28/12/2017 16:05 GMT+7

Hội chứng ngón tay cò súng

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Hội chứng ngón tay cò súng là tình trạng viêm bao gân gập ngón tay mà các ngón hay gập là ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn.

Hội chứng ngón tay cò súng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: osteokeen.ru

Ngón tay co quắp dạng "cò súng" thường diễn ra sau khi ngủ dậy hoặc lúc nắm chặt bàn tay... tự nhiên dính luôn. Muốn trở về tư thế chức năng ban đầu thì phải có sự hỗ trợ của tay kia, lúc đó bệnh nhân có cảm giác "bật ngón tay", tên thường gọi của tình trạng này là hội chứng ngón tay bật. Đây là tình trạng viêm bao gân gập ngón tay mà các ngón hay gập là ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn và thường phối hợp với tình trạng chấn thương lặp đi lặp lại. Những bệnh nhân lớn hơn 40 tuổi, có tiền căn tiểu đường, viêm khớp dạng thấp hay bị hơn. Các sợi gân bình thường sẽ trượt tới lui bên dưới các ròng rọc. Khi có một nốt phát triển trong gân (do viêm), nốt này có thể chui qua ròng rọc khi gân gập nhưng không thể chui lại khi gân duỗi và gây ra "kẹt" ở chỗ ròng rọc làm ngón tay khó duỗi ra, khi cố gắng duỗi ngón tay sẽ gây ra tình trạng ngón tay không cử động nhẹ nhàng mà bị bật.

Đây là bệnh lý mà việc chẩn đoán thầy thuốc cần dựa trên khâu hỏi bệnh sử và khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng không giúp ích gì nhiều, nếu chăng chỉ là hỗ trợ cho vấn đề thoái hóa khớp, viêm xương, gai xương, bệnh goutte… Nguyên nhân có thể do quá trình viêm khớp và thoái hóa ở khớp bàn ngón tay, thường thấy ở bệnh nhân viêm đa khớp kéo dài, có sự lắng đọng hyalin và tăng sản mô liên kết. Giai đoạn đầu bệnh nhân chỉ có cảm giác đau khi gấp, duỗi gân các ngón tay; sau đó ngón tay gấp, duỗi khó hơn nhưng vẫn chủ động làm được. Giai đoạn viêm mãn tính, bệnh nhân muốn duỗi thẳng ngón tay thì cần có sự hỗ trợ của tay kia. Trường hợp nặng, ngón tay bị kẹt ở tư thế nửa co.

Thương tổn có thể xảy ra ở một ngón hoặc nhiều ngón tay. Triệu chứng lâm sàng điển hình là bệnh nhân sẽ đau, đặc biệt vùng nếp gấp xa của gan bàn tay và ngón tay bị kẹt khi duỗi ra, có bệnh nhân mô tả sự chuyển động bật của ngón tay khi duỗi giống như đầu con bửa củi cử động. Cơn đau thường vào sáng sớm lúc thức dậy và giảm dần trong ngày. Khi khám sẽ thấy có nốt gây đau có thể sờ được ở vùng nếp gấp xa gan bàn tay. Càng về sau khi nốt phát triển bệnh nhân sẽ khó khăn khi cử động ngón tay và đôi khi nặng tới mức không thể gập ngón tay vào được.

Điều trị bắt đầu bằng cách nẹp cho khớp bàn đốt duỗi trong 10-14 ngày và dùng thuốc kháng viêm giảm đau không steroides hoặc tiêm corticoide vào màng gân. Thể bệnh nhẹ bệnh nhân có thể đến khám ở bác sĩ chuyên khoa xương khớp, chấn thương chỉnh hình để chữa trị bằng thuốc kháng viêm hoặc tiêm hydrocortisone thể nhũ tương vào cạnh gân, tại dây chằng vòng A1 ngang với khớp bàn, ngón; tiêm 3-4 lần, cách nhau 5-6 ngày, cần phải đảm bảo tuyệt đối vô khuẩn và tiêm đúng phương pháp. Thể nặng hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa thì có chỉ định mổ cắt đứt dây chằng vòng A1, đôi khi cắt bỏ phần lồi của gân. Sau phẫu thuật cần tiếp tục điều trị bằng thuốc kháng viêm và tập vật lý trị liệu để tránh dính gân tái phát.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên