13/12/2021 12:06 GMT+7

Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần 20: TP.HCM nêu 3 kiến nghị lớn

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Sáng 13-12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức có bài phát biểu tại phiên thảo luận của Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 với chủ đề 'Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương'.

Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần 20: TP.HCM nêu 3 kiến nghị lớn - Ảnh 1.

Các đại biểu làm lễ chào cờ tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 ngày 13-12 tại Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 - được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội và kết nối trực tuyến với các địa phương - có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các tỉnh thành, và khoảng 70 trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài (đại sứ, tổng lãnh sự).

Trong bài phát biểu theo hình thức trực tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết trong quá trình triển khai công tác đối ngoại tại địa bàn, TP nhận thấy có một số khó khăn vướng mắc, và đã đề cập trong các báo cáo gửi trung ương.

Do đó, đại diện lãnh đạo TP, ông Đức nêu 3 kiến nghị. Thứ nhất, TP mong muốn Bộ Ngoại giao và các bộ ngành trung ương tăng cường công tác thông tin, định hướng, hỗ trợ TP việc xây dựng các chiến lược quảng bá có trọng tâm trọng điểm đối với từng địa bàn theo nhu cầu thị hiếu của từng địa bàn; tạo điều kiện cho TP được cập nhật kịp thời về chính sách đối ngoại và quan hệ với các nước, các lĩnh vực ưu tiên trọng điểm trong quan hệ với một số cường quốc (Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc…) cùng kết quả các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài và lãnh đạo nước ngoài đến Việt Nam.

Thứ hai, với mong muốn có được một cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Ngoại giao trong việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế, TP đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét tổ chức một số hoạt động ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao và Chính phủ tại TP.HCM nhằm phối hợp với địa phương, tranh thủ nguồn ngoại lực cho phát triển TP.HCM gắn với phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, qua đó đóng góp chất liệu cho thực tiễn ngoại giao kinh tế của trung ương.

Ngoài ra, TP mong muốn Bộ Ngoại giao hỗ trợ kết nối giới thiệu các chuyên gia hàng đầu uy tín, các nhà đầu tư lớn ở các nước phát triển để đầu tư vào các đề án lớn của TP như: Đô thị sáng tạo tương tác phía Đông, TP Thủ Đức; Đề án đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực, đô thị thông minh…

Cuối cùng, theo Phó chủ tịch Dương Anh Đức, hiện chưa có quy định cho phép thành lập một cơ quan/văn phòng đại diện của một địa phương nước ngoài tại một địa phương Việt Nam và ngược lại.

"Với mạng lưới quan hệ quốc tế cấp địa phương của TP.HCM, đã có một số địa phương nước ngoài thành lập văn phòng đại diện ở TP.HCM, nhưng do thiếu các quy định pháp lý điều chỉnh liên quan nên các văn phòng này gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ. 

Vì vậy, TP rất mong Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu về vấn đề này và có những hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới" - ông Đức nêu kiến nghị.

Địa phương là trung tâm phục vụ của ngoại giao kinh tế

ngoaigiao2

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoai vụ toàn quốc lần thứ 20 sáng 13-12 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 đề ra chủ trương "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ".

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, để góp phần đưa chủ trương đúng đắn này của Đảng đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan đối ngoại, trong đó ngành ngoại giao là nòng cốt, và các địa phương với tư cách là "trung tâm phục vụ".

Bộ trưởng khẳng định ngành ngoại giao sẽ phát huy tối đa lợi thế mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tiếp tục chủ động nắm bắt, bám sát nhu cầu và thực tiễn phát triển của các địa phương để tích cực hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương.

"Như Bác Hồ từng căn dặn "mọi việc thành công bởi chữ đồng", đối ngoại địa phương chỉ có thể phát huy tốt vai trò của mình khi có sự ủng hộ và đồng thuận của các cấp chính quyền, các ban, sở, ngành tại địa phương cũng như sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan trung ương. Trong đó, điểm đồng ở đây là cùng hướng đến sự phát triển bền vững của địa phương, từ đó đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước" - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu.

Ngành ngoại giao - lực lượng xung kích trên mặt trận đối ngoại Ngành ngoại giao - lực lượng xung kích trên mặt trận đối ngoại

TTO - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có chia sẻ về đóng góp của ngành ngoại giao vào thành tựu chung của đối ngoại Việt Nam thời gian qua, cũng như đối với sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên