27/10/2017 08:46 GMT+7

Học liên kết đào tạo quốc tế, để tránh 'tiền mất tật mang'

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế nở rộ tại Việt Nam thời gian gần đây từ ĐH tới cao học, vì vậy người học cần tỉnh táo để lựa chọn chương trình chất lượng thực sự.

*** Error ***
Sinh viên học trong một chương trình liên kết đào tạo 1+3 tại TP.HCM - Ảnh: V.V.

Tính đến tháng 3-2017, Bộ GD-ĐT đã cấp phép cho trên 300 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nước ngoài với các trường ĐH, CĐ tại Việt Nam.

Đó là chưa kể các chương trình liên kết của các ĐH quốc gia và ĐH vùng (được tự chủ về liên kết đào tạo). Bên cạnh các trường ĐH tại Anh, Mỹ, Úc, New Zealand, rất nhiều trường ĐH tại Việt Nam còn liên kết đào tạo với các trường ĐH các nước khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines.

Vàng thau lẫn lộn

Hầu hết các chương trình liên kết quốc tế được thực hiện theo hình thức 2+2 (hai năm học tại Việt Nam, 2 năm học tại nước ngoài), 1+3 (1 năm học tại Việt Nam, 3 năm học tại nước ngoài), hoặc học hoàn toàn tại Việt Nam.

Học phí cho mỗi chương trình đào tạo từ 100-200 triệu đồng cho thời gian học tại Việt Nam, còn ở nước ngoài thì học phí tính theo chi phí thực tế của trường ĐH ở quốc gia sở tại.

Đa số chương trình liên kết quốc tế có ngôn ngữ đào tạo là tiếng Anh. Giảng viên của hai trường cùng tham gia giảng dạy. Đối tác liên kết nước ngoài cũng có mức độ uy tín và thứ hạng rất khác nhau...

Anh T.L.P. - người tốt nghiệp chương trình thạc sĩ liên kết quốc tế - hiện làm việc cho một công ty có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM. Theo anh P., trước khi học thạc sĩ, anh có thể đọc, viết tiếng Anh ở mức khá nhưng khả năng nghe, nói bị hạn chế.

“Lúc vào, tôi cũng trải qua bài kiểm tra tiếng Anh. Do chưa đạt, tôi phải học thêm 6 tháng tiếng Anh. Giảng viên người Việt giảng dạy bằng tiếng Anh nên với những vấn đề không hiểu, giờ giải lao học viên hỏi lại, giảng viên giải thích bằng tiếng Việt.

Theo quy định, sinh viên phải làm khóa luận bằng tiếng Anh hoặc học thêm hai môn để tốt nghiệp. Cả lớp tôi đã chọn học thêm hai môn, không ai làm luận văn” - anh P. nói.

Tuy vậy, không phải tất cả các chương trình liên kết quốc tế đều đào tạo quy củ như thế. Trong vai người tìm chương trình học, chúng tôi liên hệ với một trường ĐH công lập tại TP.HCM, hỏi về điều kiện tuyển sinh chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết với một trường ĐH của Malaysia mà trường này đang tuyển sinh.

Nhân viên tư vấn cho biết chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, yêu cầu thí sinh phải có IELTS 6.0. Nếu chưa đạt, học viên sẽ được học bổ sung tiếng Anh 15 tuần trước khi vào học chính thức.

Khi chúng tôi lo ngại về mức tiếng Anh cơ bản của mình, nhân viên liền trấn an: “Chương trình hỗ trợ tiếng Anh sẽ giúp người học có trình độ tiếng Anh nhất định trước khi vào học chính thức. Kết thúc khóa học sẽ có một bài kiểm tra nhưng không khó như bài thi IELTS bên ngoài, không đánh rớt người học nên cứ yên tâm”!

Tìm hiểu đầu tiên: đã được cấp phép?

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực liên kết đào tạo quốc tế, để chọn được chương trình chất lượng thì người học cần tìm hiểu cả hai chiều: đối tác quốc tế và trường ĐH Việt Nam triển khai chương trình liên kết.

TS Hoàng Đức Bình - đại diện ĐH Kỹ thuật Swinburne, Úc - chia sẻ: khi tìm chương trình liên kết, người học cần tìm hiểu về mức độ uy tín, sự kiểm định chất lượng và công nhận, xếp hạng của các trường ĐH nước ngoài...

Với những trường nằm trong top 500 thế giới, thường thì trường rất lớn và uy tín, chất lượng đào tạo cao và họ chỉ liên kết với những trường ĐH uy tín (về nghiên cứu, giảng dạy, đội ngũ, chương trình đào tạo) tại Việt Nam, không có sự thỏa hiệp về chất lượng (không giảm các tiêu chí đảm bảo chất lượng) để không ảnh hưởng đến uy tín của họ.

Do vậy, điều kiện tuyển sinh đầu vào cũng như chất lượng giảng dạy không thấp hơn so với khi du học tại cơ sở chính của họ.

Cũng theo ông Bình: “Những chương trình tuyển sinh dễ dãi thường mang tính thương mại cao. Chất lượng chương trình ở mức vừa phải, việc đáp ứng các yêu cầu cũng ở mức vừa phải, các ràng buộc về chất lượng không quá khắt khe, có vào thì sẽ có ra! Thường họ mở rộng quy mô thông qua liên kết để tuyển sinh, tăng nguồn thu”.

Tương tự, phó hiệu trưởng phụ trách hợp tác quốc tế của một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng: khi muốn theo học chương trình liên kết quốc tế nào, người học cần tìm hiểu xem chương trình đó đã được Bộ GD-ĐT cho phép hay chưa để tránh “tiền mất tật mang”.

Người học nên chọn các chương trình mà đối tác nước ngoài có uy tín, thứ hạng càng cao càng tốt. Dĩ nhiên, đầu vào các chương trình này sẽ khắt khe hơn. Cần cảnh giác với các chương trình liên kết quốc tế mà đầu vào và quá trình đào tạo quá dễ dàng với người học.

Nên chuẩn bị trước tiếng Anh

Theo PGS Trần Hà Minh Quân - viện trưởng Viện đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - một chương trình uy tín phải có các tiêu chí tuyển sinh rõ ràng, đây là điều kiện để trường đối tác giám sát.

Thực tế có những chương trình khó tuyển sinh nên những ứng viên dưới chuẩn họ vẫn nhận, nhất là tiếng Anh. Người ta cho rằng khi vào học, học viên sẽ được học tăng cường tiếng Anh.

Tuy nhiên, một người rất khó để vừa học chuyên môn vừa nâng cao trình độ tiếng Anh. Đó là chưa kể tiếng Anh chưa tốt sẽ ảnh hưởng đến quá trình đọc tài liệu, cũng như nghe giảng viên dạy trên lớp.

“Khi muốn học chương trình liên kết quốc tế, người học phải có sự chuẩn bị trước về tiếng Anh. Tránh trường hợp không theo được chương trình phải bỏ cuộc giữa chừng” - ông Quân nhắn nhủ.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên