Người thương binh trở về mặt trận xóa mù chữ - Ảnh: Quốc Việt chụp lại ở Nhà kỷ niệm Hội truyền bá quốc ngữ Hà Nội |
Ngay từ thời đầu của Hội truyền bá chữ quốc ngữ trước năm 1945, lòng ái quốc đã được lồng vào các buổi học xóa mù chữ cho dân nghèo. Những bài hát khơi gợi tinh thần hào hùng dân tộc như Bạch Đằng giang được bắt nhịp rền vang trong các lớp học...
Học trong lửa đạn
Sau bước ngoặt năm 1945, hồn ái quốc lại càng đẫm trong từng câu chữ ở các lớp học nghèo của bình dân học vụ. Ngay các khóa huấn luyện giáo sinh nguồn cho công cuộc này cũng luôn được đặt những tên khơi gợi tinh thần dân tộc như Đông kinh nghĩa thục...
Ngày 1-5-1946, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư xác định vị thế người chiến sĩ của những người đi dạy học xóa mù chữ:
“... Anh chị em là bộ đội tiền phong trong sự nghiệp tiễu trừ giặc dốt. Anh chị em chịu cực khổ khó nhọc, hi sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc.
Anh chị em làm việc mà không lương bổng, thành công mà không tiếng tăm. Anh chị em là những người vô danh anh hùng. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em...”.
Thầy giáo Nguyễn Thìn Xuân kể trước năm 1945 phải khéo léo lồng vào lớp học những bài thơ, truyện kể lịch sử yêu nước, nhưng sau Cách mạng Tháng Tám thì nhiệm vụ đó rõ ràng hơn trong tình cảnh cuộc chiến vệ quốc trước quân Pháp ngày càng khốc liệt.
Lời thơ trong lớp bình dân học vụ cũng công khai mục tiêu chiến đấu: Trường tôi vui giữa rừng sâu / Chữ theo đuốc lửa, đêm thâu, tiếng người / Trường tôi, không đợi ai mời / Theo anh vệ quốc, lập đời chiến khu.
Một biên bản hội nghị thi đua diệt dốt ngày 19-7-1949 được lưu giữ lại Cục Lưu trữ trung ương, phông Bộ Giáo dục, kể lại tỉ mỉ việc dạy và học thời chiến: Ngày 1-6-1949, đồng chí giám đốc Nha Bình dân học vụ (lúc này là ông Vương Kim Toàn thay ông Nguyễn Công Mỹ đã hi sinh - PV) bắt đầu một chuyến đi địa phương dài ngày, có ghi ở sổ tay: Ngày 25-6 đến Quảng Yên.
Đồng chí chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính cho biết: bình dân học vụ đã giúp được nhiều trong việc gây cơ sở quần chúng ở vùng địch tạm chiếm.
Ngày 27-6, cùng đồng chí trưởng Ty bình dân học vụ đi Kinh Môn. 21g đến trạm giao thông ở làng Dương Nham. Hôm sau thăm lớp học bình dân học vụ ở đó.
Địch mới càn quét vùng này cách đây hai tháng, lùa bắt đi 100 trâu bò, dân bây giờ phải kéo cày thay trâu. Đồng chí Tiệp, trưởng Ban bình dân học vụ huyện Kinh Môn, văn phòng đặt tại vùng tạm chiếm, sau trận càn mới rồi, lại tiếp tục công tác ngay, hôm nay hướng dẫn đi thăm lớp.
Phong trào bình dân học vụ Dương Nham vẫn duy trì tốt: có ba lớp sơ cấp và hai lớp dự bị.
Lớp học có du kích cảnh giới. Nhìn từ xa thì như một nhóm du kích đang làm ăn bình thường, cạnh mỗi người có cái xa quay sợi.
Mỗi học viên có một ống tre, có báo động thì bỏ sách vở vào ống tre và ném vào bụi tre gần đó. Và mọi người lại ngồi quay sợi.
Bài chính tả - tập đọc hôm đó là một đoạn trích trên báo Cứu Quốc, nhan đề “Bắn chìm tàu chiến địch”, thuật lại chiến thắng lần thứ hai trên sông Lô trước đó ba tháng. Tin tức chiến sự và chiến thắng đã đến với bình dân học vụ rất kịp thời như vậy.
Tiếp tục chuyến đi địa phương, ngày 20-8, làm việc với Ty Quảng Bình. Phong trào bình dân học vụ tốt. Cuối tháng 7-1949 có 904 lớp sơ cấp, 1.091 giáo viên và 19.275 học viên; 39 lớp dự bị, 272 giáo viên, 604 học viên.
Trong 34 xã bị địch kiểm soát thì 30 xã đã có cơ sở bình dân học vụ: 467 lớp học, 552 giáo viên và 9.804 học viên. Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đánh giá cao tác dụng chính trị của bình dân học vụ.
Tỉnh đưa một người A-rem giao cho ty dạy biết chữ để về dạy lại đồng bào họ. Người A-rem sống ở rừng Bố Trạch và Tuyên Hóa, lảng tránh người miền xuôi, sống ở hang đá, ăn bột cây báng, mặc bằng vỏ cây sui...
Hóa trang thành nông dân để đi học - Ảnh: Quốc Việt chụp lại ở Nhà kỷ niệm Hội truyền bá quốc ngữ Hà Nội |
Hồn ái quốc tiếp tục truyền khắp non sông
Để lồng tinh thần ái quốc vào được lớp xóa mù chữ trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, họ đã nghĩ ra rất nhiều cách che mắt quân Pháp.
Cán bộ cấp nha, ty đi chỉ đạo chung thì luôn “diện” bộ đồ phong sương của dân bán rong hồi ấy với bộ bà ba nâu, nón lá và chiếc bị cói. Nó hòa lẫn với đời sống dân thường, mật thám Pháp không để ý. Nó cũng dễ giặt, mau khô khi phải băng qua đồng lầy hay bơi sang kênh rạch.
Ngay các lớp học ở vùng bị tạm chiếm, người ta vẫn có cách bí mật dạy được chương trình bình dân học vụ của kháng chiến. Một số giáo viên cách mạng được âm thầm cài cắm vào trường để vận động các giáo viên khác.
Thậm chí, họ còn có cả hai loại sách giáo khoa. Sách giáo khoa của Pháp thì xếp ngay ngắn trên bàn. Sách giáo khoa kháng chiến thì giấu trong người. Họ còn khéo léo cắt dán cả bìa sách của Pháp vào bìa sách kháng chiến để ngụy trang...
Về sau, mật thám phát hiện cũng cài cắm người họ vào trường học. Và đó là cuộc chiến cân não đầy nguy hiểm của cả hai bên để tinh thần yêu nước vẫn truyền được vào lớp học.
Ở Nam bộ, cựu đại sứ Võ Anh Tuấn kể tuy xa chỉ đạo của Nha Bình dân học vụ trung ương, nhưng phong trào xóa mù chữ kháng chiến vẫn phát triển rất mạnh. Những lớp học được tổ chức vào “giờ độc lập” trong ngày, tức giờ không có quân Pháp đánh phá.
Ngay trong trung tâm Gia Định có quân Pháp quản lý chặt chẽ, họ vẫn bí mật tổ chức được nhà in sách Vần quốc ngữ gửi ra vùng kháng chiến. Không đủ sách thì các địa phương tự in lại bằng bột nếp để phát cho học viên.
Đặc biệt, phong trào bình dân học vụ còn mở rộng ra các nước như Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, kể cả Pháp, để Việt kiều được học quốc ngữ và biết tình hình đấu tranh trong nước.
Hai cán bộ bình dân học vụ đã sang Vân Nam (Trung Quốc), dạy cho hơn 2.000 Việt kiều sống rải rác trên tuyến hỏa xa Hà Nội - Vân Nam. Từ năm 1946, sách Vần quốc ngữ của ông Hoàng Xuân Hãn cũng theo phái đoàn Việt Nam sang dự hội nghị ở Pháp, dạy cho lính thợ, phu phen Việt kiều.
Nhắc nhớ chuyện xưa, ông Nguyễn Miện (90 tuổi, học ở Pháp) giai đoạn lịch sử này vẫn không quên hồi ức:
“Cầm cuốn sách in bằng chữ mình do cụ Phạm Văn Đồng mang sang mà chúng tôi ứa nước mắt. Cảm giác thật xúc động khi ở giữa Paris mà được lật trang thơ Quốc ngữ, chữ nước nhà: Văn minh trong buổi bây giờ / Mà dân dốt nát nước nhờ được sao?”.
Ông Miện tâm sự hồi ấy giáo dục Pháp dành cho người Việt luôn đề cao “mẫu quốc”, dân tộc Việt Nam là hạ đẳng.
Họ bật khóc khi đọc những câu chữ đẫm hồn ái quốc này. Và nhiều người đã trở về nước, không ngại chiến tranh nguy hiểm, góp phần vào cuộc trường chinh vượt qua đêm tối thất học của đồng bào mình...
Chỉ tính đến cuối năm 1950, trên 10 triệu người cả nước hết mù chữ. Chương trình bình dân học vụ chuyển sang giai đoạn tiếp tục xóa mù chữ cho những người còn lại; dạy tiếp dự bị bình dân và bổ túc văn hóa để nâng cao trình độ, tránh tái mù chữ khi đồng bào phải nghỉ học sau lớp sơ cấp. |
------------
Hồ sơ: Cuộc trường chinh vượt qua đêm tối
>> Kỳ 1: Đêm dài tăm tối
>> Kỳ 2: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu
>> Kỳ 3: Lớp học dưới tán rừng U Minh
>> Kỳ 4: Buổi học đầu tiên
>> Kỳ 5: Xóa mù chữ ở Sài Gòn - Gia Định
>> Kỳ 6: Cái chết của tổng giám đốc bình dân học vụ
>> Kỳ 7: Những ngọn đèn vẫn sáng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận