10/01/2011 03:52 GMT+7

Hỏi sát thực tế, đáp đúng yêu cầu

PHÚC ĐIỀN - MINH GIẢNG
PHÚC ĐIỀN - MINH GIẢNG

TT - Rừng cánh tay liên tục giơ lên trong cả hai phần tư vấn cùng hàng ngàn câu hỏi gửi đến ban tư vấn đã tạo nên một chương trình sôi động đến phút cuối.

Xem bài tường thuật trên TTO

HCh3rOqw.jpgPhóng to
Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu tham quan phòng thực hành điện - điện tử Trường ĐH Tiền Giang trước khi nghe tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 9-1 - Ảnh: Như Hùng

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Tiền Giang và Trường ĐH Tiền Giang phối hợp tổ chức tại Tiền Giang sáng 9-1 đã thu hút hơn 2.500 học sinh từ 18 trường THPT tham dự.

110 học sinh khối 12 (toàn bộ học sinh ba lớp cuối cấp) Trường THPT Phú Thạnh từ huyện cù lao Tân Phú Đông - nơi xa nhất, khó khăn nhất tỉnh Tiền Giang - đến từ rất sớm. Để làm được điều này, các bạn đã thức dậy từ trước 4g sáng, qua phà về Mỹ Tho. Học sinh Trường THPT Thiên Hộ Dương từ huyện xa Cái Bè cũng có mặt rất sớm. Ban giám hiệu 18 trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức đưa học sinh theo đoàn về tham dự chương trình.

Trong khi đó, tất cả trưởng khoa, trưởng bộ môn Trường ĐH Tiền Giang đều có mặt tại khu vực nhà xưởng thực hành thí nghiệm của trường để đón tiếp học sinh từ sáng sớm và sẵn sàng giải đáp mọi thông tin về ngành nghề cho học sinh.

Sôi động đến phút cuối

TS Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM):

Thí sinh đặt rất nhiều câu hỏi

Tỉnh Tiền Giang là một tỉnh đông dân của ĐBSCL với số thí sinh dự thi ĐH-CĐ hằng năm khá lớn, khoảng 17.000-18.000. Tuy nhiên hiện trên địa bàn tỉnh chỉ mới có một trường đại học, hai trường cao đẳng, một trường cao đẳng nghề cùng 11 trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các cơ sở đào tạo này chỉ gần 8.000, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh Tiền Giang, nhất là bậc ĐH (chỉ tiêu đại học năm 2010 chỉ 840).

Chính vì vậy, sự tổ chức của báo Tuổi Trẻ với sự hiện diện của các trường ĐH tại TP.HCM như là một sự chia sẻ gánh nặng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, vừa là cơ hội cho học sinh các trường THPT trong tỉnh có cơ hội tiếp cận với các thông tin tuyển sinh, hướng nghiệp. Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả của buổi tư vấn này vì các em tham gia rất đông và đặt rất nhiều câu hỏi.

8g, tại khu vực tư vấn chung, 2.500 ghế ngồi đã kín chỗ. Ban tổ chức phải huy động thêm ghế từ các khu vực khác để phục vụ thí sinh. Chương trình tư vấn sôi động ngay từ những phút đầu. Những gương mặt học trò khao khát thông tin chăm chú nghe suốt 90 phút phần tư vấn chung. Sau những ngại ngần, bỡ ngỡ thoáng qua mươi phút ban đầu, sau khi TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, giải đáp thông tin về những vấn đề cần lưu ý trong kỳ thi tuyển sinh 2011, hàng trăm câu hỏi liên tục gửi tới ban tư vấn. Những SV tình nguyện cũng hết sức bối rối khi có quá nhiều cánh tay giơ lên đặt câu hỏi trực tiếp với ban tư vấn.

Phần tư vấn chuyên sâu, cả ba khu tư vấn đều kín chỗ ngồi. Nhóm ngành sư phạm Trường ĐH Tiền Giang nhận được hàng chục câu hỏi về cơ hội việc làm. Nhóm ngành xã hội nhân văn đầy ắp những câu hỏi đa dạng, phong phú các ngành nghề: từ xã hội học, văn hóa học, tâm lý học đến du lịch, đô thị học, Nhật Bản học... 11g30, kết thúc chương trình nhưng nhiều thành viên ban tư vấn vẫn còn bận rộn giữa vòng vây hàng chục học sinh nán lại gửi gắm nguyện vọng chọn ngành.

TS Phạm Tấn Hạ, chuyên gia tư vấn nhóm ngành xã hội - ngoại ngữ - báo chí - quân đội - công an, được học sinh giữ chân đến hơn 12g. ThS.BS Trương Tấn Trung (Trường ĐH Y dược TP.HCM) và PGS.TS Trương Văn Trầm (hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Tiền Giang) cũng bận rộn không kém với quá nhiều thắc mắc về nhóm ngành y dược. Và các thành viên trong ban tư vấn ở nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ cũng được thí sinh “quây” đến giờ phút cuối cùng.

TS Trần Thanh Đức - giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang - chân thành cảm ơn báo Tuổi Trẻ và các thầy cô trong ban tư vấn đã đồng hành cùng Sở GD-ĐT tổ chức chương trình có ý nghĩa hết sức đặc biệt này. "Lựa chọn nghề nghiệp là bước ngoặt quyết định hướng đi cho mỗi con người. Chương trình này góp phần định hướng để các em lựa chọn hướng đi cho cuộc đời mình. Sự tư vấn là quan trọng nhưng quyết định vẫn là các em, hãy cân nhắc thật kỹ để nuôi hoài bão và phát huy thế mạnh của mình" - ông Đức chia sẻ.

TS Ngô Tấn Lực - hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang - nhấn mạnh chương trình đã mang lại nhiều thông tin bổ ích cho học sinh với những câu hỏi sát thực tế và câu trả lời thỏa đáng. Ngoài các thông tin về ngành nghề đào tạo, những câu trả lời mang tính hướng nghiệp giúp các em học sinh chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích của mình.

Chọn trường gần nhà

Vấn đề được nhiều học sinh quan tâm nhất là việc làm sao chọn được nghề phù hợp với năng lực, sở thích và cơ hội nghề nghiệp khi ra trường. TS Lê Thị Thanh Mai - phó trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐHQG TP.HCM) - khuyên nếu cảm thấy năng lực không đủ vào ĐH thì có thể chọn học CĐ, sau đó liên thông lên ĐH. Đây là cánh cửa để chúng ta nâng cao kiến thức của mình và là đường vòng để học ĐH. Chúng ta đừng nhìn vào trường để dự thi. ThS Trần Thế Hoàng nói thêm bằng tốt nghiệp chương trình liên thông có giá trị như học ĐH, không hề có sự phân biệt. Những sinh viên liên thông thường học khá tốt. Nếu sức học chúng ta không đạt để vào ĐH thì nên mạnh dạn dự thi vào CĐ, sau đó liên thông lên ĐH.

“Ăn cơm nhà, học ĐH” - đó là lời khuyên của các chuyên gia tư vấn để các bạn học sinh yên tâm chọn trường gần nhà, cũng như những lời khuyên hãy yên tâm chọn bậc học phù hợp với sức mình và cơ hội học liên thông nếu chưa đủ điều kiện trúng tuyển vào ĐH, CĐ năm nay.

Nhiều thí sinh băn khoăn các trường y dược có điểm chuẩn khá cao nên khó trúng tuyển, có hướng đi nào khác nếu không đậu ĐH? TS Tạ Văn Trầm: Đây là nhóm ngành đặc biệt nên trong chế độ tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng cũng có những điểm đặc biệt. Con người là vốn quý của xã hội nên ngành y làm nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho xã hội.

Tại Tiền Giang, hiện nay cán bộ y tế tuyến nào cũng thiếu, từ trạm y tế đến bệnh viện huyện, tỉnh. Nhất là nhóm ngành điều dưỡng, hộ lý; bác sĩ, dược sĩ. Tỉ lệ bác sĩ, dược sĩ hiện nay ở ĐBSCL rất thấp, nhu cầu đào tạo sẽ được thúc đẩy để đáp ứng nhu cầu xã hội. Tất cả các bậc đào tạo của ngành y đều phải tốt nghiệp THPT. Nếu không đậu ĐH, các em có thể học trung cấp, đi làm từ 24-36 tháng sẽ được thi liên thông lên bậc ĐH.

Tự tin để thành công

Một thí sinh băn khoăn: Trước kỳ thi tuyển sinh, học sinh chịu áp lực về phía gia đình và xã hội rất lớn. Vậy yếu tố nào góp phần giúp học sinh thi ĐH thành công? TS Phạm Tấn Hạ tư vấn: Tự tin là yếu tố tâm lý rất quan trọng trong kỳ thi tuyển sinh. Nên lựa chọn ngành nghề theo sở thích và phù hợp với năng lực của mình. Chọn ngành không thích sẽ không có động lực phấn đấu, không dấn thân cho sự lựa chọn đó và khi làm việc cũng sẽ không hết mình. TS Nguyễn Đức Nghĩa nói thêm: Ngoài các yếu trên còn có sức khỏe, chuẩn bị kiến thức vững vàng. Không có bí quyết nào cả, bí quyết ở chính mình. Mỗi người cần có phương pháp học tập khoa học và hợp lý để có kết quả học tập cao nhất.

Tự xác định thế mạnh

Một học sinh thắc mắc: Làm sao biết năng lực của mình phù hợp với trường nào? Liên thông từ CĐ lên ĐH có những khó khăn nào, có bị phân biệt so với học ĐH không? TS Lê Thị Thanh Mai chia sẻ: Các bạn cần xác định trong các khối thi chúng ta đạt điểm cao nhất ở khối nào. Ba môn này điểm khoảng bao nhiêu. Có thể lấy đề thi ĐH cũ ra làm thử để xác định điểm thực tế của mình. Qua đó xác định mình còn yếu chỗ nào để cố gắng. Sau đó xem điểm chuẩn các năm để xem mình phù hợp với mức điểm nào.

Bên lề

Ghi chép cho bạn ở nhà

Đến với chương trình, năm học sinh lớp 12 chuyên sinh Trường THPT chuyên Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang) đã phân chia nhau ghi chép toàn bộ chương trình tư vấn. Bạn Mai Ngọc Đặng Thanh cho biết: “Rất nhiều bạn vì điều kiện sức khỏe không thể đến tham dự chương trình. Chúng em đã nghĩ ra cách phân chia nhau ghi chép toàn bộ chương trình, nhất là ý kiến tư vấn của các chuyên gia tuyển sinh. Mỗi bạn sẽ phụ trách 3-4 thầy cô, khi nào có ý kiến tư vấn là bạn phụ trách phải ghi chép liền, tuyệt đối không được bỏ sót thông tin. Qua đây, chúng em mong muốn tập hợp các ý kiến tư vấn thành một quyển sách hướng nghiệp dành tặng các em học sinh khóa sau".

Đến với chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2011, các em học sinh, thầy cô thuộc các trường THPT tại tỉnh Tiền Giang thấy bất ngờ bởi sự nhiệt tình, chuyên nghiệp của các sinh viên tình nguyện Trường ĐH Tiền Giang. Có mặt tại điểm tổ chức chương trình tư vấn từ 6g sáng, hơn 40 sinh viên tình nguyện đã hoàn thành xuất sắc các công việc hậu cần của ngày hội. ThS Đinh Quốc Cường (bí thư Đoàn Trường ĐH Tiền Giang) cho biết: “Đây là thời gian cao điểm của kỳ thi học kỳ 1, nhưng không bạn sinh viên nào nề hà các công việc được giao tại chương trình tư vấn. Nhiều bạn dù nhà rất xa nhưng đều cố gắng đến tham gia các công việc hỗ trợ các em học sinh. Dù chân mỏi, miệng khát khô, mồ hôi đầm đìa... các bạn sinh viên vẫn không giấu nổi sự hân hoan vì đã góp một phần nhỏ bé vào sự thành công của ngày hội”.

PHÚC ĐIỀN - MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên