Phóng to |
Nhưng nhà cách mạng Châu Văn Liêm không thể biết vì ông mãi mãi ra đi ở tuổi 28, vào năm 1930 - cách sự kiện hội thảo kia đúng 82 năm. Nhưng sự cẩu thả của những bản tham luận ra đời nhân danh sự tôn vinh một nhà cách mạng Việt Nam thì đã được nhiều người biết đến. Và nó sẽ trở thành câu chuyện đau lòng về thói “làm giả” tồn tại trong chính những người tự nhận mình thuộc về học giả - những người luôn lấy sự trung thực về kiến thức làm tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.
Theo báo cáo, ban tổ chức đã chỉ chọn được 46 bài trong số 65 bài tham luận để làm tài liệu hội thảo. Vậy mà cũng chính ban tổ chức đã phải ngậm ngùi thừa nhận phần lớn tác giả chỉ... chăm bẳm dẫn lại từ những bài viết có sẵn trên Internet, từ sách báo đã phát hành mà không hề có sự đầu tư nghiên cứu thêm. Nguồn tư liệu ấy có sự khác biệt nên nội dung các bài tham luận có sự “chênh lệch” nhau ở nhiều điểm, về nhiều chi tiết; đồng thời những yêu cầu đặt ra của hội thảo như cung cấp thêm tư liệu, kết quả nghiên cứu mới để làm sáng tỏ thêm về một nhân vật lịch sử đã không đáp ứng được.
Chỉ cần điểm lại một lượt trên tập tài liệu kỷ yếu hội thảo cũng thấy hàng loạt sai lạc, lẫn lộn ở ngay các chi tiết quan trọng mà với một hội thảo khoa học được nhân danh tổ chức nhằm tôn vinh một nhà tiền bối cách mạng, thì tham luận không thể nào cho phép có sai sót. Như một số tài liệu đã thống nhất cha mẹ của Châu Văn Liêm là ông Châu Khắc Chấn và bà Trần Thị Tơ, thế nhưng trong nhiều bài viết có người ghi là Châu Văn Chấn và Trần Thị Tơi, hoặc Châu Văn Thân và Trần Thị Lệ; thậm chí tên cha là... Trần Khắc Chuẩn. Về ngày mất của ông dù đã rõ là ngày 4-6-1930 nhưng vẫn có người viết ngày 4-5-1930.
Nhiều bài viết dựa vào mớ tư liệu “hầm bà lằng” trên mạng mà cho rằng Châu Văn Liêm từng học Trường Collège de Cantho, thi đỗ thành chung năm 1922, rồi tốt nghiệp Sư phạm Hậu Bổ, còn gọi là Sư phạm Đông Dương ở Sài Gòn vào năm 1924. Một nhà sử học (đề nghị giấu tên) cho biết qua nghiên cứu có thể khẳng định thời điểm đó tại Sài Gòn không hề có Trường Sư phạm Hậu Bổ hay Sư phạm Đông Dương, có chăng đấy chỉ là một khóa học hậu bổ, nghĩa là bổ túc thêm để ra đi dạy. “Năm 1921 Trường Collège mở khóa đầu tiên ở Cần Thơ và ngay năm sau chuyển về Mỹ Tho thì làm sao Châu Văn Liêm có thể lấy bằng thành chung vào năm 1922 được. Vô lý như vậy mà nhiều bài cứ viết... sai y chang như nhau”, ông này nói.
Khoảng thời gian Châu Văn Liêm qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc để thành lập An Nam cộng sản đảng và thời điểm thành lập đảng cũng “vênh” nhau, bởi người viết “sao chép” từ nhiều nguồn khác nhau. Nhiều chi tiết khác cũng “chênh” do “photocopy” tương tự.
Một cán bộ Sở Văn hóa - thể thao và du lịch An Giang thừa nhận: “Phần lớn sử dụng những gì đã công bố rồi, không hề có sự tìm tòi, phát hiện mới. Chúng chỉ khác ở lối trình bày, cách thể hiện theo chủ đề mà thôi. Nói chung yêu cầu là không đạt, nhiều nội dung chưa thể làm rõ”.
Với cách làm như vậy, tác giả những bản tham luận như vậy mang trong mình tâm sự gì khi đến với hội thảo về nhà cách mạng Châu Văn Liêm? Và hơn thế, những ý nghĩa tốt đẹp cả về văn hóa, học thuật và chính trị được gán cho sự kiện hội thảo này sẽ được đánh giá thế nào?
Nhưng không chỉ là sự cẩu thả và thiếu nghiêm túc trong học thuật, nếp suy nghĩ theo kiểu “tiền nào của đó” được phát biểu sau hội thảo mới thật sự là đáng lo. Hãy nghe ý kiến của một vị trong ban tổ chức: “Hội thảo cấp tỉnh tổ chức không thể mời và đủ sức mời nhà nghiên cứu, nhà nghiên cứu lịch sử Đảng có uy tín. Kinh phí bị giới hạn, thiếu tài trợ, nhuận bút mỗi bài tham luận chỉ 500.000 đồng trở lại thì làm sao đòi hỏi có chất lượng được”.
Thật ra, cái lối “quy mọi thứ về kinh phí” cũng chỉ là một cách lý giải. Kinh phí quả thật rất cần, nhưng nó không thể và không bao giờ là yếu tố quyết định tất cả trong một sự kiện học thuật. Và từ lâu, chất lượng khoa học trong các báo cáo, tham luận tại các hội thảo đó đây ở ta thường bị thả nổi. Như tại hội thảo bàn về tiềm năng du lịch của một tỉnh nọ, có bản tham luận còn chi chít các đoạn link - chứng cứ cho thấy tác giả đã copy “nguyên con” từ một trang mạng. Và cũng từ lâu, hội thảo khoa học được quan niệm như là chỗ để giới nghiên cứu trẻ trong các viện, cơ quan hoàn thành chỉ tiêu học thuật hằng năm.
Một nền học thuật đan quyện với hành chính từ kinh phí đến chỉ tiêu nghiên cứu như thế, thì đến lúc bày tỏ suy nghĩ và cảm tình với nhà cách mạng bằng những câu chữ sao chép, cóp nhặt cũng là việc phải đến mà thôi. Chỉ có điều trong thế giới mở ngày nay, những “tiếng lành đồn xa” kiểu này sẽ còn hiệu ứng sâu xa lắm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận