Phóng to |
Ruộng của bà con nông dân xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa bỏ hoang cho cỏ mọc nhiều năm nay - Ảnh: Hà Đồng |
Theo ông Tuấn, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc bà con nông dân bỏ ruộng, trả ruộng là do sản xuất nông nghiệp có thu nhập thấp hơn so với làm nghề khác.
Theo Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên - môi trường Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh, tại 11 huyện, thị xã, TP có tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng với tổng diện tích đất mà 10.578 hộ nông dân bỏ ruộng, trả ruộng là 1.104,7ha (gồm 534,1ha đất chuyên sản xuất lúa và 570,6ha đất sản xuất nông nghiệp khác).
Trong đó có 8.359 hộ dân bỏ 886,75ha ruộng, 2.183 hộ dân đã trả 218,95ha ruộng cho chính quyền. Số diện tích đất không sản xuất nhiều năm nay là đất được Nhà nước giao ổn định lâu dài cho các hộ gia đình.
Trả lời các câu hỏi của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh sáng 12-12, ông Lê Như Tuấn cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng là do chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là tại TP Thanh Hóa, các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc.
Điều kiện sản xuất nông nghiệp ở một số vùng gặp nhiều khó khăn cũng như do thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp so với nghề khác và không ổn định.
Qua phân tích của các địa phương và ngành chức năng, bình quân thu nhập từ một sào lúa (500m2) chỉ đạt 700.000-800.000 đồng/vụ (trong bốn tháng); vùng lúa năng suất chất lượng cao đạt 1,1-1,2 triệu đồng/sào/vụ.
Chính sách giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho hộ dân từ năm 1993 còn manh mún, xen kẽ, khó canh tác, khó đầu tư thâm canh.
Tại một số địa phương, việc đóng góp nhiều loại phí được tính theo đầu sào (như phí bảo vệ đồng ruộng, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương...), nên nhiều hộ dân đã chủ động bỏ ruộng hoặc trả ruộng để giảm bớt các khoản đóng góp theo quy định của địa phương...
Để giải quyết tình trạng này, phát huy giá trị kinh tế của đất nông nghiệp, ông Lê Như Tuấn cùng ông Vũ Đình Xinh, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Thanh Hóa, trả lời trước cử tri, đại biểu HĐND tỉnh đều cho rằng các địa phương và ngành chức năng sẽ rà soát, kiểm tra cụ thể từng diện tích đất nông nghiệp mà nông dân bỏ hoang hoặc trả ruộng để có kế hoạch dồn điền đổi thửa, tạo thành các cánh đồng lớn; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực có diện tích đất bỏ hoang.
Sau đó, chính quyền địa phương sẽ vận động các hộ dân có nhu cầu làm ruộng, hoặc doanh nghiệp nhận số đất hoang để sản xuất nông nghiệp. Chính quyền địa phương sẽ rà soát, thống kê số ruộng của các hộ dân không tha thiết sản xuất nông nghiệp nữa để thu hồi theo pháp luật đất đai, rồi kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất nông nghiệp...
Kết thúc buổi chất vấn, ông Mai Văn Ninh - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa - yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành liên quan tham mưu ngay cho UBND tỉnh có chính sách đối với những nơi nông dân bỏ ruộng, trả ruộng. Những vùng đất sản xuất khó khăn, chính quyền phải cải thiện điều kiện canh tác cho nông dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho nông dân. Những nơi bà con nông dân muốn bỏ ruộng, trả ruộng, chính quyền làm thủ tục thu hồi theo quy định của pháp luật đất đai, dồn lại thành các thửa lớn để kêu gọi doanh nghiệp vào sản xuất cây trồng trên diện tích đất bỏ hoang lâu nay...
“Dân còn chết oan nếu cơ quan quản lý không nhận trách nhiệm”
Ông Đỗ Thông, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã nhận định như vậy khi nghe giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh trả lời chất vấn về những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trên địa bàn nhưng không thấy cơ quan nào nhận trách nhiệm tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh chiều 12-12. Trong phần trả lời chất vấn, ông Nguyễn Thế Thịnh, giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thừa nhận hai vụ tai nạn lao động gần đây tại huyện Ba Chẽ làm bốn người tử vong và tại Công ty cổ phần than Vàng Danh làm ba công nhân thiệt mạng là hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhắc đến nguyên nhân và xử lý trách nhiệm, ông Thịnh trả lời: “Người có hành vi tổ chức phân công thợ thi công không hợp lý gây tai nạn đã bị chết nên không xử lý trách nhiệm. Còn trách nhiệm trong vụ tai nạn lao động tại Công ty than Vàng Danh thì xác định ban đầu là do lỗi kỹ thuật của hệ thống biến tần, nhưng hiện tại các chuyên gia kỹ thuật chưa xác định được lỗi của hệ thống này”. Đại biểu Đỗ Thông bức xúc và đặt câu hỏi chất vấn tiếp: “Tôi cảm thấy rất buồn với cách trả lời của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH. Một vụ tai nạn nghiêm trọng, bốn người dân tử vong mà không thấy hình ảnh, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Xây dựng thì phải cấp phép, công trình này có được cấp phép không? Cấp như thế nào? Trách nhiệm quản lý rõ ràng thuộc về chính quyền địa phương mà cứ trả lời như vậy thì không giải quyết được gì, còn nhiều việc tương tự sẽ xảy ra và sẽ còn người dân bị chết oan”. Ông Thông truy tiếp: “Phải triệt để, quy trách nhiệm chứ không phải chờ vụ việc xảy ra mới xem có đảm bảo không. Phải quy trách nhiệm chính quyền địa phương, giám đốc doanh nghiệp để những vụ việc đau lòng tương tự không xảy ra”. Sau khi nghe câu hỏi chất vấn từ phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Thịnh khẳng định: “Sẽ tiếp thu ngay và hiện các ngành chức năng đang tiếp tục điều tra, sau khi có kết luận sẽ có xử lý trách nhiệm cụ thể”. Tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng quan tâm và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm trong vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trên địa bàn trong thời gian qua khiến nhiều người tử vong. Ông Nguyễn Xuân Diện, giám đốc Sở Y tế, khẳng định ngành đã làm hết trách nhiệm ngay sau khi vụ việc xảy ra. Theo ông Diện, trong vụ việc này, đơn vị phân phối rượu nếp 29 Hà Nội tại Quảng Ninh có đầy đủ giấy tờ nên trách nhiệm chính thuộc các cơ quan quản lý nơi công ty sản xuất rượu hoạt động tại Hà Nội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận