Ông Võ Văn Hào, một trong ba ngư dân của thôn 4 xã Gio Hải, Gio Linh Quảng Trị còn đi biển. Gần 100 ngư dân khác gác thuyền chờ biển an toàn trở lại |
Nhiều ngư dân bày tỏ mong muốn được biết khi nào biển an toàn để họ trở lại kiếm sống.
Ngư dân đánh bắt ven biển ở bốn tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra đang rất lo hải sản ít hẳn, trong khi giá lại rớt hơn trước rất nhiều vì người dân chưa trở lại ăn cá. Điều này khiến ngư dân đã khó càng thêm khó.
Sinh thái biển ra sao?
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết sáng nay (22-8), tại TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), Bộ TN-MT phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, tại hội nghị, các nhà khoa học của Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ công bố báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Đây là nội dung được chờ đợi với hàng loạt câu hỏi cụ thể về chất lượng nước biển, mức độ hủy hoại sinh thái biển sau sự cố môi trường do Formosa gây ra.
Kết quả công bố về hiện trạng biển miền Trung được xem như cơ sở để xác định mức độ an toàn của biển miền Trung từ môi trường nước mặt đến trầm tích tầng đáy biển cũng như phạm vi đánh bắt thủy hải sản an toàn.
Trước đó, sau khi xảy ra sự cố môi trường khiến cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung, dù Bộ TN-MT liên tục công bố các kết quả quan trắc nước biển tại các bãi tắm ở bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế với kết quả quan trắc cho thấy nước biển tại các bãi tắm nằm trong giới hạn an toàn.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là kết quả quan trắc ở tầng mặt nước, trong khi mức độ hủy hoại chủ yếu ở tầng đáy biển.
Liên quan đến sự cố môi trường biển miền Trung, ngày 30-6, phát biểu tại họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định sự cố môi trường khiến cá chết ở bốn tỉnh miền Trung rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về môi trường, kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Hai cha con ông Võ Công Toát ở làng Hải Phong xã Lỳ Lợi thị xã Kỳ Anh Hà Tĩnh sửa lại thuyền để đi câu mực |
Dân muốn biết biển nào sạch
Chiều 21-8, tại bờ biển thôn Hải Phong 2 (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), hai cha con ông Chu Văn Ngân đang tất bật để chuẩn bị câu mực.
Là thôn trưởng thôn Hải Phong 2, ông Ngân cho biết thôn có hơn 270 thuyền lớn nhỏ nhưng hiện chỉ có khoảng 10% thuyền ra khơi đánh bắt.
Đi đánh bắt về thường là để ăn, không ai mua do lo sợ cá còn bị nhiễm độc. Còn người nào không đi biển thì làm phụ hồ, thợ sơn, thậm chí có nhiều người lên đồi núi đốn củi, hái sim để bán.
Ông Ngân cho biết trước đây giá mực giảm mạnh, chỉ còn 90.000 đồng/kg nên thu nhập giảm sút.
“Không riêng cán bộ thôn mà mọi người dân đều muốn biết vùng biển nào sạch để yên tâm ra khơi đánh bắt. Dân cũng mong được khám sức khỏe xem mình có bị nhiễm độc hay không” - ông Ngân chia sẻ.
Trên bờ biển thôn Hải Phong 2, ông Võ Công Toát (56 tuổi) đang lom khom sửa sang lại mái chèo. Hỏi về chuyện đi biển, ông Toát thở dài nói nghề đi biển toàn thua lỗ bởi cá đánh bắt về bán với giá rất rẻ.
“Chúng tôi chỉ mong sớm biết được vùng biển nào không bị nhiễm độc để tiếp tục bám biển, giờ mà ngồi chờ hỗ trợ thì khó sống lắm”.
Ông Phan Duy Vĩnh - phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh - cho biết sau sự cố môi trường biển, chính quyền có khuyến cáo các ngư dân tiếp tục bám biển khai thác thủy hải sản ngoài 20 hải lý. Đến nay, các tàu thuyền đánh bắt xa bờ hoạt động bình thường.
Đối với tàu đánh bắt dưới 90CV hiện chỉ có gần 30% số tàu hoạt động, khai thác chủ yếu gần bờ nhưng phải tiêu thụ sản phẩm ở nơi khác như Cửa Hội, Cửa Sót.
Cá tôm còn quá ít
Tại tỉnh Quảng Bình, câu chuyện về biển vẫn là nỗi ám ảnh với ngư dân, nhất là ngư dân chuyên đánh bắt ven bờ.
Theo chính quyền các xã ven biển thuộc các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy... mấy tháng nay ngư dân gần bờ đã bỏ nghề chừng một nửa.
Dọc các bãi cát, nhiều tàu thuyền loại nhỏ được đưa lên bờ nằm “bất động”, số còn lại cũng đi biển nhưng vài ba hôm mới đi một lần vì cá tôm quá ít.
Ở xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), vừa hết một tuần trăng là ngư dân Trương Văn Hướng, ở thôn Cửa Thôn, lại chuẩn bị hành lý bắt xe vào Đà Nẵng để theo một tàu lớn ở Đồng Hới vào neo ở Đà Nẵng ra khơi.
Chuyến đi dự kiến kéo dài khoảng một tháng mới về. Anh Hướng mới xin được đi bạn cho tàu này. Anh vốn có một chiếc tàu nhỏ công suất hơn 20CV.
Trước khi xảy ra sự cố cá chết hàng loạt, anh thường đi đánh bắt ở những vùng biển gần bờ. Vợ anh mỗi sáng đi bán số cá, mực được anh đánh bắt về, cuộc sống tạm ổn. Nhưng nay hai vợ chồng phải chịu ngồi không.
Chính quyền có hỗ trợ gạo và một số tiền nhỏ, chỉ để sống qua ngày đoạn tháng. Anh Hướng tính bỏ vô miền Nam làm thuê, may mà có người giới thiệu cho đi bạn với tàu xa bờ ở Đồng Hới. Mỗi tháng lênh đênh trên biển, anh được chủ tàu trả vài triệu đồng đắp đổi qua ngày.
Úp thuyền tránh mưa
Tại thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị), hàng chục tàu thuyền nằm im trên bãi cát. Hơn một nửa trong số này được ngư dân dùng lá cây che nắng. Một số chiếc được úp lại để nước mưa không vào thuyền.
Chờ gần hai giờ chúng tôi mới gặp ngư dân Võ Văn Hào từ biển vào. Sau khi vật lộn cùng chiếc thuyền nan gắn máy hơn 10CV khoảng nửa giờ để đưa thuyền lên bãi cát, ngư dân này lôi từ hầm thuyền lên một chiếc bao bằng lưới.
Dốc ngược chiếc bao, hai con ghẹ bằng hai ngón tay tuột ra sàn tre cùng vài con mực bằng ngón chân cái. Ông Hào thở dài: “Cả ngày ngoài biển được chừng nớ”.
Ông Hào kể làm nghề biển gần bờ được hơn 30 năm. Gần trăm hộ trong thôn đều theo nghề này. Tuy nhiên, hiện cả thôn chỉ còn ba người bám biển. Những người khác, người thì theo phụ thợ nề, người thì cuốc cát lên trồng khoai, người trẻ thì đăng ký đi học ngoại ngữ với hi vọng đi xuất khẩu lao động...
Ông bám biển nhưng cũng không biết được đến bao giờ, bởi cho đến hiện tại cá mực vẫn rất hiếm. Nếu trước đây mỗi ngày ra biển ông kiếm được vài ba ký mực, bán được 300.000-400.000 đồng thì nay nhiều lắm chỉ được một cân.
Giá mua hiện tại chỉ còn khoảng 70% lúc trước, chỉ đủ cơm gạo tằn tiện qua ngày.
Theo ông Hào, sau đợt cá chết, gia đình ông được hỗ trợ15kg gạo trên mỗi nhân khẩu để ổn định cuộc sống trước mắt. Sau đó ông được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng cho hộ có tàu công suất dưới 90CV.
“Những hộ ngư dân trong thôn giờ chỉ biết trông chờ vào hỗ trợ của Chính phủ. Thật sự là rất khó tìm lối ra” - ông Hào nói.
Tại Thừa Thiên - Huế, cuộc sống của nhiều ngư dân ở đây cũng đang trong tình cảnh hết sức bấp bênh từ sau sự cố cá chết. Huyện Phú Vang là địa phương có nhiều ngư dân bị ảnh hưởng. Hàng trăm chiếc thuyền vẫn còn nằm bờ, phần lớn ngư dân vẫn chỉ biết quanh quẩn trong nhà.
Ngồi thẫn thờ nhìn ra biển, ông Huỳnh Văn Tuấn (trú thôn Xuân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) than thở:
“Mấy tháng hè là mùa đánh bắt chính, biển êm, cá lại nhiều, mỗi đêm kiếm hơn triệu đồng. Nhưng giờ các loại cá gần bờ như cá trích, cá mó... không còn nữa. Muốn có cá phải đi xa mà thuyền nhà tôi công suất nhỏ nên không ra xa được”.
Có một số ít ngư dân cố gắng ra biển nhưng số lượng cá tôm ít hẳn, giá giảm mạnh nên chẳng muốn đi nữa. Ngư dân Lê Văn Hiệp (thôn Cư Lại Trung, xã Phú Hải, huyện Phú Vang) cho biết cá đánh về phải bán giá rẻ mới có người mua, chủ yếu làm thức ăn gia súc.
Ông Trần Quốc, trưởng thôn Cư Lại Trung, cho hay hầu hết ngư dân đánh bắt gần bờ đều hết sức khó khăn, ngoài đi biển ra họ không có nghề phụ gì
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận