28/09/2018 10:04 GMT+7

Học trò lớp 7 làm quy trình xử lý rác thải

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Sau các khóa học về sống xanh, đi thực địa ở bãi rác Nam Sơn, Khang Hưng và Nhật Linh choáng váng vì mùi rác thải xộc vào mũi dù đang mang tới hai lớp khẩu trang. Hai em tự hỏi: làm sao để xử lý rác thải?

Học trò lớp 7 làm quy trình xử lý rác thải - Ảnh 1.

Nhật Linh (trái) và Khang Hưng chuẩn bị thuyết trình dự án “Người Hà Nội và rác thải không phân loại” - Ảnh: NVCC

Khang Hưng và Nhật Linh đều là học sinh xuất sắc của lớp 7A2 Trường Alfred Nobel (Hà Nội). Khang Hưng có đai xanh karate, còn Nhật Linh từng giành huy chương vàng môn wushu tại Hội khỏe Phù Đổng thành phố Hà Nội.

Nhật Linh cũng là người vừa đoạt huy chương vàng cá nhân kỹ năng viết tiếng Anh tại cuộc thi World Scholar's Cup. Còn Khang Hưng đang say sưa nghiên cứu các loại cây có lợi cho môi trường và dự định viết một cuốn sách về đề tài này.

Những chuyến đi thực tế

Tới bãi rác Nam Sơn, Hà Nội, trò chuyện với thợ mỏ rác và người dân sinh sống ở đây, Khang Hưng và Nhật Linh đã có những thông tin thực tế cho dự án "Người Hà Nội và rác thải không phân loại".

Dự án trình bày thực trạng xử lý rác thải của Hà Nội, những hậu quả của việc không phân loại rác và giải pháp, đã đoạt giải Giải pháp tiếp cận tổng thể tốt nhất của cuộc thi "Con người và môi trường xung quanh" do tổ chức phi chính phủ LAB tài trợ năm 2018.

Khang Hưng và Nhật Linh là hai đại sứ rác thải điện tử của Trường Alfred Nobel. Khang Hưng còn là thành viên chương trình Sống xanh, sống bền vững của Viện Công nghệ châu Á.

Những lần cùng gia đình đi du lịch, các bạn đều chứng kiến rác thải nhựa chất cao như quả đồi. Như chuyến đi bộ lên ngọn hải đăng ở Cù Lao Xanh (Quy Nhơn) của gia đình Hưng đã biến thành một chuyến đi vì môi trường, khi họ vừa đi vừa nhặt rác.

Riêng ở nhà Nhật Linh, theo nếp gia đình cũng tự phân loại rác thải nhựa, giấy, hữu cơ rất kỹ càng. Rác thải hữu cơ của gia đình Linh đều dành cho bà ủ làm phân xanh bón vườn rau trên sân thượng.

Khi tham gia cuộc thi do LAB tổ chức, suốt bảy tuần Hưng và Linh miệt mài tìm hiểu thông tin, thu thập con số, đi phỏng vấn các chuyên gia về môi trường, viết các bài thuyết trình, tự biên tập bài viết, làm bản đồ tư duy phục vụ việc thuyết trình. 

Quá trình này đã khiến cả Hưng và Linh thu thập được rất nhiều kinh nghiệm.

Khang Hưng và Nhật Linh đều là những học trò thông minh, tích cực, năng nổ của lớp. Nhật Linh đặc biệt nổi bật trong các hoạt động thể thao. Ngoài wushu, cô bé còn có thể tham gia các đội bóng đá, bóng rổ với các bạn nam và chơi tốt ở nhiều vị trí. Khang Hưng là người yêu thiên nhiên, môi trường và truyền cảm hứng cho các bạn trong lớp.

Cô giáo HÀ PHƯƠNG (chủ nhiệm lớp 6A2)

Không làm sẽ không bao giờ thay đổi

Thực hiện dự án, Khang Hưng và Nhật Linh biết thông tin một ngày Hà Nội thải ra 6.500 tấn rác thải, trong đó 70% rác thải có thể tái sử dụng.

Nhưng thành phố vẫn sử dụng chủ yếu phương pháp chôn lấp, gây ra ô nhiễm trầm trọng, gây hại tới đời sống con người và để lại di hại rất lớn cho môi trường. Cả Hưng và Linh càng thấm thía điều này khi thực địa tại bãi rác Nam Sơn.

Chị Nguyễn Hồng Cẩm, mẹ của Khang Hưng, cho biết thay vì sốt ruột vì xã hội chưa ý thức về môi trường chi bằng thay đổi chính con cái của mình.

"Qua trò chuyện với kiến trúc sư người Thụy Điển, chúng tôi được biết kể từ lúc người Thụy Điển quan tâm đến việc phân loại rác, 10 năm sau mới thực hiện được.

Một nước văn minh như vậy mà phải mất 10 năm, nước ta chắc mất nhiều thời gian hơn, nhưng nếu bây giờ không làm thì sẽ không bao giờ làm được. Chúng tôi tin nhóm có ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi chính là trẻ em và các bà nội trợ" - chị Cẩm chia sẻ.

Dự án của Khang Hưng và Nhật Linh không dừng lại ở cuộc thi. Hai bạn vẫn tiếp tục được mẹ hỗ trợ để mở rộng tuyên truyền ở khu dân cư, trường học. Tháng 9 vừa qua, Khang Hưng và Nhật Linh được Trường Quốc tế Nhật Bản mời tới thuyết trình dự án cho các bạn trong trường nghe.

"Hiện rác thải điện tử đã có nơi tổ chức thu gom, còn rác thải nhà bếp chưa có đơn vị nào đứng ra thu gom.

Năm ngoái, đi hội chợ môi trường, chúng tôi thấy Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) có trưng bày sản phẩm phân hữu cơ làm từ rác thải nhà bếp. 

Nhưng họ chỉ có nhà máy ở Bình Dương, còn tại Hà Nội chưa có. Hiện các cháu cần tìm đầu mối thu gom rác thải nhà bếp ở Hà Nội" - chị Lê Thị Minh Thu, mẹ Nhật Linh, cho biết.

Mong một ngày Việt Nam cũng làm được

Khi hai con Khang Hưng và Nhật Linh tham gia cuộc thi do LAB tổ chức, hai bà mẹ là người đồng hành hướng dẫn.

Mấy năm trước, gia đình Hưng tới Thụy Điển. Một tháng lưu lại đây, họ đã rất ấn tượng với cách người Thụy Điển phân loại, xử lý rác thải. Hai mẹ con cứ tỉ mẩn chụp ảnh thùng rác, hỏi han người dân ở đây cách họ phân loại rác.

Chị Lê Thị Minh Thu, mẹ Nhật Linh, cũng trao đổi với con cách người Nhật thu gom rác thải.

"Tại Nhật, nơi tôi ở, người ta đến thu gom rác nhà bếp hai lần một tuần. Tất cả chai lọ dùng xong phải súc rửa sạch sẽ, để riêng tiện cho việc thu gom.

Những vỏ hộp sữa uống rồi phải rửa sạch, đập dẹp, đưa xuống nhà kho để giấy của khu dân cư sẽ có xe đến lấy. Rác được phân loại sẽ được đem đi tái chế, vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác vừa bảo vệ môi trường.

Lúc đó tôi đã ước một ngày nào đó Việt Nam mình cũng làm được như vậy" - chị Minh Thu chia sẻ.

Nữ sinh lớp 6 phát minh robot ‘săn’ rác nhựa trên biển Nữ sinh lớp 6 phát minh robot ‘săn’ rác nhựa trên biển

TTO - Được thiết kế với chức năng săn lùng rác nhựa, con robot của em học sinh lớp 6 Anna Du vừa lọt vào vòng chung kết cuộc thi sáng tạo khoa học ở Mỹ.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên