04/08/2021 08:37 GMT+7

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Theo dõi tại nhà sau khi tiêm vắc xin COVID-19 ra sao?

CẨM NƯƠNG
CẨM NƯƠNG

TTO - Bộ Y tế khuyến cáo người dân tự theo dõi tại nhà sau khi tiêm vắc xin trong 28 ngày, đặc biệt chú ý 7 ngày đầu tiên.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Theo dõi tại nhà sau khi tiêm vắc xin COVID-19 ra sao? - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin Moderna cho người dân trên 65 tuổi tại Viện Y dược học dân tộc, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phần lớn số người sau khi tiêm vắc xin COVID-19 sẽ gặp những phản ứng thông thường như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, sốt, chóng mặt, đau cơ, nhịp tim nhanh... Đa số triệu chứng này sẽ xảy ra sớm sau khi tiêm, tự khỏi và không gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Tuy nhiên mới đây, Bộ Y tế có văn bản khuyến cáo người dân về việc vẫn phải tiếp tục theo dõi tình trạng cơ thể khi về nhà cùng một số hướng dẫn cụ thể.

Đảm bảo dưỡng chất, tăng đề kháng

Vắc xin không thể phát huy tác dụng ngay tức thời, vì vậy trong quá trình sau tiêm, người dân vẫn nên ăn uống theo chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Uống nhiều nước, có thể uống thêm sinh tố và vitamin để bổ sung dưỡng chất.

Nghỉ ngơi nhiều, không nên làm việc quá sức, khuyến khích thực hiện các vận động, sinh hoạt hằng ngày.

Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.

Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có: sốt dưới 38,50C: cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

Sốt từ 38,50C trở lên: sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được cơn sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Hầu hết các phản ứng sau tiêm có tính chất nhẹ đến trung bình, xuất hiện 6-8 tiếng sau tiêm và hồi phục trong vòng 1 ngày đến vài ngày. Người dân có thể mua thuốc hạ sốt có chứa paracetamol hoặc acetaminophen để giảm các triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi.

Luôn đề phòng các biểu hiện bất thường

Đặc biệt, người dân cần đến ngay các bệnh viện gần nhất nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào bất thường trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vắc xin COVID-19:

Sốt cao liên tục từ 390C trở lên, tím tái, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, vật vã, lừ đừ.

Khởi phát với cơn đau đầu dữ dội mới, ngày càng nặng hơn và không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường.

Đau đầu bất thường, đau nhiều hơn khi nằm xuống hoặc cúi xuống, có thể đi kèm với mờ mắt, buồn nôn, khó phát âm, suy nhược, buồn ngủ hoặc co giật.

Phát ban trông giống như vết bầm tím nhỏ hoặc xuất huyết dưới da ngoài vết tiêm, không rõ nguyên nhân.

Trong thời gian qua, đối với vắc xin AstraZeneca đã được tiêm tại TP.HCM, Bộ Y tế kết luận và cho biết sau khi tiêm sẽ có khoảng 30% người gặp các phản ứng nhẹ như sốt, tiêu chảy, đau tại chỗ tiêm...

Có khoảng 0,1% có phản ứng nặng hơn: phù mạch tại vị trí tiêm, kẹt huyết áp, sốc phản vệ. Bộ Y tế khuyến cáo khi có các phản ứng này, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.

Đến thẳng bệnh viện hoặc liên hệ cấp cứu lưu động

Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó; ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hay đỏ da, chảy máu, xuất huyết dưới da; đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; khó thở, thở rít, khò khè, tím tái; chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn...

Giấy xác nhận tiêm chủng online

Để được cấp giấy xác nhận tiêm chủng online, người dân có thể thực hiện theo 2 cách sau:

Cách 1: tải app "sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. Khi tải về sẽ có phần đăng ký, đăng nhập với số điện thoại. Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm, sẽ thấy thông tin về "chứng nhận tiêm chủng".

Cách 2: truy cập "cổng thông tin tiêm chủng COVID-19" https://tiemchungcovid19.gov.vn.

Sau tiêm, nên quét mã QR code để khai báo triệu chứng sau tiêm để cơ sở y tế kịp thời liên hệ trong tình huống khẩn cấp.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19

Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.

Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ để dập dịch.

Khi nào nên uống thuốc hạ sốt sau tiêm vắc xin COVID-19? Khi nào nên uống thuốc hạ sốt sau tiêm vắc xin COVID-19?

Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt đúng cách, uống nhiều nước, mặc trang phục thoáng mát… giúp giảm các triệu chứng có thể xảy ra sau tiêm như: đau bắp, đau chỗ tiêm, đau đầu, sốt nhẹ đến cao...

CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên