18/04/2013 12:03 GMT+7

Hôm nay Quốc hội Ý bầu tổng thống mới

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Hôm nay 18-4, hai đảng chính trị lớn của Ý đã đạt thỏa thuận ủng hộ một cựu chủ tịch Thượng viện làm tổng thống ngay trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.

JCEIDzuz.jpgPhóng to

Người Ý biểu tình trước cửa tòa nhà Quốc hội ở Rome để phản đối tình trạng nền kinh tế ngày càng xấu đi - Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin AFP, Đảng Dân chủ của chính trị gia Pier Luigi Bersani và Đảng Tự do nhân dân của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã đạt thỏa thuận ủng hộ ông Franco Marini, 80 tuổi, nổi tiếng là một chính trị gia sắc sảo.

Nếu được các nghị sĩ Quốc hội bỏ phiếu bầu làm tổng thống, ông Marini sẽ phải đối mặt với thách thức cực lớn là đưa các đảng chính trị đầy mâu thuẫn lại với nhau để tạo ra một chính phủ hòa hợp nhằm lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ ba khối đồng euro.

“Ông Marini là ứng cử viên phù hợp nhất - AFP dẫn lời ông Bersani mô tả - Ông ấy là người sáng suốt và hào phóng”. Còn cựu thủ tướng Berlusconi cho rằng ông Marini “là một người nghiêm túc và lạc quan”.

Ông Marini là cựu lãnh đạo nghiệp đoàn Công giáo CISL và từng giữ chức chủ tịch Thượng viện từ năm 2006-2008. Giới quan sát nhận định thỏa thuận của Đảng Dân chủ và Đảng Tự do nhân dân có nghĩa là nhiều khả năng ông Marini sẽ trở thành tổng thống.

Tuy nhiên một số thành viên nổi loạn trong Đảng Dân chủ tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông Marini. Thị trưởng Florence Matteo Renzi mô tả ông Marini là “ứng cử viên của thế kỷ trước”. Do đó giới phân tích cho rằng vẫn có khả năng cuộc bỏ phiếu sẽ đem lại một kết quả gây ngạc nhiên.

Có tin đồn ba cựu thủ tướng Giuliano Amato, Massimo D'Alema và Romano Prodi, cũng như cựu cao ủy châu Âu Emma Bonino cũng nằm trong danh sách ứng cử viên. Tổng cộng sẽ có 1.007 người bỏ phiếu bầu chọn người kế vị cựu tổng thống Giorgio Napolitano.

Người chiến thắng phải nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ trong ba vòng bỏ phiếu đầu tiên hoặc chiếm thế đa số ở vòng bỏ phiếu thứ tư trở đi.

Vị trí tổng thống ở Ý chủ yếu mang tính chất lễ nghi chứ không có quyền lực thật sự. Tuy nhiên một tổng thống cũng đóng vai trò rất quan trọng trong thời điểm khủng hoảng. Bằng chứng là việc ông Napolitano đã chỉ định ông Mario Monti làm thủ tướng khi ông Berlusconi từ chức năm 2011.

Tuy nhiên ông Napolitano đã bất lực trong việc làm trung gian đưa các đảng phái đối lập đến bàn đàm phán để thành lập chính phủ mới nhằm tìm phương hướng mới cho nền kinh tế đang khủng hoảng.

Đảng Dân chủ của ông Bersani giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2 nhưng không chiếm được thế đa số lớn. Mọi nỗ lực thành lập chính phủ đều bế tắc. Nhiệm kỳ bảy năm của ông Napolitano sẽ kết thúc vào ngày 15-5 tới.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên