Buổi hội thảo với hy vọng các doanh nghiệp hai nước sẽ sớm thúc đẩy hợp tác để đưa các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ. Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Thông tin trên được các diễn giả đưa ra tại hội thảo Hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh ĐBSCL do UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 28-11 tại Tiền Giang.
Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish cho biết mỗi năm nước này chi hàng tỉ USD để nhập trái cây, rau củ các loại, trong đó dân Ấn thích các loại trái cây, rau củ của các tỉnh ĐBSCL.
Thị trường nước này, theo ông Parvathaneni Harish, đặc biệt quan tâm đến kỹ thuật xử lý cho cây ra trái quanh năm trên cây xoài và thanh long.
"Tôi hy vọng các doanh nghiệp hai nước sẽ sớm thúc đẩy hợp tác để đưa các sản phẩm của Việt Nam và thị trường Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ sẽ sẵn sàng mở cửa cho nông, thủy sản Việt Nam nhất là sản phẩm xuất xứ từ vùng đất ĐBSCL trù phú này", đại sứ Parvathaneni Harish nói.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho rằng nếu đưa được hàng hóa, đặc biệt là nông thủy sản, vào thị trường hơn 1,2 tỉ dân Ấn Độ thì sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nền sản xuất trong nước.
Theo ông Dũng, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, chiếm 40% sản lượng nông nghiệp toàn quốc.
Trong số đó lúa gạo chiếm 56%, xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo mỗi năm, thủy sản 3,62 triệu tấn, chiếm 57% sản lượng cả nước (tôm 3 tỉ USD/ năm, cá tra 1,7 tỉ USD/năm), rau quả và trái cây cũng đã đạt diện tích 300.000 ha.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết chính phủ Việt Nam và Ấn Độ mới đây đã đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều sẽ đạt con số 15 tỉ USD vào năm 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận