16/09/2016 12:57 GMT+7

Học sinh tự chọn giáo viên

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Mấy ngày qua, học sinh THCS trên địa bàn thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) bàn luận sôi nổi về việc sẽ học trái buổi môn nào, chọn học thầy cô nào có phương pháp dạy dễ hiểu và gần gũi…

Học sinh Trường THCS Kim Hồng háo hức điền vào phiếu đăng ký chọn giáo viên và môn học trái buổi - Ảnh: NGỌC TÀI
Học sinh Trường THCS Kim Hồng háo hức điền vào phiếu đăng ký chọn giáo viên và môn học trái buổi - Ảnh: NGỌC TÀI

Đối với học sinh, các em chỉ chọn thầy cô dạy dễ hiểu, gần gũi, chứ không hẳn sẽ chọn thầy cô có bằng thạc sĩ, giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, có bằng khen... Thước đo từ học sinh là thước đo chính xác nhất cho kết quả dạy của giáo viên"

Thầy ĐOÀN HỮU SANG (hiệu trưởng Trường THCS Kim Hồng, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

Việc này bắt nguồn từ sự thay đổi lớn của Phòng GD-ĐT thành phố Cao Lãnh trong cách dạy và học của các trường THCS trên địa bàn, với buổi học thứ hai - trái buổi. Chương trình mong muốn tạo động lực cho giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút học sinh “về đội của mình”.

Cho học sinh quyền tự quyết

Theo đó, tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố Cao Lãnh có tổ chức học hai buổi/ngày sẽ cho học sinh chủ động chọn môn học và giáo viên buổi học thứ hai (trái buổi), để học tập sao cho đạt kết quả tốt nhất, thoải mái nhất.

Có mặt trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm của lớp 9A3 Trường THCS Thống Linh (xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh), chúng tôi cảm nhận được sự háo hức của các em học sinh đang trông chờ một điều đặc biệt.

Đây là lần đầu tiên các em sắp đặt bút ghi lên lá phiếu chọn thầy cô mà mình muốn theo học và lựa chọn môn học trái buổi. Trước đó, học sinh cũng tranh thủ túm tụm thảo luận về chủ đề này mỗi khi trống báo hiệu giờ ra chơi.

Vừa nhận được phiếu đăng ký, em Trần Khải Minh liền nói với bạn ngồi kế bên: “Tui sẽ học toán và tiếng Anh, còn ngữ văn tự học ở nhà”. Bạn Bùi Trường Nhơn chen ngang: “Tui sẽ học hết ba môn để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ngữ văn tui chọn thầy Tuấn vì thầy dạy rất dễ hiểu lại vui vẻ”.

Trong lúc các bạn trong nhóm Minh, Nhơn đang cắm cúi viết chọn lựa môn học, một nhóm bạn khác đang cân nhắc chọn thầy cô. “Tui sẽ về đội cô Nữ môn tiếng Anh”, “thầy Tuấn môn ngữ văn là nhất”, “thầy Sang môn toán có ai muốn về chung đội không?”... Tiếng bàn luận rôm rả cứ thế đến tận cuối buổi sinh hoạt chủ nhiệm.

Cũng trong tâm trạng phấn khởi, em Duy, học sinh lớp 9A4, bộc bạch: “Năm trước học hai buổi/ngày, buổi học thứ hai tụi em học giáo viên đã dạy chính khóa trên lớp, đôi khi cũng gò bó và chán chán. Giờ được chọn giáo viên mà em thấy là được học tốt nhất nên hứng thú hơn hẳn”.

Động lực cho giáo viên

Theo cô Lê Ngọc Hoàng Lan, hiệu phó Trường THCS Thống Linh, trường đã thông báo rộng rãi cho phụ huynh về chủ trương mới này và nhận được sự đồng thuận cao. Trước mắt, trường tổ chức lấy ý kiến của học sinh với ba môn toán, ngữ văn, tiếng Anh.

Cô Lan cho biết thêm tùy vào tình hình đăng ký của học sinh, nhà trường sẽ bố trí lớp học. Theo đó, các em cùng đăng ký một giáo viên mà vượt quá sĩ số một lớp thì sẽ bố trí lớp theo học lực. “Vừa tạo tâm lý thoải mái cho các em, vừa chọn lựa các em có học lực ngang nhau vào một lớp, việc dạy và học sẽ tốt hơn. Đặc biệt là học nâng cao sẽ hiệu quả hơn” - cô Lan chia sẻ.

Còn thầy Đoàn Hữu Sang, hiệu trưởng Trường THCS Kim Hồng, cho biết bước đầu trường dự kiến chỉ triển khai trên khối 6, 8 và 9; nhưng nhiều phụ huynh khối 7 cũng mong muốn con em mình được lựa chọn giáo viên và môn học như các khối khác.

Sau đó, trường đã thống nhất sẽ triển khai cho toàn thể học sinh của trường. Ngoài ba môn chính gồm toán, tiếng Anh, ngữ văn, trường còn có ý định tổ chức dạy môn lý và hóa vì nhu cầu của học sinh cũng khá lớn.

“Cái khó của việc trao quyền cho học sinh lựa chọn là đôi khi các em tập trung chọn một thầy cô, dẫn đến quá tải. Trường sẽ tìm hướng giải quyết ổn thỏa, trên tinh thần tôn trọng tối đa sự lựa chọn của học sinh”, thầy Sang chia sẻ.

Cũng theo thầy Sang, sự thay đổi này sẽ tạo động lực để giáo viên đổi mới phương pháp dạy, nâng cao tay nghề để thu hút học sinh.

Trong khi học trò phấn khích vì được học theo nguyện vọng, thầy cô cũng “nín thở” trông chờ kết quả. Với những người đứng lớp tốt, việc học sinh chọn theo học nhiều hay ít cũng chính là việc đánh giá một phần hiệu quả phương pháp giảng dạy bấy lâu của thầy cô.

Thầy Nguyễn Hoàng Tuấn, giáo viên dạy văn Trường THCS Thống Linh, cho biết đây sẽ là cơ hội để giáo viên tự soi lại phương pháp giảng dạy hằng ngày, xem đã thực sự thu hút học sinh chưa.

Mặt khác, thầy Tuấn cho rằng một khi học sinh đã chọn học với mình, tức các em yêu thích những tiết dạy của mình, đặt niềm tin vào mình nên tâm thế người thầy khi đứng lớp cũng thấy vui hơn, thích hơn và phấn đấu dạy tốt hơn nữa. “Mình cũng cần đáp lại học sinh bằng sự nỗ lực không ngừng”, thầy Tuấn nói.

Thầy Nguyễn Văn Ngợi - trưởng Phòng GD-ĐT thành phố Cao Lãnh - cho biết hiện tại trên địa bàn thành phố có 11 trường THCS thì có đến 10 trường có tổ chức dạy hai buổi/ngày.

Các trường áp dụng hình thức cho các em đăng ký môn học, và giáo viên phải đảm bảo mỗi môn không quá hai tiết/tuần.

Trả lời câu hỏi: liệu có thu thêm khoản tiền xã hội hóa nào khi áp dụng hình thức cho học sinh chọn môn, chọn giáo viên, thầy Ngợi khẳng định: “Không có”.

“Khi các em được trao quyền chọn lựa, sẽ tạo tâm lý thoải mái và ý thức học tốt hơn. Chứ lúc trước việc tổ chức học theo hình thức bắt buộc sẽ gặp phải tình huống như các em đã giỏi toán nhưng vẫn buộc tăng tiết toán, không phát huy được tối đa lợi ích của việc tổ chức học hai buổi/ngày” - thầy Ngợi chia sẻ.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên