07/10/2015 10:53 GMT+7

“Học phí mới phù hợp với thu nhập người dân”

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Ngay sau khi có thông tin về tăng học phí, nhiều học sinh, sinh viên, phụ huynh không khỏi lo lắng.

Ông Bùi Hồng Quang

Ngày 6-10 trao đổi với Tuổi Trẻ, ông BÙI HỒNG QUANG, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT, cho biết:

- Khung học phí mới đối với giáo dục mầm non, phổ thông được xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Học phí giai đoạn 2016 - 2020 vẫn tăng theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân hằng năm, giống như nguyên tắc trước đây quy định tại nghị định 49. Mức học phí cụ thể sẽ do các địa phương quy định để phù hợp với thu nhập của người dân tại địa phương mình giống như trước đây.

Mức học phí ĐH chương trình đại trà tại các trường chưa tự chủ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, tốc độ tăng hằng năm là 10% (được xây dựng dựa trên mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trung bình của cả giai đoạn 2010 - 2015).

Mức tăng này chậm hơn so với giai đoạn 2011 - 2015 (trước đây nghị định 49 tính trung bình là 20%/năm). Mức trần học phí ĐH đối với các trường thực hiện tự chủ được xây dựng dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí và theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo quy định tại nghị định số 16 của Chính phủ.

* Theo nghị định mới về chính sách học phí, các trường ĐH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tự chủ có mức học phí chênh lệch tương đối lớn so với mức đại trà của các trường còn lại. Ngay trong năm học 2015 - 2016, trường ĐH tự chủ nào có đào tạo ngành y dược có thể thu mức học phí lên đến mức trần 4,4 triệu đồng/tháng. Bộ GD-ĐT có đánh giá được tác động của chính sách học phí mới lên người học hay không?

- Xin khẳng định rằng chính sách học phí mới không tác động lớn đến người học so với trước đây. Đó là vì học phí mầm non, phổ thông vẫn tăng bình quân hằng năm theo chỉ số giá tiêu dùng, vẫn do địa phương quy định đảm bảo phù hợp với thu nhập của người dân tại địa phương như trước đây.

Còn học phí ĐH chương trình đại trà tại trường chưa tự chủ tăng 10%, tăng chậm hơn giai đoạn 2011 - 2015 (trước đây khoảng 20%/năm).

Riêng các trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, mức trần học phí có cao hơn mức học phí các trường áp dụng hiện nay.

Từ năm học 2015 - 2016, một số trường ĐH sẽ thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ hoạt động (bao gồm cả tự chủ về tài chính) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo nghị quyết 77 của Chính phủ, mức học phí của các trường này tính trung bình gấp trên hai lần so với các trường chưa tự chủ.

Tùy tình hình cụ thể, các trường xác định mức học phí phù hợp để một mặt nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng mặt khác đảm bảo được mức chi trả của người dân. Đến nay, mới có 11 trường thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Học sinh nghèo, học sinh diện chính sách sẽ vẫn được hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập như trước đây.

* Quan điểm xây dựng chính sách học phí mới áp dụng từ năm học 2015 - 2016 đã tiệm cận đến đâu với phương án tính đúng tính đủ trong giáo dục ĐH?

- Quan điểm xây dựng học phí đối với giáo dục ĐH chia làm hai nhóm trường, gồm nhóm các trường tự chủ và các trường chưa tự chủ.

Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục ĐH tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ), học phí được xây dựng theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo. Còn đối các cơ sở giáo dục ĐH chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị chưa tự chủ), mức thu học phí tăng dần hằng năm khoảng 10%. Vì vậy khả năng bù đắp chi phí đào tạo còn thấp.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên