Đây là kết quả khảo sát mà Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa đưa ra tại hội thảo công bố kết quả khảo sát nhận thức người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, tổ chức ngày 8-9 tại TP. Đà Nẵng.
Kết quả khảo sát lấy ý kiến của 3.000 người tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy, hơn 70% số người được hỏi cho rằng đã từng nghe, biết Luật Bảo vệ người tiêu dùng và biết quyền cơ bản của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hơn một nửa trong số này không biết chính xác cơ quan, đơn vị nào bảo vệ quyền lợi khi bị xâm phạm, thậm chí một số người cho rằng cơ quan bảo vệ quyền lợi của họ là Hội Nông dân Việt Nam.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 56% người tiêu dùng thừa nhận đã từng bị xâm phạm quyền lợi khi mua hàng trong 5 năm qua, nhiều nhất là hàng thực phẩm, nước uống... Điều này phản ánh đúng thực trạng thị trường tiêu dùng hiện nay, trong đó tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, chế độ bảo hành hàng điện tử đang gây nhiều bức xúc trong người tiêu dùng.
Điều đáng nói là tình trạng người tiêu dùng bị xâm phạm khá phổ biến nhưng gần một nửa trong số họ chọn giải pháp im lặng, bỏ qua vụ việc vì cho rằng giá trị tranh chấp nhỏ, thủ tục khiếu nại rườm rà, phức tạp, không biết đến cơ quan, tổ chức hỗ trợ giải quyết khiếu nại.
Để việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đạt hiệu quả, theo các chuyên gia, cần phải tạo tính minh bạch cho các quy phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.
Theo đó, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục hoàn thiện các công cụ hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường và chú trọng phát triển các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bắt buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng phải mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận