21/10/2014 13:10 GMT+7

​Học không chỉ vì tấm bằng

ĐOÀN LÊ QUỲNH TRÂN (Đại học Franklin and Marshall, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ)
ĐOÀN LÊ QUỲNH TRÂN (Đại học Franklin and Marshall, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ)

TT - Dù mới nhập học được gần hai tháng, tôi dần cảm nhận được nền giáo dục đại học ở Mỹ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối suy nghĩ của tôi.

Giáo dục đại học Mỹ chú trọng phát triển con người toàn diện. Điều này đặc biệt đúng đối với những trường Liberal Arts Colllege. Sinh viên không chỉ được đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cần thiết để làm những công việc cụ thể sau khi tốt nghiệp, mà còn được học những kiến thức khác liên quan đến khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nghệ thuật.

Đối với trường tôi, tất cả sinh viên ngoài việc học đầy đủ tín chỉ yêu cầu riêng cho từng ngành, phải hoàn thành ít nhất hai tín chỉ môn khoa học tự nhiên (trong đó có một môn có thí nghiệm), hai tín chỉ môn khoa học xã hội và một tín chỉ môn nghệ thuật. Một sinh viên ngành vật lý có thể chọn học khóa lịch sử và khóa nhạc kịch để hoàn thành yêu cầu về tín chỉ môn khoa học xã hội và môn nghệ thuật. Tương tự, một sinh viên ngành văn học chọn lớp thần kinh học để hoàn thành yêu cầu từ trường.

Khi được tiếp xúc với những kiến thức rộng như vậy, sinh viên có thể phát triển toàn diện về mặt đầu óc, tinh thần chứ không đơn thuần là một cái máy được đào tạo để phục vụ cho thị trường lao động. Có một câu nói tôi không nhớ tác giả nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi: “Khi bước ra cuộc sống ngoài kia, hãy giữ cho bản thân một niềm đam mê bất kỳ mà không phải là nghề nghiệp bạn đang làm hằng ngày”.

Trong môi trường đại học Mỹ, sinh viên luôn không ngừng được thử thách về mặt trí tuệ. Sinh viên năm nhất được yêu cầu phải hoàn thành hai khóa học nền tảng về những chủ đề khác nhau, bao gồm những khóa như “Sự bất bình đẳng ở Mỹ”, “Ý tưởng được hình thành như thế nào?”...

Khóa tôi đang học mang tên “Cái tôi trong phạm vi toàn cầu”, nghiên cứu về cách con người nhìn nhận bản thân họ từ thời cổ đại đến nay, trong những phạm vi triết học và tôn giáo khác nhau. Chúng tôi được giáo sư yêu cầu phải đọc rất nhiều tài liệu để chuẩn bị cho một buổi học. Ngoài viết bài luận, chúng tôi còn cần đưa ra ý kiến thảo luận trong lớp.

Tôi học tại một trường đại học thuộc nhóm Liberal Arts College ở tiểu bang Pennsylvania (Mỹ).

Nhờ cách học chủ động này, dù chưa có nhiều kiến thức về triết học và tôn giáo, tôi và các bạn cùng lớp vẫn vô cùng thích thú khi được học về những tư tưởng của các triết gia cổ đại như Socrates, Plato hay của các tôn giáo như đạo Hindu, đạo Phật...

Khi tiếp xúc với những kiến thức hoàn toàn mới, sinh viên càng dành nhiều thời gian nghiên cứu, từ đó phát triển khả năng tư duy độc lập.

Trong lớp kinh tế học về trường phái kinh tế cổ điển, chúng tôi được xem vở kịch độc diễn Marx ở Soho do nhà sử học và soạn giả Howard Zinn biên soạn. Vở kịch chỉ có một diễn viên nói về sự hồi sinh của Karl Marx. Thay vì quay lại Soho ở London, do một nhầm lẫn ông đã đến Soho, New York, trung tâm của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Và Marx sống lại để bảo vệ lý tưởng của ông, đồng thời phê bình chủ nghĩa tư bản rất nhiều.

Vở kịch diễn ra trong một tiếng rưỡi mà không hề nhàm chán đã tạo nên một chân dung Marx mà không phải ai cũng biết đến, đã khơi gợi cho sinh viên chúng tôi mong muốn được tìm hiểu thêm về Marx và tư tưởng của ông. Chúng tôi học được rằng mình phải học và nghiên cứu mọi vấn đề bằng quan điểm khách quan và khoa học, tránh cái nhìn phiến diện.

Cách giáo dục ở bậc đại học của Mỹ đã cho tôi thấy giáo dục mang ý nghĩa cao hơn việc chỉ đơn thuần đào tạo nên các kỹ sư, kế toán, thương nhân giỏi. Cách giáo dục ấy đã cho tôi thấy học không chỉ vì tấm bằng cử nhân, mà học vì ta yêu thích chính sự học.

ĐOÀN LÊ QUỲNH TRÂN (Đại học Franklin and Marshall, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên