01/05/2014 10:13 GMT+7

Học sinh trộm sách bị làm nhục: khi bình tâm nhìn lại

TRẦN THỊ MAI NHÂN(Khoa Việt Nam học - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG TP.HCM)
TRẦN THỊ MAI NHÂN(Khoa Việt Nam học - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG TP.HCM)

TTO - Đã hơn 20 ngày trôi qua, kể từ khi xảy ra vụ việc một học sinh lấy trộm hai cuốn truyện tại siêu thị Vĩ Yên (huyện Chư Sê, Gia Lai) vào ngày 10-4 và bị các nhân viên, bảo vệ của siêu thị “trừng phạt”, dư luận vẫn còn “nóng” vì hệ lụy của nó.

Cần xử lý hợp tình, hợp lýCó nên tạm giam 4 nhân viên siêu thị?Bị làm nhục vì lấy cắp hai cuốn truyện

ecWkWWwi.jpgPhóng to
Siêu thị sách Vĩ Yên - Ảnh: T.B.D.

Nếu theo dõi diễn biến vụ việc, chúng ta sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, vì sự việc ngày càng trở nên phức tạp. Theo tôi, bạn đọc và các bên liên quan hãy bình tâm nhìn lại để có cách xử lý vấn đề hợp lý hợp tình nhất.

Từ hình phạt của nhân viên siêu thị...

Trước hết, ai cũng bất ngờ và bức xúc về cách hành xử của các nhân viên siêu thị đối với em học sinh trộm sách. Là một giáo viên, tôi rất đau lòng khi nhìn thấy hình ảnh em S. bị căng hai tay trói vào lan can với chiếc áo khoác xộc xệch và trước ngực đeo tấm bảng với dòng chữ “Tôi là người ăn trộm”. Trong khoảnh khắc đó, tôi bất giác nghĩ đến những đứa con mình và tim tôi như thắt lại...

Rõ ràng em S. có lỗi. Không ai có thể chấp nhận hành vi lấy trộm của em, dù là lấy trộm sách. Em cần phải được nhắc nhở, răn đe để cái gọi là “mầm mống ăn trộm” không có cơ hội phát triển.

Theo Thông tư 08/TT của Bộ Giáo dục và đào tạo về khen thưởng và thi hành kỷ luật đối với học sinh các trường phổ thông thì hành vi lấy trộm sách của em S. sẽ bị khiển trách trước hội đồng kỷ luật của nhà trường (nếu là vi phạm lần đầu) và cảnh cáo trước toàn trường (nếu là tái phạm).

Như vậy, siêu thị cùng với gia đình và nhà trường cần có biện pháp giáo dục và xử phạt em S. đúng mức. Nếu dung túng cho hành vi sai trái này, chúng ta sẽ có lỗi với xã hội, với các thế hệ tương lai.

Nhưng trừng phạt như các nhân viên siêu thị Vĩ Yên thì thật kinh khủng, không thể chấp nhận được. Và những tội đó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều đáng sợ hơn là những tổn thương tinh thần mà họ để lại cho em S. quá lớn khi hình ảnh và thông tin về em bị truyền đi với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng.

Theo tôi, các nhân viên siêu thị đã mắc một sai lầm không đáng có. Vì chưa nói đến sự hiểu biết về pháp luật, chưa nói đến tính nhân văn hay nhân quyền, chỉ cần có chút tình thương đối với trẻ em (đáng tuổi con cháu mình) thì họ đã không phạm tội nặng đến thế.

Đây là bài học mà người lớn chúng ta cần ghi nhớ.

... đến hình phạt của dư luận xã hội

Sau khi sự việc xảy ra, dư luận xã hội đã lên án kịch liệt cách hành xử của các nhân viên siêu thị Vĩ Yên, thông qua các phương tiện truyền thông.

Và các nhân viên siêu thị tham gia vào việc trừng phạt em S. đã nhận những hình phạt từ nhiều phía.

Trước hết, họ bị phạt bằng cách phải trực tiếp đến xin lỗi gia đình em S. Tôi nói là “phạt” vì việc làm này đối với họ thật không dễ dàng, không hoàn toàn tự nguyện (vì người được xin lỗi nhỏ tuổi hơn họ, lại là người có lỗi trộm sách của siêu thị họ).

Sau đó, họ liên tục chịu hình phạt từ búa rìu dư luận. Ý kiến lên án hành vi của họ được đăng tải trên các báo, hầu hết đều đòi luật pháp phải xử nghiêm minh.

Tuy nhiên, dư luận nói chung và những người có liên quan nói riêng có thể đã đẩy sự việc sang một cực khác, cũng khó chấp nhận. Đó là khi dư luận tập trung chĩa mũi tấn công vào các nhân viên siêu thị mà quên đi hành vi trộm sách của em S..

Như vậy, sự việc cứ bị đẩy từ thái cực này sang thái cực khác khiến cho câu chuyện ngày càng trở nên lắm bi hài.

Cuối cùng, trong vụ việc này ai cũng có lỗi, cũng trở thành nạn nhân: em S. (ăn cắp sách), nhân viên siêu thị (làm nhục em S.), lãnh đạo siêu thị (không quản lý nghiêm nhân viên), nhà trường (tạo ra sản phẩm không tốt), gia đình em S. (dạy con không nghiêm)...

Và có lẽ trong những ngày đó, không chỉ em S. mà các nhân viên siêu thị này cũng sống trong sự khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Họ hoang mang, lo sợ không biết phải nhận lãnh hình phạt như thế nào từ pháp luật.

Tự dưng tôi thấy sợ dư luận và sợ các phương tiện truyền thông...

Và hình phạt của pháp luật...

Ngày 25-4-2014, Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Chư Sê, Gia Lai đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 nhân viên của siêu thị trong vụ việc trên với tội danh “bắt giữ người trái pháp luật” theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự Việt Nam 2009. Việc này khiến nhiều người đồng tình nhưng cũng khiến không ít người lăn tăn.

Theo tôi, việc ra quyết định tạm giam đối với 4 nhân viên này thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong việc bảo vệ quyền con người - nhất là bảo vệ trẻ em vị thành niên.

Tuy nhiên, bình tâm nhìn lại toàn bộ sự việc, tôi thấy có điều chưa ổn. Chúng ta đã biết pháp luật sinh ra là nhằm phục vụ con người. Pháp luật có nhiệm vụ trừng phạt, răn đe, giáo dục... con người để họ vượt qua lỗi lầm và sống tốt hơn. Pháp luật dù lạnh lùng vẫn không nằm ngoài đạo lý của con người.

Vì vậy, những người “cầm cân nảy mực” cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định. Điều 123 Bộ luật Hình sự về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật ghi rõ: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”, nhưng không ghi rõ là bắt, giam giữ người trong thời gian bao lâu, giam giữ ở đâu (nhà riêng hay công sở...), giam giữ bằng hình thức nào... Đây là chỗ mà những người thi hành luật có thể dựa vào để xem xét mức độ vi phạm và có cách xử phạt đúng mức.

Trong trường hợp này, em S. bị các nhân viên siêu thị dùng băng keo trói/bó hai tay vào lan can trong một thời gian không lâu ngay tại siêu thị (nơi em S. phạm lỗi, không phải mang đi nơi khác). Điều này cho thấy việc bắt giữ người ở đây không có tổ chức, không có kế hoạch, cũng không gây hậu quả nghiêm trọng mà là hành động nhất thời do sự nóng nảy và thiếu hiểu biết về pháp luật của các nhân viên siêu thị.

Hơn nữa, sau khi sự việc xảy ra, họ đã nhận thức được sai lầm của mình và đã đến xin lỗi em S. và gia đình. Giám đốc siêu thị cũng đã gửi thư xin lỗi gia đình và gia đình em S. cũng muốn bỏ qua mọi chuyện.

Vậy, theo tôi, việc truy cứu trách nhiệm hình sự, bắt tạm giam những nhân viên đó là hình phạt quá nặng.

Thực tế cho thấy có những trường hợp xử đúng người đúng tội nhưng mức độ hình phạt không hợp lý đã kéo theo những hệ lụy đáng tiếc.

Thiết nghĩ, mục đích cuối cùng của luật pháp cũng là để cảm hóa con người, để sau những vấp ngã trong cuộc đời, họ còn niềm tin mà đứng dậy và sống tốt hơn.

Hãy cho những nhân viên này một bài học “nhớ đời” nhưng vẫn không làm họ mất niềm tin đối với cuộc đời. Vì trong lúc hoang mang, đau khổ, hối hận vì sai lầm của mình, họ đã cảm nhận được sự ấm áp của tình người và sự nhân đạo của pháp luật.

TRẦN THỊ MAI NHÂN(Khoa Việt Nam học - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên