Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12, tổ chức ở Hà Nội sáng 16-11 - Ảnh: NAM TRẦN
Đây là những câu hỏi then chốt trong bốn phiên thảo luận tại hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12, với chủ đề: "Duy trì hòa bình và ổn định trong giai đoạn hỗn loạn".
Hội thảo năm nay được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 16 và 17-11, theo hình thức nửa trực tiếp, nửa trực tuyến. Nhiều học giả quen thuộc về vấn đề Biển Đông không thể tới Việt Nam tham dự trực tiếp vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
Trong ngày 16-11, các diễn giả và khách mời sẽ thảo luận về bốn chủ đề chính liên quan tới các diễn biến quan trọng có khả năng ảnh hưởng tới tình hình Biển Đông.
Sau phiên khai mạc là chủ đề đầu tiên tập trung vào tình hình Biển Đông năm nay, trong đó xem xét liệu dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng như thế nào tới Biển Đông và liệu đây có phải tác nhân dẫn tới những hành động hung hăng của Trung Quốc hay không.
Trong năm qua, Mỹ thường xuyên tố cáo Trung Quốc "lợi dụng dịch bệnh" để tăng cường các hoạt động phi pháp trên biển, cụ thể là nhân cơ hội các nước tập trung chống dịch để thúc đẩy tham vọng ở Biển Đông.
Một diễn giả đánh giá rằng Việt Nam đã tiếp tục là quốc gia lên tiếng bảo vệ chủ quyền mạnh mẽ nhất, trong khi cách tiếp cận của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông trong giai đoạn đại dịch nhìn chung khá đa dạng đối với từng thành viên.
Phiên thứ hai của hội thảo sẽ bàn về vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối với câu chuyện Biển Đông.
Trong nội dung này, hội thảo xác định Biển Đông được xem là một trong những thách thức chính đối với cộng đồng ASEAN trong tầm nhìn đến năm 2025 và sau đó.
Vì vậy, thay vì phớt lờ thực tế trên, ASEAN cần phải giải quyết vấn đề một cách thẳng thắn bằng cách đưa ra cái nhìn rõ ràng hơn về cách họ sẽ hình dung, xem xét hàng loạt vấn đề ở Biển Đông, những tác động đối với ASEAN và các quốc gia thành viên và vai trò có thể của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề này.
Phiên thứ ba sẽ tập trung vào "cuộc chiến công hàm" liên quan tới Biển Đông. Trong năm nay, hàng loạt công hàm đã được gửi lên Liên Hiệp Quốc để nhấn mạnh lập trường của các nước ở Biển Đông. Mỹ, Úc và nhiều nước châu Âu đã bác bỏ yêu sách biển của Trung Quốc hoặc nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS 1982).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận