Vùng lõi di sản Hoàng thành Thăng Long đã trở thành một công trường xây dựng ngổn ngang (ảnh chụp từ khu A-B 18 Hoàng Diệu ngày 19-7) - Ảnh: Hà Hương |
Nhà khoa học của ba hội: Khoa học lịch sử VN, Di sản văn hóa VN, Khảo cổ học VN vừa cùng ký tên vào bản kiến nghị khẩn cấp gửi Chính phủ về việc bảo vệ di sản thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Theo các nhà khoa học, “vi phạm rất nghiêm trọng”, “di tích bị xâm hại”, “hố khảo cổ bị ngập nước” là những thực trạng đang diễn ra tại di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Các nhà khoa học khẳng định khu C-D thuộc khu di sản sau khi bàn giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình đã không có sự giám sát của cơ quan bảo tồn, “từ đó dẫn tới việc các cơ quan xây dựng bừa bãi, bất chấp các quy định của Nhà nước về công tác bảo tồn”.
"Vì trách nhiệm bảo tồn một di sản thế giới tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội và của cả dân tộc, chúng tôi khẩn thiết kiến nghị Chính phủ, các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm và có sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời để chấm dứt những vi phạm đối với di sản. Theo chúng tôi, nếu không khắc phục được khẩn cấp và có hiệu quả, chắc chắn khu di sản sẽ bị Unesco cảnh báo và có nguy cơ bị rút khỏi danh sách di sản thế giới" |
Các nhà khoa học cảnh báo trong kiến nghị |
“Hậu quả tai hại”
Khảo sát của các nhà khoa học ngày 15-7 cho thấy: “Các hố khảo cổ bị ngập nước, thành hố bị xói lở, các di tích trong lòng hố bị xâm hại cực kỳ nghiêm trọng. Công nhân xây dựng tự do ra vào trong khu di sản, quanh các hố khảo cổ trong điều kiện không có cán bộ bảo tồn giám sát nên không tránh khỏi những va chạm làm một số di tích, di vật trong các hố khảo cổ bị xê dịch và có thể mất mát. Nhiều hố khảo cổ bị rác, vật liệu xây dựng vứt ném bừa bãi, làm hỏng các di sản khảo cổ đã xuất lộ”. Bản kiến nghị đánh giá những hiện tượng trên đã “vi phạm cực kỳ nghiêm trọng Luật di sản văn hóa và Công ước quốc tế về bảo vệ di sản thế giới của Unesco.
Đây là “hậu quả tai hại” của việc sau khi giao khu C-D cho ban quản lý dự án thì Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội gần như bị vô hiệu hóa, cán bộ ra vào tác nghiệp phải xin phép và gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, theo đánh giá bộ phận của di sản khảo cổ nằm dưới con đường cứu hỏa cho nhà Quốc hội đã bị phá hủy nghiêm trọng. Cụ thể, “tại khu vực giáp ranh giữa nhà Quốc hội và khu di sản đã xây dựng xong phần lớn các thành phần của con đường cứu hỏa với một bức tường bằng bêtông cốt thép nằm trong phạm vi di sản...”.
Chưa hết, “toàn bộ khu khảo cổ C-D đã biến thành công trường xây dựng vô cùng ngổn ngang với những container, vật liệu xây dựng, phế thải, xe máy, nhà ở của công nhân và đặc biệt phản cảm là một dãy nhà vệ sinh công cộng đặt ngay trên mặt bằng của di sản thế giới”.
Trước tình hình khẩn cấp đó, ba hội đã đồng loạt kiến nghị Chính phủ cần “xem xét cử đoàn thanh tra, đánh giá tình hình xây dựng vi phạm Luật di sản văn hóa tại khu di sản, đánh giá nguyên nhân để xảy ra tình trạng đáng tiếc tại khu C-D”.
Tuy nhiên theo các nhà khoa học, trước mắt cần phải tiến hành cứu nguy các hố khai quật bị ngập nước và bị hư hỏng, nghiên cứu và thực hiện biện pháp lấp cát bảo tồn di tích trong lòng đất. Ngoài ra, “ban quản lý dự án phải chịu sự giám sát của cơ quan bảo tồn, phải thu dọn ngay những nhà ở của công nhân, nhà vệ sinh công cộng và tất cả tình trạng bừa bãi hiện nay, trả lại mặt bằng của khu di sản”.
Vi phạm luật pháp quốc gia và quốc tế
Trước đó, tại cuộc họp hội đồng tư vấn ngày 17-2-2014, theo trình bày của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình, để hoàn thiện công trình nhà Quốc hội cần có con đường cứu hỏa giáp với khu di sản đã được Unesco công nhận là di sản thế giới.
Theo đó, diện tích lấn sang khu di sản khoảng 450m2. Hội đồng tư vấn khoa học của UBND TP Hà Nội, trong đó có đại diện ba hội, đã kịch liệt phản đối nhưng “chúng tôi rất ngạc nhiên là một bản thiết kế vi phạm pháp luật quốc gia và quốc tế như vậy lại được phê duyệt” - bản kiến nghị ký ngày 18-7 nói rõ.
Bản kiến nghị cũng nói thêm: “Tuy nhiên, do yêu cầu khẩn trương hoàn thành xây dựng nhà Quốc hội, hội đồng tư vấn khoa học đã đưa ra một giải pháp dung hòa là thiết kế xây dựng một ranh giới mềm giữa nhà Quốc hội và khu di sản, phần trên rải cỏ với điều kiện khi thi công đơn vị xây dựng không được đào sâu vào lòng đất vượt quá 1m để không xâm hại di sản. Mặt khác, hội đồng cũng yêu cầu khi thi công các hạng mục của hạ tầng kỹ thuật tại khu vực C-D, các đơn vị liên quan phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật di sản văn hóa và chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý di sản với yêu cầu bảo vệ an toàn tuyệt đối khu di sản”.
Với thực tế được các nhà khoa học ghi nhận tại cuộc khảo sát ngày 15-7 thì tất cả cam kết này đã không được thực hiện. Một nhà khoa học bức xúc: “Đây là khu lõi của di sản, Việt Nam đã xếp là di tích quốc gia đặc biệt, Unesco đã công nhận di sản thế giới. Có nghĩa đây là nơi bất khả xâm phạm. Nhưng giao khu lõi cho một cơ quan xây dựng là một sai lầm và cuối cùng đã dẫn đến những hậu quả lớn như chúng ta vừa thấy”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận