04/05/2013 08:54 GMT+7

Hoãn phóng vệ tinh viễn thám đầu tiên của VN

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - 8g50 phút, GS Châu Văn Minh - chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam - thông báo do gió quá to, thời tiết không thuận lợi nên lịch phóng vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam sẽ hoãn lại vào ngày mai (5-5) theo giờ Việt Nam.

Phóng vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của VN

BiVXWftz.jpgPhóng to
Quá trình lắp ráp vệ tinh VNREDSat-1 tại xưởng chế tạo (Ảnh: Ban quản lý dự án vệ tinh nhỏ- Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cung cấp)
wMe9qiNH.jpgPhóng to
Vệ tinh VNREDSat-1 tại Trung tâm thử nghiệm của sân bay vũ trụ Kourou, Guyana thuộc Pháp trước khi được lắp đặt vào khoang chở hàng trên tên lửa đẩy VEGA (Ảnh: Ban quản lý dự án vệ tinh nhỏ - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cung cấp)

Trước đó, dự kiến 9 giờ 6 phút 31 giây giờ Hà Nội sẽ là thời khắc lịch sử của công nghệ vũ trụ Việt Nam khi vệ tinh viễn thám đầu tiên thuộc quyền sở hữu của Việt Nam được phóng lên vũ trụ.

Tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, buổi truyền hình trực tiếp sự kiện đặc biệt này sẽ bắt đầu từ khoảng 9g, nhưng ngay từ 8g đông đảo các nhà khoa học và những người yêu khoa học vũ trụ đã có mặt tại Hội trường lớn của viện để chờ đón sự kiện này.

Những video clip cập nhật hành trình chế tạo vệ tinh viễn thám, cùng những ấp ủ, khát khao của các nhà khoa học được trình chiếu trong thời gian chờ đợi đã làm nóng không gian của hội trường. Theo các nhà khoa học, hiện tại để mua ảnh vệ tinh, Việt Nam không còn cách nào khác phải đặt hàng từ nước ngoài, chờ đợi và phải chi trả số tiền lên đến 40-100 triệu đồng/ảnh. Tuy nhiên, nếu VNREDSat-1 được phóng thành công, Việt Nam sẽ nắm được cơ hội chủ động được ảnh cả về thời gian, khu vực chụp, đồng thời giảm hẳn việc mua ảnh vệ tinh của nước ngoài với giá đắt.

Đề cập đến những bước chuẩn bị kiên trì cho dự án vệ tinh VNREDSat-1 cùng thành quả đặc biệt về nguồn lực khoa học kỹ thuật cao có được từ dự án, TS Bùi Trọng Tuyên, trưởng Ban quản lý Dự án vệ tinh nhỏ - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, cho biết trong khuôn khổ của dự án, 15 kỹ sư đã được cử sang học tập tại Toulouse, CH Pháp, để thực hiện hai nhiệm vụ chính là làm chủ quá trình điều khiển, khai thác vệ tinh và bước đầu tiếp cận với các công đoạn thiết kế, chế tạo vệ tinh. Họ được thực tập 1-1,5 năm tùy vị trí công tác và tất cả đã hoàn thành xuất sắc đợt đào tạo này.

Bên cạnh đó, năm kỹ sư vận hành hệ thống thu nhận và xử lý tín hiệu ảnh tại Trung tâm Viễn thám Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng đã tham gia một khóa đào tạo nâng cao ngắn hạn tại Pháp. Về Việt Nam, nhóm kỹ sư này tiếp tục được các chuyên gia của Pháp tập huấn và đến nay hoàn toàn có khả năng đảm nhận việc điều khiển và vận hành khai thác vệ tinh sau khi phóng vào quỹ đạo.

Dự án VNREDSat-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu Euro bằng nguồn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Pháp và có 64.820 triệu đồng từ nguồn vốn đối ứng của Việt Nam. Vệ tinh VNREDSat-1 được thiết kế và tư vấn bới Công ty Astrium SAS thuộc Tập đoàn Hàng không vũ trụ quốc phòng châu Âu (EADS) chuyên sản xuất vệ tinh của Pháp.

Sau khi thực hiện thành công dự án, Việt Nam sẽ chủ động cung cấp ảnh vệ tinh độ phân giải cao cho các Bộ, ngành và các tỉnh thành có nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám, mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với thảm hoạ thiên nhiên và biến đổi khí hậu.

Dự án VNREDSat-1 là sự phối kết hợp để tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có của Hệ thống thu nhận, lưu trữ và xử lý ảnh các vệ tinh viễn thám của Bộ Tài nguyên Môi trường, nhằm tạo ra một hệ thống giám sát hoàn chỉnh, độc lập từ vệ tinh đến trạm thu mặt đất và trung tâm xử lý phân phối dữ liệu ảnh viễn thám tại Việt Nam.

Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quang học quan sát Trái đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất. Nhiệm vụ của nó là chụp ảnh ở kênh toàn sắc (PAN) và 4 kênh đa phổ (MS) với thời gian chụp lặp lại là 3 ngày. Vệ tinh có quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO), độ cao là 680 km. Độ phân giải mặt đất là 2,5m (PAN) và 10m (MS). Vệ tinh có kích thước 600mm x 570mm x 500mm và nặng khoảng 120kg. Tuổi thọ theo thiết kế là 5 năm.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên