14/06/2014 11:19 GMT+7

Hoạt hình Việt: trăm nẻo đường mù

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Mùa phim hè 2014 của Hãng Phim hoạt hình VN vừa ra mắt ngày 12-6 tại rạp Thánh Gióng, Hà Nội. 56 phim sẽ được trình chiếu trong suốt ba tháng hè.

“Hai cháu nhỏ nhà tôi thích phim hoạt hình VN lắm. Bản thân tôi cũng thích xem cùng các cháu vì phim giờ nhiều hình ảnh đẹp, câu chuyện có tính giáo dục, các cháu xem rồi còn làm theo” - chị Ánh, mẹ của hai cậu con trai 5 tuổi và 4 tuổi, chia sẻ. Một phụ huynh khác cũng thốt lên: “Phim hoạt hình VN chưa phải hay nhưng rất dễ thương, phù hợp với các em nhỏ, giá vé rất rẻ. Nhưng tại sao cả rạp chỉ có bốn người nếu tính cả hai mẹ con?”.

Đó là chia sẻ của hai trong số rất nhiều bà mẹ đưa con tới rạp Thánh Gióng xem phim hoạt hình Việt trong ngày 12-6. Những chia sẻ ngẫu nhiên đó hóa ra lại đụng đến một vấn đề căn cốt: hoạt hình VN không có khán giả. Những người làm hoạt hình than thở rằng họ không có kịch bản hay, không được đầu tư xứng đáng, bị kiểm duyệt quá gắt gao, không có kinh phí để quảng bá... Và có thể bởi vậy, giữa hoạt hình Việt và khán giả là đôi bờ ngăn cách, mà muốn tìm đến với nhau thì lại luống cuống trong trăm nẻo đường mù.

“Thể lực yếu” của hoạt hình Việt

Đau khổ trước sự èo uột của phim hoạt hình, nhưng đạo diễn phim hoạt hình Hà Bắc cho rằng khó có thể đòi hỏi gì hơn khi bản thân những người làm phim chỉ nhìn thấy một tương lai đầy chông chênh. Và bởi vì thế, dẫu biết hoạt hình Việt lạc lõng so với dòng chảy của thế giới, đẻ ra những sản phẩm chẳng phải thương mại cũng chẳng phải giải trí thì những người làm hoạt hình cũng đành ngậm đắng nuốt cay. Cái trạng thái mà đạo diễn Hà Bắc gọi là “đau khổ bất khả kháng”.

Mỗi năm, Hãng Phim hoạt hình VN được Bộ VH-TT&DL đặt hàng từ 8-10 phim, với tổng kinh phí 10-12 tỉ đồng. “Ngân sách đặt hàng không đủ cho chi phí sản xuất của hãng phim. Những phim của nước ngoài họ làm ít nhất cũng tốn tới 2 triệu USD, nhưng một bộ phim 10 phút của mình chỉ có 800 triệu đồng, chỉ bằng cái móng tay của họ” - bà Minh Phương (tổng giám đốc Hãng Phim hoạt hình VN) cho biết. Cách đầu tư cũng được tính khá máy móc, cứ tính tiền trên đầu phim, bất chấp kịch bản, công nghệ và mọi thứ thuộc về sản xuất khác.

Theo cách tính của Hãng Phim hoạt hình VN, một bộ phim dài 10 phút sẽ có chi phí là 800 triệu đồng. Dĩ nhiên, chừng đó tiền chẳng bao giờ đủ. Và càng không đủ hơn khi một đạo diễn phim hoạt hình khác cho biết số tiền đầu tư của Nhà nước khi đến tay họ chỉ còn 1/3 hoặc 1/4 con số ban đầu.

Một “căn bệnh” không chữa nổi của phim hoạt hình chính là kịch bản. Theo bà Minh Phương, mỗi năm Hãng Phim hoạt hình VN cũng tổ chức hai trại sáng tác nhưng chỉ chọn được 6-7 kịch bản khả dĩ trong số cả trăm kịch bản để chuyển thành phim. Tuy nhiên, khi đi qua hội đồng duyệt phim ngắn thì cũng rơi rụng bớt, chỉ còn 3-4 kịch bản. “Chúng tôi cũng nỗ lực mời nhiều đối tượng, nhưng những người lớn tuổi có kinh nghiệm dựng kịch bản thì nội dung, ý tưởng quá cũ. Người trẻ có ý tưởng lại không biết cách triển khai” - bà Minh Phương phân trần.

Đâu là lối ra?

Vật vã trong cái áo chật của cơ chế, Hãng Phim hoạt hình VN thích nghi bằng cách làm phim theo đơn đặt hàng của các đơn vị khác, tổ chức các dịch vụ cho trẻ em vào dịp 1-6, Trung thu hay cận tết. Cách làm mà theo như tổng giám đốc hãng phim chia sẻ là để tăng thu nhập cho anh em nghệ sĩ khi ngoài lương, họ chẳng có đãi ngộ gì thêm. Và những giấc mơ về các bộ phim hoạt hình có thể sống được ở ngoài rạp cũng đành gác lại.

“Giữa một thành phố gần 7 triệu dân mà chỉ có vài khu nho nhỏ biết đến rạp chiếu phim hoạt hình. Trẻ con ở khu tôi chả biết tí gì về sự tồn tại của rạp cả. Ngày trước thì than không có rạp, nhưng bây giờ có rạp rồi thì phải có cách quảng bá chuyên nghiệp mới có thể len lỏi được giữa một thị trường phim nước ngoài với quá nhiều lựa chọn như hiện nay” - đạo diễn Hà Bắc nói.

Bản thân đạo diễn Hà Bắc cũng thừa nhận trong số 10 phim hoạt hình được sản xuất hằng năm chỉ có 2-3 phim khá, còn lại chất lượng làng nhàng. Những người trẻ cũng làm phim hoạt hình, hoặc đưa miễn phí lên mạng xã hội, hoặc xếp vào một góc vì thiếu công nghệ lăngxê. “Phim hoạt hình VN không đến nỗi tệ so với các nước trong khu vực, kể cả Indonesia, Singapore. Tuy nhiên, khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ em, không quay lưng với họ. Đơn giản chỉ vì cách làm thôi, họ được làm xã hội hóa, được sản xuất, được phát hành” - ông Bắc nói.

Cũng như nhiều người làm điện ảnh khác, câu chuyện đầu tiên và cuối cùng mà đạo diễn Hà Bắc nhắc đến chính là việc phải thay đổi cơ chế. Chỉ có thay đổi mới có thể trị dứt những căn bệnh trầm kha của hoạt hình VN. “Nhiều đạo diễn bây giờ cứ làm phim cho đủ, phim hay dở gì cũng cứ ra. Đây là lối sản xuất tập thể. Còn nếu tư nhân làm, họ quản lý rất chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phát hành. Nhưng tại sao sau khi thử nghiệm vài lần, tư nhân cũng ngoảnh mặt với phim hoạt hình?”.

Nhưng yên ổn trong cơ chế, sẽ có bao người dám giã từ lối sản xuất tập thể để bước qua vùng mù của phim hoạt hình? Bởi một khi càng ra ánh sáng, càng lộ nhiều vết sẹo!

Trình chiếu 56 bộ phim tại rạp Thánh Gióng

SFW5BZQU.jpgPhóng to
Ảnh trong phim 3D Đuôi của thằn lằn (đạo diễn Trịnh Lâm Tùng) được chiếu tại rạp Thánh Gióng trong mùa phim hè 2014

Mùa phim hè 2014 tại rạp Thánh Gióng sẽ trình chiếu 56 bộ phim hoạt hình thuộc các thể loại: hoạt họa, cắt giấy vi tính, 3D... vào mỗi thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, mỗi ngày có ba suất chiếu. Với số lượng này, ba suất chiếu trong một ngày sẽ không có bộ phim nào trùng lặp. Ngoài suất chiếu miễn phí ngày khai mạc, giá vé vào rạp là 30.000 đồng/người. Tuy nhiên, với mỗi vé xem phim 30.000 đồng sẽ được kèm thêm một người lớn xem phim miễn phí.

Biết nghe ai?

Về việc quảng bá phim hoạt hình trên sóng VTV, bà Minh Phương cho biết: “Bộ VH-TT&DL từng làm việc với VTV nhưng họ từ chối chiếu phim hoạt hình của chúng tôi. Không tham gia cuộc làm việc đó nên chúng tôi cũng không biết lý do thật sự. Chắc là do thời lượng hạn chế, họ phải dành cho những chương trình có quảng cáo, còn phim hoạt hình mà kêu gọi quảng cáo thì cũng rất khó”. Tuy nhiên chiều 13-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Nam (trưởng ban thư ký biên tập Đài truyền hình VN) khẳng định: VTV rất cần phim hoạt hình để chiếu. VTV cũng có bộ phận sản xuất phim hoạt hình nhưng thật sự không đủ để chiếu trên sóng. Nếu hãng phim có ý định phát hành phim hoạt hình VN qua kênh của VTV thì quá tốt, không có vấn đề gì cả.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

“Mùa hi vọng” của phim hoạt hìnhĐã từng khát khao, đã từng hăm hởPhim hoạt hình Việt: le lói lạc quanPhim hoạt hình Việt: làm chẳng ít nhưng chiếu chẳng bao nhiêuXem phim hoạt hình trên thiết bị di động

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên