng ký trễ hạn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở 397m2 tại khu phố 1, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là lô đất của người chú (hiện đã mất) cho bà Nga. Muốn đi vào lô đất này, bà Nga phải đi nhờ phần đất nhà người chú. Biết bà Nga và bà Diệp xin cấp quyền sở hữu, bà Trần Thị S. (đại diện gia đình chú bà Nga) làm đơn tranh chấp đòi lại phần đất trên và rào lại lối đi duy nhất vào nhà bà Nga và bà Diệp ngang đất mình.

Không biết đi đường nào?

Tháng 7-2012, trong buổi hòa giải thành, đại diện UBND phường Quyết Thắng cho rằng lô đất trên chưa được Nhà nước công nhận nên người chú của bà Nga chưa có quyền cho hoặc thừa kế cho ai. Các bên thống nhất chia lô đất làm ba phần: bà S. 162m2, bà Nga 162m2 và bà Diệp 68m2 để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Thế nhưng lối đi của bà Nga và bà Diệp vẫn không được UBND phường đề cập.

“Chúng tôi gửi hàng chục lá đơn cho UBND TP Biên Hòa và UBND phường Quyết Thắng nhưng chẳng đơn vị nào giải quyết. Từ đó đến nay muốn ra vào nhà, chúng tôi phải leo cây thang gác trên tường rào cư xá Tỉnh ủy kế bên” - bà Diệp cho biết.

“Bây giờ con tôi đã 6 tuổi leo thang bị té hoài mà tôi không thể vừa bế nó vừa leo thang” - bà Diệp than thở. Hiện nay, bà phải gửi xe máy bên ngoài với giá 100.000 đồng/tháng. Còn bà Nga cho biết: “Do leo thang vào nhà, chiếc xe đạp tôi mới mua dựng bên ngoài đã bị lấy cắp”. Hiện bà Nga mua dây khóa để khóa chiếc xe vào cây thang.

“Hơn ba năm nay, bị té bầm tay chân hay khâu vài mũi là chuyện thường với chúng tôi, nhất là khi trời mưa. Hai nhà chúng tôi đã thay mấy cây thang rồi nhưng chưa có cơ quan nào giải quyết đường đi cho chúng tôi” - bà Diệp cho biết.

fnuWYyMT.jpg
Sơ đồ thửa đất nhà bà Nga, vị trí dự kiến mở lối đi là bức tường - Ảnh: N.Hậu chụp lại

“Đường tự mở”

Tháng 11-2012, trong biên bản thỏa thuận về đất và ranh mốc đất giữa các bên, đại diện UBND phường Quyết Thắng vẽ con đường phía trước nhà hai hộ dẫn đến... tường rào của cư xá Tỉnh ủy với chữ “đường đi”.

Đến tháng 10-2013, khi hoàn tất các thủ tục, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và sở hữu nhà ở của bà Nga và bà Diệp được UBND TP Biên Hòa cấp, trên đó sơ đồ thửa đất cũng chỉ ghi “đường tự mở” kèm mũi tên hướng về bức tường rào cư xá Tỉnh ủy để “đi đường Hà Huy Giáp”. Phía sau bức tường này là phần đường đi lại của cư xá Tỉnh ủy.

Ông Lê Ngọc Toàn, phó chủ tịch UBND phường Quyết Thắng, cho biết: “UBND phường đã yêu cầu hai hộ nếu có tranh chấp về lối đi thì làm đơn gửi tòa án giải quyết”. Ông Toàn cũng giải thích thêm: “Vừa qua, UBND phường Quyết Thắng đã làm việc cũng như vận động các tổ dân phố phía cư xá Tỉnh ủy xin mở đường cho hai hộ dân này. Mặc dù phía công an phường cũng bảo đảm khi đập bức tường tạo lối đi sẽ đảm bảo an ninh trật tự cho khu vực nhưng đại diện tổ dân phố phía cư xá Tỉnh ủy nói rằng muốn đập bức tường trên phải xin phép thường trực Tỉnh ủy”.

Về việc này, ông Lê Hồng Phương - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai - cho biết: “Chưa thấy các cấp trình đơn kiến nghị chuyện này. Nếu có kiến nghị của người dân, chúng tôi sẽ chuyển đơn cho các đơn vị thuộc thẩm quyền xem xét giải quyết”.

* Luật sư TRẦN QUỐC MINH (Đoàn luật sư TP.HCM):

Đòi lối đi là quyền lợi chính đáng

Điều 275 Bộ luật dân sự quy định: “Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối ra có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác...; lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định”.

Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, gia đình bà Nga và bà Diệp hoàn toàn có quyền để mở lối đi. Nếu hộ gia đình có đất phía ngoài không chấp nhận để mở lối đi, gia đình bà Nga và bà Diệp có thể nhờ UBND cấp cơ sở can thiệp bằng việc hòa giải giữa hai bên. Khi UBND cấp cơ sở hòa giải không thành thì việc tranh chấp lối đi sẽ do TAND nơi có bất động sản giải quyết.

NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên