Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker - Ảnh: TTXVN
Trong ngày 19-10, ASEM 12 có ba phiên họp quan trọng nhằm tập trung trao đổi các vấn đề kinh tế, tài chính, các thách thức toàn cầu, các vấn đề quốc tế và khu vực đang nổi lên hiện nay.
Vai trò tiên phong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất ASEM cần khẳng định vai trò tiên phong trong đẩy mạnh hợp tác đa phương, đóng góp xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dân chủ hơn.
Theo đó, châu Á và châu Âu cần hợp tác chặt chẽ góp phần giải quyết kịp thời các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, duy trì hòa bình, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung.
Theo Thủ tướng, ASEM cần đi đầu hiện thực hóa các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước...; tiếp tục thúc đẩy thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Các thành viên phát triển trong ASEM hỗ trợ các thành viên đang phát triển trong tiếp cận tài chính, chuyển giao công nghệ, đầu tư năng lượng sạch, chuyển sang nền kinh tế xanh. Nỗ lực giảm chất thải nhựa ra đại dương - loại chất thải đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển và "sức khỏe" đại dương.
VN sẽ tăng đóng góp tài chính cho Quỹ Á - Âu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ASEM cần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm về kinh tế - xã hội, chú trọng giảm nghèo bền vững, giáo dục chất lượng, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, đào tạo lại và đào tạo nâng cao.
Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển nhân lực trong ASEM; kết nối các mạng lưới doanh nhân nữ giữa hai châu lục, thúc đẩy giao lưu nhân dân trong Quỹ Á - Âu.
Việt Nam sẽ tăng đóng góp tài chính cho Quỹ Á - Âu từ năm 2019.
Cùng với đó, ASEM cần chia sẻ kinh nghiệm về khơi dậy tiềm năng đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ các nhóm người dân dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, trong tiếp cận công nghệ số, thích nghi với thay đổi và ứng phó với rủi ro; tăng cường quyền năng
kinh tế của phụ nữ cần trở thành nội hàm của chiến lược phát triển quốc gia, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đang nỗ lực đến cuối năm 2018 sẽ phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị đảm nhận cương vị chủ tịch ASEAN năm 2020.
Khẳng định sự coi trọng của Việt Nam trong hợp tác ASEM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất tổ chức "Hội nghị ASEM về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế và xã hội ở châu Á và châu Âu" và "Hội thảo ASEM về thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0" trong năm 2019.
Nhân dịp dự ASEM 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những tiến triển mới trong quan hệ hai nước và thiện chí tích cực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước thời gian qua.
Thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng và sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Trung - Việt;
Mong muốn hai bên nắm bắt cơ hội tăng cường hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; kiểm soát tốt tình hình và xử lý thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững.
Ký hiệp định về quản trị rừng và thương mại lâm sản
Bên lề ASEM 12, với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và ông Sebastian Kurz - thủ tướng Áo, hiện đảm nhiệm vị trí chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU);
Cùng bà Federica Mogherini, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao của EU về đối ngoại và an ninh, đã ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Cốt lõi của hiệp định này là hệ thống đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU là có nguồn gốc hợp pháp, bất kể là gỗ khai thác trong nước hay nhập khẩu vào VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận