08/10/2024 11:00 GMT+7

Học cách lắng nghe cơ thể sau chấn thương

Sau một tai nạn chấn thương cột sống, người đàn ông 65 tuổi phát hiện bị loãng xương nghiêm trọng. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho xương của ông trở nên mềm, xốp, dễ gãy hơn người khác.

Những cơn đau nhức xương khớp cũng cảnh báo nguy cơ loãng xương

Gãy xương mới biết bị loãng xương

Mới đây, ông Hoàng Văn Linh (65 tuổi, Tây Ninh) phải nhập viện sau do té ngã trong nhà tắm. Cú va chạm dù không mạnh nhưng ông Linh bị gãy xẹp đốt sống và phải điều trị tại bệnh viện dài ngày. Bác sĩ cho biết ông bị loãng xương nặng.

"Từ trước đến nay, tôi thấy không có dấu hiệu gì ở xương khớp nên tưởng là xương của tôi chắc khỏe cho đến khi bị gãy xương. Các bác sĩ bảo là tôi bị loãng xương nghiêm trọng nên xương dễ bị gãy, phải cẩn thận hơn", ông Hoàng Văn Linh kể.

Theo PGS.TS.BS. Lê Anh Thư, chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM, loãng xương tiến triển âm thầm nhưng gây hậu quả nặng nề. Đây là một bệnh lý của xương do sự suy giảm khối lượng chất khoáng trong xương và tổn thương vi cấu trúc của tổ chức xương, làm cho xương trở nên yếu và dễ gãy.

Người bệnh rất dễ gãy xương sau những chấn thương bình thường trong sinh hoạt hàng ngày, giảm khả năng vận động, giảm chất lượng sống, gặp biến chứng phức tạp, tăng nguy cơ tử vong nếu bị gãy xương ở thân đốt sống và cổ xương đùi.

BS Lê Anh Thư cảnh báo dù loãng xương ở phụ nữ xảy ra sớm hơn và trầm trọng hơn nhưng không có nghĩa nam giới tránh được tình trạng này. Theo Hội Loãng xương thế giới (IOF), cứ 3 phụ nữ từ 50 tuổi trở lên thì có một người bị gãy xương do loãng xương. Ở nam giới thì tỉ lệ này là 1/5.

Ngay từ sau tuổi 30-35, quá trình hủy xương bắt đầu trội hơn quá trình tạo xương, các hốc xương bị hủy ngày càng lớn mà quá trình tạo xương không bù đắp được, làm cho mật độ xương giảm dần và cấu trúc xương bị hư hại.

Bên cạnh yếu tố tuổi tác, không ít nam giới thường lạm dụng thuốc lá, chất kích thích, rượu bia, không chú ý bổ sung canxi qua bữa ăn hàng ngày cũng thúc đẩy loãng xương đến nhanh hơn.

Theo kết quả của chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Anlene trên 100.000 người Việt Nam tham gia tầm soát, khoảng 50% người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ loãng xương, 27% người được tầm soát đã loãng xương. Đặc biệt, tỉ lệ loãng xương ở phụ nữ từ 50 tuổi lên đến 33%.

Theo PGS.TS.BS Lê Anh Thư, hiện Việt Nam có khoảng 3,6 triệu người mắc loãng xương, dự báo đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên khoảng 4,5 triệu người. Song, đây có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" bởi loãng xương là bệnh có diễn tiến âm thầm, nhiều người vẫn chưa biết mình bị mắc bệnh loãng xương.

Với điều kiện kinh tế của đa số người dân còn chưa cao, việc tầm soát, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả còn nhiều bất cập, nhiều người bệnh chỉ phát hiện bệnh khi đã bị gãy xương.

Cần lắng nghe các "tín hiệu" của xương khớp, dù là nhỏ nhất

Để phòng bệnh loãng xương cũng như các bệnh lý xương khớp khác, lời khuyên của các chuyên gia là phải lắng nghe cơ thể để nhận ra các dấu hiệu bất thường đang diễn ra âm ỉ. Đây cũng là điều mà ông Hoàng Văn Linh khuyên các thành viên khác trong gia đình duy trì để hạn chế nguy cơ gãy xương, bảo vệ sức khoẻ xương khớp.

Theo PGS.TS.BS Lê Anh Thư, hơn 70% nguyên nhân tử vong cho ở người do các bệnh mạn tính không lây nhiễm trong đó có các bệnh cơ xương khớp.

Với các bênh lý này, việc phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm cực kỳ quan trọng. Chương trình tầm soát loãng xương là biện pháp hữu hiệu giúp mọi người, đặc biệt người lớn tuổi phát hiện sớm nguy cơ loãng xương, để chủ động và tích cực phòng ngừa hoặc có kế hoạch điều trị sớm.

Anlene và Hội Loãng xương Quốc tế (IOF) ký kết hợp tác chiến lược nhằm góp phần nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe xương khớp cộng đồng

Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM khẳng định loãng xương là bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả bằng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, kết hợp với chế độ sinh hoạt, vận động hợp lý ngay từ khi còn trẻ và duy trì suốt đời.

Các nghiên cứu cũng đã chứng minh luyện tập thể thao cùng với việc sử dụng sữa giàu canxi hàng ngày, giúp cải thiện chức năng vận động, mang lại lợi ích rõ rệt cho sức khỏe xương khớp từ sau 4 tuần.

Theo khuyến cáo của Hội loãng xương Quốc tế, chế độ ăn uống lành mạnh cho xương đòi hỏi lượng canxi hàng ngày phù hợp (từ 1.000mg/ngày, tăng lên 1.200mg/ngày đối với phụ nữ trên 50 tuổi) và protein (60 - 80g/ngày).

Các loại thực phẩm giàu canxi gồm sữa, các chế phẩm từ sữa, tôm, cua, cá, các loại rau củ có màu xanh đậm... Nhiều dưỡng chất khác như vitamin K, magie, kẽm, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khoáng hóa xương.

Bên cạnh đó, phòng ngừa loãng xương đòi hỏi cơ thể duy trì đủ lượng vitamin D, không hút thuốc và hạn chế rượu bia.

Ông Manoj Namboodiri, giám đốc Anlene Toàn cầu: "Mục tiêu của chúng tôi là góp phần tạo ra một thế giới nơi mọi người có thể tiếp tục làm những điều họ yêu thích ngay cả khi lớn tuổi. Với mục tiêu đó, chúng tôi đã hợp tác với Hội Loãng xương Quốc tế để cùng nhau tập hợp các nguồn lực và theo đuổi mục tiêu chung là giúp mọi người thực hiện các phương pháp chủ động chăm sóc sức khỏe"

Ngày 5-10 vừa qua, Hội Loãng xương Quốc tế (International Osteoporosis Foundation - IOF) và Anlene, thương hiệu dinh dưỡng toàn cầu về sức khỏe cơ xương khớp, công bố quan hệ đối tác chiến lược nhằm giải quyết những thách thức trong nhận thức về loãng xương đang gia tăng trên toàn cầu.

Theo TS Philippe Halbout, giám đốc điều hành IOF, với hơn 500 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi loãng xương, và châu Á đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số ca mắc. Sự hợp tác này nhằm góp phần cải thiện giáo dục công cộng về sức khỏe xương và cung cấp hỗ trợ dinh dưỡng quan trọng.

Anlene và IOF cam kết giúp nâng cao khả năng tiếp cận của người tiêu dùng với việc giáo dục về sức khỏe xương và dinh dưỡng tối ưu thông qua một loạt các sáng kiến hợp tác. Mối quan hệ đối tác này phản ánh một mong muốn chung nhằm cải thiện nhận thức chăm sóc sức khỏe cơ xương khớp trên toàn cầu từ sớm.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên