15/08/2016 09:44 GMT+7

Học trong nỗi sợ

VÕ TRUNG DUNG (Từ PARIS)
VÕ TRUNG DUNG (Từ PARIS)

TTO - Hơn hai tuần nữa, học sinh ở Pháp bắt đầu tựu trường. Thế nhưng những ngày qua xã hội lại đang bàn tán một chuyện rất thời sự: khủng bố ở trường học.

Cảnh sát đặc nhiệm giải cứu học sinh trong một sự vụ ở trường học tại Besançon (Pháp) - Ảnh: AFP
Cảnh sát đặc nhiệm giải cứu học sinh trong một sự vụ ở trường học tại Besançon (Pháp) - Ảnh: AFP

“Dĩ nhiên chuyện tập luyện phòng khủng bố sẽ giúp tránh tình trạng hoảng loạn khi chuyện đó xảy ra thực. Nhưng cũng không được phép làm cho chuyện đó trở thành nỗi ám ảnh hay làm học sinh căng thẳng

Ý kiến của một phụ huynh tại Paris

Chẳng là hai bộ Giáo dục và Nội vụ ở Pháp vừa ký chung một văn bản tuyên bố tăng cường biện pháp an ninh cho trường học trước nạn khủng bố. Văn bản này nhấn mạnh “ưu tiên tuyệt đối” đảm bảo an ninh cho trường học ở Pháp.

Đương nhiên chuyện đảm bảo an toàn và sức khỏe cho các mầm non của đất nước là chuyện phải làm. Nhưng vấn đề đang được bàn tán ở đây, thậm chí đến mức tranh luận, là nên làm như thế nào và chính quyền dựa vào đâu để đưa ra đánh giá như vậy.

Chẳng là trong số các biện pháp nêu ra và sẽ được thực thi trong năm học mới sẽ có việc huấn luyện cho học sinh từ lớp 3 các “biện pháp sơ cứu” (để giúp các em có thể biết cách cứu bạn, cứu mình); tăng cường nhân sự bảo vệ an ninh và thực tập toàn trường chống khủng bố thâm nhập.

Xem như nhiệm vụ hiện nay của ban giám hiệu trường đang ngập đầu. Nào là phối hợp với cơ quan chức năng để gia cố an ninh cho những điểm bị cho là có nguy cơ như góc sân dễ bị đột nhập, cổng trường dễ bị tấn công; rồi thì còn chuyện chuẩn bị nội dung để “hỏi xoáy, đáp xoay” với các bậc phụ huynh đang đầy những mối lo trước ngày tựu trường.

Tưởng đơn giản nhưng đó cũng là những chuyện gây nhức óc. Chẳng hạn nói đến chuyện gia cố an ninh thì câu hỏi đầu tiên là tiền đâu. Một phụ huynh là hội trưởng hội phụ huynh trường tiểu học ở quận 18 tại Paris tỏ ra bức xúc: “Tôi thấy nghi ngờ cái chuyện người ta có thể làm gì được cụ thể khi ban hành thông báo trên. Như ở trường các con tôi, chỉ riêng lối thang cứu hộ dự phòng cho các cháu thoát hiểm khi có biến cũng phải mất bốn năm mới sửa xong vì không có tiền”.

Sự thực là văn bản lần này chỉ là sự gia tăng thêm biện pháp cho các giải pháp bảo vệ an ninh trường học trước đó khi nước Pháp bắt đầu hiểu thế nào là khủng bố nhắm vào người dân thường. Các bậc phụ huynh bàn thảo cũng chính vì e sợ kiểu phòng ngừa quá lố sẽ gây tâm lý hoảng sợ cho các em.

Họ cho rằng các văn bản của chính quyền đã không được gửi đến tham khảo ý kiến của phụ huynh. Một số trường thậm chí thực hiện giải pháp kiểu “cửa đóng then cài” không cho phụ huynh vào trường đón con nhỏ dù các cháu còn ở cấp tiểu học - các cháu cần thấy mẹ cha và phụ huynh cũng cần trao đổi thêm với giáo viên về con cái mình sau giờ học.

Chuyện thực tập chống khủng bố sắp tới sẽ được tăng lên thành 3 lần trong năm học (vừa qua là 2), trong đó có một lần dành riêng cho cách thức chống khủng bố thâm nhập. Đây cũng là một vấn đề hóc búa.

Học trò ở Pháp, cũng như ở nhiều nước khác, không lạ gì với hệ thống còi báo động cháy. Hầu hết các em đều đã được huấn luyện các bước thoát ra ngoài an toàn như thế nào khi có báo động cháy. Nhưng với chuyện báo động “khủng bố thâm nhập” thì lại là chuyện khác!

Trong trường hợp này thì giải pháp thường là phải co cụm lại trong một căn phòng và khóa kín cửa lớp, thậm chí chui xuống gầm bàn phòng thân. Như vậy là phải tính đến hệ thống cảnh báo khác với hệ thống báo cháy đang có và phải dạy các em biết cách phân biệt.

Thậm chí sâu xa hơn, không ít trí thức, phụ huynh cho rằng khi đặt bút ký vào văn bản “tăng cường an ninh” trên thì Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ Pháp đang tìm cách đẩy bớt quả bóng trách nhiệm về cho phụ huynh và cả... học sinh theo kiểu “tôi đã cảnh báo rồi nhé, hướng dẫn rồi nhé, nếu có chuyện gì thì trách nhiệm hoàn toàn không phải do tôi đâu”.

Bà Myriam Menez, tổng thư ký Liên hiệp các hội phụ huynh giáo dục công (PEEP), cũng thừa nhận việc cho các em học cách phòng tránh khủng bố là cần thiết vì có luyện tập thì các em đỡ sợ khi xảy ra việc thực, như ở Nhật học sinh vẫn được học cách bảo vệ bản thân khi có động đất.

Sự thực là trong tình hình hiện nay không thể nói rằng trẻ em Pháp không biết khủng bố là gì và nguy cơ đang xảy ra với nước Pháp là gì. Các phụ huynh cũng rất thông cảm khi chính quyền có vẻ bối rối trước nhiều vấn đề xảy ra cùng lúc.

Thôi thì cũng đành tặc lưỡi chờ xem đến ngày 24-8 tới, hai bộ Nội vụ và Giáo dục sẽ công bố cụ thể các giải pháp như thế nào để triển khai văn bản mà họ vừa ký.

VÕ TRUNG DUNG (Từ PARIS)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên