12/04/2023 12:11 GMT+7

Học trò lập minh bia cho thầy Nguyễn Đình Thảng

"Một điều may cho chúng ta là được học thầy. Tôi nghĩ viết sách ghi danh là chuyện dễ nhất trên đời, còn lấy mình để dạy người đó mới là chuyện khó. Thầy muốn làm người quân tử và cuộc đời thầy đã sống trọn vẹn với điều ấy".

Những thế hệ sinh viên nghiêm trang trước phần mộ thầy Nguyễn Đình Thảng - Ảnh: T.M.

Những thế hệ sinh viên nghiêm trang trước phần mộ thầy Nguyễn Đình Thảng - Ảnh: T.M.

Bên minh bia của thầy Nguyễn Đình Thảng, nhà nghiên cứu Hán Nôm Cao Tự Thanh đã có những lời chia sẻ như trút hết ruột gan. Những thế hệ học trò của thầy Thảng ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Tổng hợp Huế trước đây im lặng lắng nghe. Hình ảnh thầy Thảng nơi khung trời đại học mấy chục năm trước lại trở về trong góc nhớ mỗi người.

Tượng đài không thể thay thế

Thầy Phạm Phú Phong - nguyên giảng viên Trường đại học Khoa học Huế, vừa là học trò vừa là đồng nghiệp của thầy Thảng - trầm tư nói: "Cả cuộc đời tôi học rất nhiều người thầy, nhưng thầy Thảng là tượng đài không thể thay thế". Ảnh hưởng của thầy Thảng lớn đến mức, cả đời đứng trên giảng đường, thầy Phong luôn cố gắng yêu thương học trò như thầy Thảng. Nhưng thầy Phong thú thực "quá khó để làm được như thầy Thảng".

Ký ức ùa về, thầy Phong nhớ lại lớp sinh viên khóa 1 (1977-1981) ngành Hán Nôm, Đại học Tổng hợp Huế. Thời đó, sinh viên nào cũng đói, có những hôm trời Huế lạnh căm, tất cả đến lớp trong đói lạnh. Quá cóng, không ai đủ sức viết bài. Nhìn sinh viên, thầy Thảng nói: "Không chép bài thì ngồi nghe giảng, chẳng sao cả. Em nào lạnh quá thì ở nhà. Học cả đời các em à". Lời thầy Thảng ấm hơn cả chiếc áo lông, lạnh mấy sinh viên cũng đến lớp.

Trên chuyến xe đi từ TP Quảng Ngãi về quê thầy Thảng ở xã Bình Phước (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), tôi hỏi thầy Phong: "Tại sao thầy Thảng được yêu quý như thế?". Thầy Phong nói lại câu cũ: "Thầy Thảng là một tượng đài. Đối với thầy, tôi chỉ nói vậy thôi".

TS Nguyễn Đăng Vũ - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cũng là sinh viên khóa 1 Đại học Tổng hợp Huế - kiến giải lý do bao thế hệ sinh viên ở hai ngôi trường thầy Thảng từng dạy đều kính ngưỡng thầy bởi "cuộc đời thầy Thảng là bài học lớn nhất với chúng tôi".

Rồi ông Vũ kể năm 1945, thầy Thảng là thành viên của Ủy ban Cách mạng lâm thời Bình Sơn và đứng lớp dạy bổ túc, xóa mù chữ. Sau năm 1945, thầy Thảng bị lộ phải tập kết ra Bắc. Trước khi đi, thầy đã có vợ. Biền biệt nhiều năm không liên lạc, cha mẹ thầy Thảng nghĩ con đã mất, nên cho phép con dâu đi bước nữa. Năm 1975, thầy Thảng trở về quê, lúc này người vợ có ba con, chồng đã hy sinh. Thầy Thảng đã chấp nhận người vợ ấy, sống yêu thương, bao bọc những người con không cùng máu mủ.

"Sự uyên bác và yêu thương trò của thầy được tất cả thừa nhận. Nhưng điều chúng tôi xem thầy như tượng đài bởi nhân cách cao đẹp của thầy. Thầy tập kết ra Bắc khi mới 20 tuổi, toàn tâm cho công việc và luôn hướng về người vợ của mình ở miền Nam. Trở về vẫn chấp nhận và yêu thương người vợ ấy, cùng con riêng của vợ. Chính nhân cách sống mẫu mực ấy mà chúng tôi xem thầy là tôn sư" - ông Vũ nói.

Không chỉ dạy chữ

Trong giới nghiên cứu Hán Nôm, cái tên Cao Tự Thanh đã quá nổi tiếng, ông cũng là người chấp bút minh bia cho thầy Thảng. Trước minh bia, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh nói với bao thế hệ môn sinh của thầy Thảng: "Chúng ta tài hèn sức yếu, lại có nhiều tham vọng quá đi, không thể học trọn vẹn từ thầy mình. Nhưng bao nhiêu thế hệ học trò khắp cả nước cùng kính ngưỡng thầy. Ở đây, hệ giá trị của chúng ta đều như nhau".

Rồi ông Thanh kể năm 1985 thầy Thảng viết bài thơ tự thọ mình 60 tuổi, có một câu "Cách vật trí tri không phải là lòng ta mơ ước". Ông Thanh kiến giải, thầy Thảng không có ý đồ trở thành một học giả, thầy muốn làm người quân tử. Và thầy Nguyễn Đình Thảng không chỉ dạy chữ mà dạy tất cả học trò bằng cuộc đời quân tử của mình.

Với bao thế hệ sinh viên, thầy Thảng là người bội bạc với chữ nghĩa của chính mình. Cả đời "đẻ" ra không biết bao nhiêu chữ nghĩa, nhưng trước tác để lại gần như không thấy. Vậy nên, sau khi dựng minh bia, các học trò tiếp tục tìm di cảo thầy để in sách. Ai cũng bảo đó là việc nên làm, để nhiều thế hệ học trò biết và để thầy trở thành tấm gương cho nhiều thầy cô khác.

Ông Huỳnh Văn Hùng - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng, là sinh viên khóa 2 Đại học Tổng hợp Huế từng được thầy Thảng chủ nhiệm - xúc động nói: "Tôi cúi đầu biết ơn thầy, tôi trưởng thành là nhờ thầy". 

Rồi ông Hùng kể về năm tháng được học, được thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Sau này, ngành văn hóa Đà Nẵng gặp khó khăn, khi không đủ kiến thức dịch tường nghĩa những văn bia ngày đầu chống Pháp. Thương trò, thầy Thảng lặn lội từ quê nhà ra Đà Nẵng giúp trò. 

"Những bản dịch của thầy rất tuyệt vời, được sử dụng cho nhiều đầu sách. Lòng thương trò của thầy quá lớn" - ông Hùng nghẹn lời.

Tiên sinh là người quân tử đạt đạo chí thành lại là kẻ trung ẩn nép mình giấu sáng, học vấn uẩn súc mà không thẹn hỏi người dưới, thư pháp nổi tiếng mà riêng tự thành gia, về học nghiệp thì kẻ tầm thường không sao sánh được. Lại với bậc khanh tướng thì thản nhiên, với kẻ nghèo hèn thì ân cần, với người trên thì kính cẩn mà riêng giữ tôn nghiêm, với đồng bối thì vui hòa mà trang nhã có lễ, với người dưới thì ra sức tác thành mà không kể lỗi nhỏ, nên người gần kính yêu mà kẻ xa tìm tới...

Trích minh bia thầy Nguyễn Đình Thảng do học trò dựng

Đặt nền móng cho ngành Hán - Nôm

Thầy giáo Nguyễn Đình Thảng (1925-2007) quê quán xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trước năm 1975 ông từng học và giảng dạy tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, là một trong những cán bộ đầu tiên ngành Hán Nôm của trường.

Sau năm 1975, thầy Thảng là giảng viên khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế), là một trong những người vào tổ chức tuyển sinh khóa đầu tiên, và là người đặt nền móng ngành Hán - Nôm cho trường. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú đợt đầu tiên năm 1990.

Thầy giáo kiêm lương y tốt bụng ở biên giớiThầy giáo kiêm lương y tốt bụng ở biên giới

Nhiều năm nay, thầy giáo Huỳnh Văn Tê cũng là lương y bên bờ sông biên giới Sở Thượng, vừa dạy dỗ đám trẻ, vừa trị bệnh miễn phí giúp người. Ai trả tiền, thầy chỉ cười hiền trả lại...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên