15/11/2014 06:19 GMT+7

​Hôm nay khai mạc hội nghị G20

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Hội nghị sẽ tập trung vào các chiến lược kinh tế như tự do thương mại, tăng cường việc làm, đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Các lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra từ ngày 14-11 tại Brisbane (Úc) với áp lực phải hành động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Từ tháng 2-2014, G20 đã nhất trí hàng loạt chính sách nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2% trong năm năm và hội nghị lần này dự kiến tiếp tục có hơn 1.000 biện pháp được đưa ra.

Về hạ tầng, có thể G20 sẽ công bố thành lập một trung tâm hạ tầng toàn cầu đặt tại Sydney giúp kết nối các dự án và các công cụ quản lý rủi ro. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định sẽ cần hơn 70.000 tỉ USD đầu tư đến năm 2030 để lấp đầy các lỗ hổng trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, các lãnh đạo cũng sẽ bàn những vấn đề như chống trốn thuế, tham nhũng.

Theo báo Guardian, hội nghị có thể nhất trí các biện pháp như “tiêu chuẩn báo cáo chung” buộc các ngân hàng báo cáo vấn đề thuế của người nước ngoài về nước của họ, hay buộc các công ty đa quốc gia báo cáo thuế với từng nước để ngăn tình trạng chuyển lợi nhuận.

Trên thực tế, G20 đang đối mặt với những chỉ trích ngày càng gay gắt rằng đây chỉ là một diễn đàn “nói suông”, trong khi tình hình kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức.

Theo ông Mike Callaghan - chuyên gia thuộc Viện Lowy ở Sydney, hội nghị đang dần mất đi sự chú ý. Không có ban thư ký, không có hiệp định hay công cụ pháp lý để chống đỡ, sức ảnh hưởng của G20 đo bằng khả năng gây ảnh hưởng của nhóm này lên các nước thành viên.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa một số nhà lãnh đạo G20 cũng đang căng thẳng do những tranh cãi trong nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và phương Tây mới đây cảnh báo sẽ tăng cường trừng phạt Nga.

Theo Reuters, dù không nằm trong chương trình nhưng sau khi các thỏa thuận kinh tế lớn đã được ký ở Bắc Kinh, vấn đề an ninh sẽ là một điểm nóng tại hội nghị.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến gặp các lãnh đạo phương Tây bên lề hội nghị để thảo luận về vấn đề an ninh ở Ukraine.

Chiến dịch an ninh lớn nhất

Nhóm biểu tình đòi bình đẳng giữa các quốc gia đeo mặt nạ các lãnh đạo G20 gần khu vực hội nghị ở Brisbane - Ảnh: Reuters

Hội nghị G20 diễn ra trong bối cảnh Úc đang trong tình trạng báo động tấn công khủng bố.

Chính phủ nước này đã triển khai một chiến dịch an ninh thời bình lớn nhất từ trước đến nay với hơn 6.000 cảnh sát vũ trang, thiết bị an ninh công nghệ cao, cùng các máy bay tiêm kích F/A18 Super Hornet để bảo vệ hội nghị.

Úc cũng lập một vùng cấm bay trong thời gian diễn ra hội nghị, lập trạm kiểm soát trên các tuyến đường dẫn tới trung tâm hội nghị ở Brisbane và phong tỏa một phần sông Brisbane gần đó để ngăn chặn nguy cơ tấn công từ dưới nước.

Thậm chí các động vật bò sát, côn trùng... có khả năng gây hại hay đá, trứng, chai thủy tinh cũng bị cấm mang vào khu vực diễn ra hội nghị.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên