![]() |
Du khách tập trung về đền Thượng - Ảnh: Tiến Thành |
Ngày 9 tháng 4 âm lịch (tức 22-5) - theo truyền thuyết đúng vào ngày Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân, hàng vạn người dân và khách thập phương đã kéo về xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội để dự hội.
Hội Gióng năm nay được tổ chức trong 3 ngày (từ mồng 7 đến 9-4 âm lịch), mồng 9 là ngày lễ chính và cũng là ngày náo nhiệt nhất trong toàn bộ diễn trình của hội. Không gian hội trải dài từ khu đền Thượng đến đền Hạ và miếu Ban nằm trên triền đê của xã Phù Đồng, huyện Gia Lâm. |
Hàng trăm “diễn viên” từ các chú Tiểu Cổ (tuổi dưới 11) tới 28 cô tướng đóng vai tướng giặc Ân (tuổi không quá 13), đội quân Phù Giá (72 người còn gọi là đội quân cận vệ hay ngự lâm), các phường Áo Đỏ (100 em thiếu nhi tuổi từ 11-15), Áo Đen (48 thanh niên tuổi 18-25), phường Ải Lao (đội ca múa người Lào - một cống phẩm của nước Ai Lao - Lào)… được tập trung dàn trận.
Hàng nghìn cờ quạt, lọng che, áo hội sặc sỡ… đã tạo nên một hội trận hoành tráng, thiêng liêng.
Theo ông Đinh Minh Tỉnh - phó ban quản lý di tích đền Phù Đổng, có thể ví hội trận như một kịch trường dân gian rộng lớn, chứa đựng những giá trị nhân văn, nhân nghĩa sâu sắc, là nơi thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Việt cổ, lòng cưu mang, nhân nghĩa của nhân dân ta với quân thù và về mong ước quốc thái dân an.
![]() |
Ngựa của Thánh Gióng được tô điểm sặc sỡ trong ngày hội - Ảnh: Tiến Thành |
![]() |
Xem đoàn rước trên đường đê - Ảnh: Tiến Thành |
![]() |
28 tướng giặc tương ứng với 28 đoàn quân được bố trí dọc con đê xã Phù Đổng - Ảnh: Tiến Thành |
![]() |
Tái hiện trận đánh giữa quân của Thánh Gióng với giặc Ân |
![]() |
Hoạt cảnh các thanh niên trai tráng tranh giành nhau 3 chiếc chiếu và 3 cái bát - biểu tượng của sự may mắn, ấm no - Ảnh: Tiến Thành |
![]() |
Ông hiệu trống (một trong những tướng lĩnh của Thánh Gióng) trong trận Soi Bia. Đây là trận quét sạch quan quân nhà Ân khỏi bờ cõi nước ta và được bố trí ở gần đền Hạ (cách đền Phù Đổng chừng vài trăm mét) - Ảnh: Tiến Thành |
Vượt qua khuôn khổ của một lễ hội địa phương, hội Gióng nay đã trở thành nơi để mọi người tưởng nhớ đến vị thánh của dân tộc và cũng để cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình. Chẳng thế mà trong dân gian vẫn còn còn lưu truyền lời dạy:
“Ai ơi mùng chín tháng tưKhông đi hội Gióng cũng hư mất người”.
Lễ hội Gióng (còn gọi là hội làng Phù Đổng hay hội làng Gióng) là một trong những lễ hội truyền thống hằng năm lớn nhất vùng đồng bằng Bắc bộ. Được đánh giá là một “hội trận” độc nhất vô nhị ở Việt Nam, hiện Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam đã phối hợp với thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận lễ hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận