21/11/2018 11:24 GMT+7

Học tiếng Cơ Tu để gần trò hơn

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - 'Nhiều lúc theo thói quen, các em học sinh người Cơ Tu nói chuyện với tôi bằng ngôn ngữ mẹ đẻ khiến tôi không hiểu. Tôi quyết tâm đi học bằng được tiếng Cơ Tu để hiểu học trò của mình hơn'.

Học tiếng Cơ Tu để gần trò hơn - Ảnh 1.

Thầy Hồ Hùng, hiệu trưởng Trường tiểu học Hương Sơn, đồng thời là giảng viên đứng lớp dạy tiếng Cơ Tu cho các đồng nghiệp - Ảnh: N.LINH

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Ánh Dương, giáo viên Trường tiểu học Hương Sơn (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - nơi có 100% học sinh là người dân tộc Cơ Tu.

Từ một lần trò bị chấn thương

7h tối 16-11, khi nhiều người Việt đang hướng về trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia thì ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông vẫn đều đặn phát ra tiếng ê a đọc chữ.

Thi thoảng từ hai phòng học sáng đèn ở đây phát ra những tiếng cười, những tràng vỗ tay sau khi một học viên nào đó đọc đúng những từ Cơ Tu mà thầy giáo ghi trên bảng.

Đó là hai lớp dạy tiếng Cơ Tu cho cán bộ, giáo viên người Kinh đang công tác tại huyện miền núi Nam Đông, nơi có phần đông bà con người dân tộc Cơ Tu sinh sống.

Cứ đều đặn 7h tối thứ hai, tư, sáu hằng tuần, hai lớp học với 83 học viên này lại sáng đèn. Học viên người trẻ nhất cũng đã 27 tuổi, người lớn tuổi nhất đã 55. Họ cặm cụi đọc đọc, chép chép từng từ vào cuốn vở con như một lớp học chữ vỡ lòng.

Cô Nguyễn Thị Ánh Dương, học viên trong lớp, cho biết học tiếng Cơ Tu khó hơn học tiếng Anh nhiều vì không có cấu trúc ngữ pháp cụ thể. "Mình phải học từ mới rồi ghép chúng lại với nhau theo cách nói thông thường của bà con. Hơn nữa, tiếng Cơ Tu không có chữ viết nên việc học thuộc rất khó" - cô Dương nói.

Cô Dương là giáo viên dạy môn tiếng Anh tại Trường tiểu học Hương Sơn (huyện Nam Đông), nơi có 100% học sinh là người dân tộc Cơ Tu. Cô Dương kể dù trên lớp ngôn ngữ giảng dạy chính là tiếng phổ thông, nhưng những lúc ngoài giờ học sinh vẫn thường dùng tiếng Cơ Tu nói chuyện với nhau.

"Kể cả khi nói chuyện với cô giáo, nhiều lúc theo thói quen các em vẫn dùng tiếng Cơ Tu khiến tôi không thể hiểu được. Vậy nên tôi quyết định phải học tiếng của các em để hiểu trò của mình hơn" - cô Dương nói.

Còn với cô Lê Thị Hoa - giáo viên Trường mầm non Hương Sơn, quyết định phải học bằng được tiếng Cơ Tu xuất phát từ một lần học trò của cô bị thương, chảy máu.

"Trong lúc chơi đùa trên lớp, một học sinh của tôi bị ngã và chảy máu. Nhóm học sinh khác liền chạy đến níu áo và báo cho tôi nhưng các em nói bằng tiếng Cơ Tu nên tôi không hiểu. Mãi một lúc sau tôi mới tá hỏa vì phát hiện sự việc" - cô Hoa kể.

Tối hôm đó, cô Hoa không tài nào ngủ được. Hình ảnh vết thương ứa máu trên người học trò mình khiến cô cứ mãi day dứt.

"Ước gì lúc đó tôi hiểu được các em nói gì để mình biết sự việc sớm hơn mà xử lý. Từ đó tôi quyết định phải theo học bằng được lớp dạy tiếng Cơ Tu" - cô Hoa chia sẻ.

Dạy tiếng, truyền văn hóa

Đứng lớp giảng dạy là hai thầy giáo đã lớn tuổi và đều là người dân tộc Cơ Tu. Thầy Hồ Hùng, hiệu trưởng Trường tiểu học Hương Sơn, cho biết rất vui khi được trung tâm mời đứng lớp dạy tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình.

Thầy Hùng kể nhiều đồng nghiệp người Kinh lên đây công tác thường chia sẻ họ gặp khó khăn khi giao tiếp với phụ huynh, học sinh vì cách biệt ngôn ngữ, đặc biệt là trong quá trình cắm bản truyền con chữ. "Lớp tiếng Cơ Tu vừa giúp được đồng nghiệp, vừa có cơ hội truyền bá văn hóa đồng bào mình nên tôi vui lắm" - thầy Hùng nói.

Theo thầy Hùng, tiếng Cơ Tu rất hay và đẹp. Người học sẽ hiểu sâu hơn về văn hóa, truyền thống của người Cơ Tu qua những câu hội thoại hằng ngày mà bà con thường sử dụng khi lên rẫy, hội làng hay ca dao tục ngữ.

Còn thầy Trần Xuân Hiệp, cũng là giáo viên dạy tiếng Cơ Tu, cho biết cái khó trong quá trình giảng dạy là cả hai giáo viên đều chưa qua một lớp đào tạo bài bản tiếng Cơ Tu.

"Tiếng Cơ Tu không có chữ viết thống nhất, mỗi vùng miền lại phát âm khác nhau nên học viên mới đầu rất dễ bị rối. Chúng tôi chủ yếu dùng kinh nghiệm của bản thân để giải thích cho các học viên hiểu" - thầy Hiệp nói.

Vừa dứt lời, thầy Hiệp liền quay xuống dưới lớp và nói to: "Ví dụ như từ "nước uống" thì người Cơ Tu ở xã Thượng Nhật lại gọi là "đớc", còn ở xã Hương Sơn gọi là "đác"".

"Việc dạy và học tiếng Cơ Tu cho cán bộ, giảng viên người Kinh là một trong những hoạt động nhằm gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa đẹp đẽ của người Cơ Tu ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chúng tôi cũng đang tiếp tục phối hợp với Viện Ngôn ngữ học và Viện Dân tộc học để chuẩn hóa chữ viết của người Cơ Tu ở huyện Nam Đông.

Hiện chữ Cơ Tu đã được đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh lớp 1 nhằm giữ cho ngôn ngữ này khỏi nguy cơ bị mai một, thất truyền" - ông Đặng Phước Mỹ, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói.

Vừa dạy vừa hoàn thiện giáo trình

Theo thầy Lê Văn Lương - phó giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông, chương trình học gồm 421 tiết theo giáo trình do chính trung tâm biên soạn. Học viên sẽ được rèn luyện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Cơ Tu và cũng trải qua các bài thi. Sau khi kết thúc chương trình học, học viên được nhận chứng chỉ do Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp.

"Cái khó hiện nay là bộ tài liệu dạy tiếng Cơ Tu của trung tâm vẫn chưa được đầy đủ, chính xác vì tính đa dạng địa phương của người Cơ Tu ở huyện Nam Đông. Chúng tôi đang cố gắng tìm tòi, bổ sung những tài liệu mới từ tỉnh Quảng Nam - địa phương có đông đồng bào người Cơ Tu sinh sống - để hoàn thiện bộ tài liệu này thời gian tới" - thầy Lương nói.

Thầy cô tạm quên 20-11 để quét dọn bùn đất trường lớp sau lũ Thầy cô tạm quên 20-11 để quét dọn bùn đất trường lớp sau lũ

TTO - Hôm nay, kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) nhiều thầy cô phải tạm gác lại lễ tri ân, bắt tay dọn dẹp bùn đất để các em học sinh có thể trở lại trường sau đợt sạt lở.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên