Dấu hiệu tăng trưởng này được mô tả như một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Nhật bị bóng đen giảm phát phủ bóng suốt hơn chục năm qua.
Phóng to |
Chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe liệu có khiến kinh tế nước này “cất cánh”? - Ảnh: Reuters |
Tâm lý lạc quan đang trở lại với hoạt động sản xuất, thị trường lao động và chứng khoán khi mức tăng GDP cao hơn nhiều so với dự báo. Chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe (Abenomics) nay đang phát huy tác dụng bước đầu khiến kinh tế Nhật phục hồi nhanh chóng.
Báo Japan Times ngày 17-5 nhắc lại “ba mũi tên” trong chính sách kinh tế của ông Abe: nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng chi tiêu công và áp dụng những biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng, trong đó chú trọng đầu tư vào khu vực tư nhân nhằm chấn hưng nền kinh tế đang trượt dài trong trì trệ. Tokyo đã bơm 226,5 tỉ USD trong gói kích thích “khủng” nhằm tăng mức lạm phát lên mức 2%. Đáp lại biện pháp này, đồng yen lập tức giảm giá so với USD. Tiền mất giá khiến giá trị cổ phiếu giảm theo. Các nhà đầu tư tranh thủ “cơ hội” mua vào ồ ạt khiến thị trường chứng khoán Nhật tăng mạnh. Chỉ số Nikkei 225 đã tăng mạnh đến 75% kể từ tháng 11-2012.
“Tầm nhìn Abe”
Tờ The Economist ngày 18-5 bình luận ông Abe là một người “có tầm nhìn về một nước Nhật thịnh vượng và có lòng yêu nước”. Từ khi Trung Quốc đoạt lấy ngôi vị “nền kinh tế thứ 2 thế giới” của Nhật vào năm 2010, hoạt động xuất khẩu của nước này đã rơi vào trì trệ. Khi đồng yen giảm giá so với USD nhờ chính sách của ông Abe, các nhà xuất khẩu đã lời khủng khi quy đổi tiền lời từ ngoại tệ sang đồng yen. Thị trường xuất khẩu sôi động trở lại giúp nền kinh tế Nhật phục hồi.
Điểm thành công mấu chốt của chính sách kinh tế Abe nằm ở đâu? Báo Japan Times bình luận sự thành công của chính sách này là ở chỗ chính quyền Abe đã khéo léo “lợi dụng” cơ hội tái thiết các vùng bị ảnh hưởng sau thảm họa động đất - sóng thần năm 2011. Việc đẩy mạnh xây dựng lại cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng khác tại vùng thảm họa đã làm tăng ngân sách chi tiêu công của chính phủ, góp phần kéo mức lạm phát tăng lên.
Các nhà đầu tư vung tiền vào đầu tư nhà ở, dân chúng đổ xô đi mua nhờ đồng yen đang mất giá và sự kích cầu này giúp phân khúc thị trường này phát triển. Chuyên gia Hideki Matsumura thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản nhận định kinh tế Nhật phục hồi nhờ vào hai yếu tố: tiêu dùng cá nhân tăng khiến thị trường chứng khoán sôi động trở lại và hoạt động xuất khẩu phục hồi.
Trước cuộc bầu cử vào tháng 12-2012, báo Diplomat từng đặt câu hỏi: liệu chính sách của ông Abe có cứu được kinh tế Nhật? Nay thì câu trả lời đã được giải đáp một phần khi giảm phát bước đầu được đẩy lùi, người dân lạc quan hơn. Tỉ lệ ủng hộ ông Abe tăng lên 70% so với 30% khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2007.
Báo Le Monde của Pháp trong xã luận ngày 16-5 cho rằng sự hồi phục của kinh tế Nhật đáng là một bài học cho châu Âu học tập, bởi “nếu bí quyết của Nhật Bản không thể xuất khẩu y nguyên như thế thì ít nhất cũng là một nguồn cảm hứng” cho châu Âu với mức lạm phát 1,2% giống như nước Nhật thời tiền Abe và đang có nguy cơ dẫn đến một thời kỳ giảm phát kéo dài. Báo này viết: “Đúng là một tin tốt lành. Đất nước mặt trời mọc như đang thức dậy. Nền kinh tế thứ ba thế giới như đang ra khỏi giấc ngủ dài. Ít nhất đó cũng là điều có thể hi vọng qua những số liệu thống kê lạc quan mà Nhật Bản đang ghi nhận. Từ hơn 15 năm qua, người ta đã quen với hình ảnh một nước Nhật trì trệ trong giảm phát. Nhật Bản đồng nghĩa là một đất nước sẽ không bao giờ thoát khỏi một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về ngân hàng. Với một gánh nợ công lên đến 245% GDP, Nhật Bản cứ chạy đuổi trong vô vọng một sự phục hồi đến mức người ta đã quên mất một thực tế khác: Nhật Bản còn là một trong những nước giàu nhất thế giới”.
Kinh tế và quân sự
Phía sau chính sách kinh tế của ông Abe là bóng dáng của “chủ nghĩa dân tộc” đang chiếm lĩnh chính trường Nhật.
Theo báo The Economist, việc Trung Quốc đoạt ngôi “nền kinh tế thứ 2 thế giới” của Nhật đã dẫn đến nhiều hệ lụy đáng chú ý: Bắc Kinh tự tin vung tiền vào hoạt động quân sự, xua tàu hải giám quần thảo quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư trong lúc chính phủ tiền nhiệm của ông Noda đang phải “vật lộn” với những biện pháp nhằm giải cứu nền kinh tế khỏi suy thoái. Kinh tế trì trệ khiến khả năng phòng vệ cũng kém. Khẩu hiệu “làm giàu đất nước, tăng cường quân đội” đã được vang lên trong nhiệm kỳ của ông Abe. Ẩn sau “Abenomics” còn là nhiều vấn đề về an ninh quốc gia. Ước mơ giành lại vị trí siêu cường của Nhật trong quá khứ đang thôi thúc ông Abe hành động khi đeo đuổi cùng lúc hai nhiệm vụ: kinh tế và quân sự.
Trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật vào tháng 7-2013, nhiều khả năng Đảng Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Abe sẽ thắng lớn với chính sách kinh tế đang được hưởng ứng rộng rãi.
Phóng to |
Tên lửa đẩy H-2A của Nhật Bản - Ảnh: Yomiuri Shimbun |
Nhật tham gia “cuộc đua không gian” bằng tên lửa H-3
Nhật vừa phê duyệt dự án phát triển tên lửa cỡ lớn H-3 đưa vệ tinh lên quỹ đạo với giá thành cạnh tranh. Kyodo ngày 19-5 cho biết từ năm 2014, Nhật Bản sẽ bắt tay vào chế tạo tên lửa đẩy H-3, dự kiến được phóng thử nghiệm vào năm 2020.
Tên lửa H-3 được thiết kế với việc sử dụng nhiên liệu lỏng cho động cơ chính và nhiên liệu rắn cho động cơ đẩy. Nó có khả năng phóng các vệ tinh đa dạng về chủng loại và kích thước lên quỹ đạo. Cơ quan Thám hiểm không gian Nhật và nhà thầu sản xuất - Hãng Mitsubishi sẽ chịu trách nhiệm về dự án này. Chi phí cho toàn bộ dự án khoảng 1,9 tỉ USD, trong đó chính phủ chịu chi phí nghiên cứu ban đầu. Chi phí sản xuất sẽ được huy động từ nguồn vốn của các doanh nghiệp tư nhân.
Đến nay để phóng vệ tinh, Nhật dùng loại tên lửa đẩy H-2A hoặc H-2B. Dù tỉ lệ phóng thành công của các loại tên lửa này lên đến 95% nhưng giá thành phóng rất cao với chi phí 98 triệu USD/lần. Việc tên lửa đẩy H-3 ra đời với thiết kế tinh gọn sẽ tiết kiệm chi phí, giúp Nhật cạnh tranh với các nước láng giềng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận