26/08/2015 10:50 GMT+7

Buổi học đầu tiên

QUỐC VIỆT - nguyenquocviet@tuoitre.com.vn
QUỐC VIỆT - nguyenquocviet@tuoitre.com.vn

TT - “Buổi học đầu tiên của xóm Cả Đuốc, huyện Đầm Dơi, Cà Mau ở trong và ngoài lớp đều đông. Bà con chen kín để dòm ngó coi chuyện học hành thế nào"

Ông bà Nguyễn Văn Ngộ vẫn nhớ những ngày ở lớp học U Minh Ảnh: QUỐC VIỆT
Ông bà Nguyễn Văn Ngộ vẫn nhớ những ngày ở lớp học U Minh - Ảnh: QUỐC VIỆT

>> Kỳ 1: Đêm dài tăm tối

>> Kỳ 2: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu

>> Kỳ 3: Lớp học dưới tán rừng U Minh

"Thấy tụi tui mở đầu dạy hát, họ cũng vỗ tay nhịp theo tưng bừng” - Bao nhiêu biến động thời cuộc đã trôi qua, những người thầy lớp xóa mù chữ miệt đất rừng phương Nam vẫn nhớ mồn một như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.

I tờ giống móc cả hai

Người thầy năm xưa Huỳnh Long Oanh ở ấp Ô Rô, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển kể trước đi dạy họ đã được mấy anh cán bộ kháng chiến tập hát những bài phong trào hào hùng như Lên đàng của Lưu Hữu Phước, Nam bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn...

Mở đầu buổi học, họ thường vỗ nhịp hát những bài này để khơi gợi tinh thần đồng bào. Nhiều cô bác đã đứng tuổi, tóc pha sương mà vẫn ứa nước mắt khi hòa cùng:

“Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô, dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền. Thuốc súng kém, chân đi không mà nhiều người giàu lòng vì nước...”.

Sau đó lớp bắt đầu tập đọc và viết những chữ cái i, t đầu tiên. Giọng nông dân miệt rừng cứ ồm ồm, cứng nhắc, lúc đầu còn ngượng ngập nhưng riết rồi cũng mềm dần và thuộc lòng: “I tờ giống móc cả hai/ I ngắn có chấm, t dài có ngang”.

Ban đầu các thầy định tổ chức lớp học một buổi, bất ngờ chính các học viên bên dưới lại đề nghị được học cả hai buổi. Cô bác nói: “Dù gì cũng lỡ ngày mần ăn rồi, thôi học hai buổi luôn cho nhanh”.

Hầu hết học viên những lớp xóa mù chữ này đều là thanh niên, người đã lớn tuổi. Họ nôn nóng muốn học nhanh để về nhà dạy lại cho người nhà mình.

Người thầy 15 tuổi hồi ấy Huỳnh Văn Tuôi, bạn cùng quê với ông Oanh, cười nhớ lại: “Tụi tui lúc đó gặp khó nhất là đồ dạy học. Kiếm được bảng đen đã mừng, nhưng phấn trắng mới viết mấy ngày đã sạch trơn.

Anh em phải ra bờ sông tìm đất sét tốt về nặn phơi khô thay phấn, viết lên bảng nét đậm, nét mờ tịt, vậy mà bà con bên dưới cũng ráng nhìn ra chữ được”.

Đồ dạy còn là vậy, học cụ thì thiếu thốn hơn rất nhiều. Ông Tuôi nhớ họ phải chặt rễ đước nhỏ làm cán bút, rồi nhờ người lên chợ Cà Mau mua ngòi bút về cắm vào viết.

Rồi ngòi bị thiếu hay rớt gãy, họ phải chặt cây tre già, tách lấy phần vỏ cật cứng để chuốt nhọn làm ngòi viết. Ngay cả mực lúc ấy cũng cực kỳ quý hiếm ở miệt đất rừng phương Nam này. Ông Tuôi, ông Oanh chỉ dám dè sẻn pha năm viên mực tím với cả lít nước để rót chia cả lớp.

“Vừa thiếu thốn vừa cực như vậy nhưng hồi đó học vui lắm. Bà con ban đầu còn tò mò đứng ngoài ngó lớp học thế nào, rồi cũng dần kéo nhau vào hết trong lớp. Bàn ghế hết chỗ, họ phải tiếp tục chặt cây mắm đóng cọc xuống đất để có chỗ ngồi” - ông Oanh kể phần dạy nhận mặt chữ rồi phát âm không khó.

Bà con tuy đều lớn tuổi nhưng ham học nên tiếp thu rất nhanh. Đầu tiên ông viết chữ i lên bảng, bảo học viên đọc theo mười lần. Ông mô tả cho họ dễ nhớ: i giống như cái móc câu, có cái phao tròn là dấu chấm trên đầu.

Còn chữ t giống chữ i ở cái móc câu bên dưới, nhưng không có phao tròn trên đầu mà có vạch gạch ngang. Sau khi nhớ mặt chữ cái, họ được dạy ghép vần bằng cách đọc tờ i ti, rồi đọc tiếp tờ i ti sắc tí, tí ti...

Tiếng đánh vần ê a cả vạt rừng rồi vang cả trong từng mái nhà dân, khi người lớn học được chữ nào mừng rỡ về dạy lại liền cho vợ con ở nhà. Biết được mấy chữ bà con hãnh diện lắm, giành nhau ra chợ để được đi qua cái cổng cho người biết chữ có bảng khắc mấy chữ cái bên trên.

Rồi cái bảng cổng chợ có chữ cái đó cũng khó dần lên theo thời gian với lớp bình dân học vụ. Những chữ cái không còn viết rời nữa mà được ghép lại. Có người chưa học tới hay đã học rồi mà quên, đứng gãi đầu gãi tai cười ngượng nghịu một lúc rồi lủi thủi quay về nhờ thầy dạy tiếp.

Một lớp bình dân học vụ sau năm 1945 ở miền Tây Nam bộẢnh tư liệu
Một lớp bình dân học vụ sau năm 1945 ở miền Tây Nam bộ - Ảnh tư liệu

Tình cảm như ruột thịt

Chỉ vài hôm thầy trò các lớp bình dân học vụ đã xem nhau như người ruột thịt trong nhà. Ông Tuôi nhớ bận đó không mấy người có được đôi dép. Bốn chục đôi chân trong lớp thì hết 39 đôi bàn chân trần đầy sình đất.

Ai cũng thấy điều đó rất bình thường, nhưng các cô bác học viên thương thầy giáo nên kiếm da trâu và cây tràm già để đẽo cho họ đôi guốc. Da trâu không được thuộc khô, gặp mưa gió, sình lầy bốc mùi khăm khẳm, nhưng ai được lộc cộc đôi guốc đó dưới chân cũng hãnh diện lắm.

Hồi đó xà bông là thứ quý như vàng thiệt ở miệt rừng này. Các thầy được học trò của mình là nông dân quen sống trên kênh rạch, đầm lầy chỉ cho cách lấy sình dưới sông thay cho xà bông.

Họ móc sình gội lên tóc, xoa người, rồi vùng vẫy dưới sông cho trôi sình đi, vậy mà vẫn sạch hơn tắm nước không.

Ông Oanh kể tiếp: “Nhóm thầy giáo ở Cả Đuốc chỉ có mỗi bà Truyền là cô giáo nhỏ tuổi nên được bà con địa phương cưng nhất.

Họ hùn nhau may thêm cho cô một bộ quần áo, thứ rất quý bận đó. Còn cánh thầy giáo như tụi tui thường mỗi người chỉ có một bộ rưỡi, tức một cái quần dài để đi dạy và một cái quần xà lỏn mặc ở nhà”.

Để mọi người đỡ mệt mỏi vì phải học nguyên ngày, các thầy cô bày trò vui tùy theo mức độ học đến đâu của học viên.

Ông Huỳnh Vui Tươi, một người thầy ở cùng xóm Ô Rô với ông Oanh, kể cuối khóa học họ đã nói học viên thử viết thư cho nhau. Mấy người bạn nhà ở sát bên nhau mà vẫn hào hứng viết thư: “Ê, mày có nhớ tao không?”.

Có những cặp vợ chồng suốt ngày bên nhau mà vẫn tỉ tê viết: “Má nó hết thương tui hả? Sao sáng nay đi học tui hỏi bài mà không trả lời?”.

Ông Tươi nhớ khi mọi người viết được thư, đọc được thư của nhau đều mừng lắm, dù nhiều người chỉ viết nổi một câu cụt lủn mà sai mấy lỗi chính tả... Thi thoảng có tờ nhật trình (báo) cũ nào đó lọt được xuống miệt này, cả lớp chuyền tay ê a đọc như muốn khoe chữ cùng nhau.

Thấy dân xóm thay đổi, người già cả cũng vui hẳn. Các thầy ở nhờ nhà ông Năm Nhường đã được ông cho theo câu cá sấu vào ngày chủ nhật.

Ngón nghề gia truyền nhiều đời của gia đình ông Năm Nhường, mà đến đời ông vẫn “thủ kín mít” không chịu truyền lại cho ai bên ngoài dù rừng U Minh hồi ấy đã cạn kiệt dần loài này.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngộ và bà Trịnh Thị Anh, 80 tuổi, ở khóm 2, thị trấn U Minh kể hồi đó mình là những học viên nhỏ tuổi nhất lớp. Lẽ ra họ không được đi học.

Tuy nhiên, khi cha mẹ thấy thầy cô bình dân học vụ dạy miễn phí mà lại hiền lành, thiệt thà quá nên gửi con đến lớp.

“Ba tui bận đó mần cá giỏi lắm, cứ mấy hôm lại biểu tôi xách cá rừng sang biếu thầy vì thương mấy thầy phải xa nhà, chịu thiệt thòi” - đến giờ bà Anh vẫn không quên kỷ niệm chân chất này...

____________

Kỳ tới: Xóa mù chữ ở Sài Gòn - Gia Định

Sài Gòn - Gia Định, mảnh đất trù phú nhất nước với nhiều trường học, nhưng các lớp xóa mù chữ vẫn được mở để giúp người nghèo. Có nhà buôn hảo tâm đã in hàng ngàn cuốn vần quốc ngữ để tặng người học…

QUỐC VIỆT - nguyenquocviet@tuoitre.com.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên