Não trạng nói cuội đã trở thành thâm căn cố đế, tạo ra hội chứng nói cuội phổ quát và đại trà. Hành vi nói cuội âm thầm diễn tiến trong mỗi con người như một thứ bệnh mãn tính, cho đến khi bể hũ mắm ra thì người nói cuội mới tiếp tục lên tiếng nói cuội để đổ thừa trách nhiệm sang một đối tượng khác hoặc một người khác.
Cần phải phân biệt nói cuội với các thứ “nói” khác như nói dóc, nói láo.
Nói dóc và nói láo cơ bản không làm hại ai, chỉ nhằm đem lại nụ cười vui cho cuộc sống. Chính vì vậy, người có tài nói dóc, nói láo được quần chúng tán thưởng; tên tuổi của họ được nhiều người nhớ tới; nhiều bài nói của họ được ghi lại để làm giàu thêm cho văn học dân gian. Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Tú Xuất, Thủ Thiệm, Ba Giai, Ba Phi... là những người có kỹ năng nói dóc, nói láo tài hoa, được người đời sau mến mộ.
Ngược lại, nói cuội là một thứ nói dóc, nói láo nguy hiểm; không đem lại lợi ích gì cho xã hội hết. Người nói cuội đưa ra những thông tin láo toét nhằm đánh lừa dư luận, tự bào chữa cho những hành vi sai trái hoặc âm mưu, ý đồ mà mình đã thực hiện; cho đến một lúc các hành vi, âm mưu, ý đồ đó bị phanh phui thì người nói cuội mới... chấm dứt nói cuội. Ngôn ngữ dân gian gọi đó là quê một cục.
Một số cán bộ biến chất làm giàu quá nhanh đã giải thích một cách rất cuội rằng đó là nhờ gia đình và bản thân mình chăm chỉ lao động; nuôi heo, nuôi bò, bán lá chít, chổi đót, làm bánh, làm tương... Những món tài sản khổng lồ chui lọt qua cái lỗ kim kê khai tài sản, trở thành tài sản hợp pháp, sạch sẽ.
Một số đơn vị làm kinh tế vốn lớn như non, tham ô như giặc, làm như cò mửa mà tham tựa cá tra, hàng năm vẫn đưa ra những báo cáo đại cuội; che giấu những tệ hại, thổi phồng những thành tích bằng những câu tục tĩu ngữ như “Lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước”.
Cho đến một ngày thân cuội tàn tạ, họ mới mở miệng ra mà kính xin phá sản hoặc kính đề nghị cho thêm tiền để tiếp tục duy trì hoạt động.
Dân đi giữa phố mưa bị điện giật chết, cuội tuyên bố do sét đánh trúng dây nóng khiến dây đứt. Vùng hạ du bị lũ nhà máy thủy điện xả xuống ào ạt khiến nhà trôi, người chết, cuội tuyên bố phải xả lũ để tránh vỡ đập.
Xóa hai cái thủy điện nhỏ, cuội tự khen xóa là để bảo vệ môi trường rừng; xây thêm bốn cái thủy điện mới, cuội giải thích là để có thêm nguồn năng lượng cho nhân dân vùng cao.
Đưa một nhà máy thép công nghệ lạc hậu bị nhân dân phản ứng dưới đồng bằng lên một huyện miền cao, cuội phân trần rằng do huyện này chưa có cơ sở công nghiệp hiện đại.
Cái lưỡi của ông cuội khá dẻo; nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong. Vì vậy, hội chứng nói cuội là một hội chứng dịu dàng nhưng hệ quả kinh khủng của hội chứng đó thì nhân dân lãnh đủ. Cần nhớ rằng, ông cuội rất màu mè riêu cua; cũng lập ban bệ, cũng đánh giá tác động môi trường nhưng toàn là hình thức.
Trước đây, một cuội có nhã ý phá rừng bảo hộ đầu nguồn Đồng Nai đã thuê mấy người làm ra cái đánh giá môi trường siêu tào lao. Gần đây, một cuội muốn xả thải ra biển Bình Thuận cho lẹ đã có nhã ý ghi thêm tên ba nhà khoa học uy tín vào báo cáo tác động môi trường.
Hội chứng nói cuội nhằm mục đích đánh lừa dư luận, đánh lừa nhân dân, đặt nhân dân trước việc đã rồi. Sau khi đã bợ được mỗi người hoặc phe nhóm của mình một mớ, các cá nhân và tập thể cuội cuốn tượng dông tuốt. Hậu quả xin để lại cho con em đời sau “gánh vác”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận