Sáng 3-8, tại hội trường báo Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) đã diễn ra buổi giao lưu với hòa thượng Thích Thiện Bảo, tác giả bộ sách Quăng đời mình vào chốn thiền môn.
Tại buổi gặp gỡ với độc giả, hòa thượng Thích Thiện Bảo chia sẻ với bạn đọc về nhân duyên viết bộ sách, những nội dung nổi bật trong các tập sách đã được xuất bản.
Có những chuyến phà chở người mang theo nỗi khổ niềm đau
Những chuyến phà qua sông là tác phẩm mới nhất của hòa thượng Thích Thiện Bảo trong bộ sách Quăng đời mình vào chốn thiền môn.
Từ chuyến phà thực tế nơi dòng sông của quê hương, hòa thượng liên hệ đến một "chuyến phà" khác để đưa chúng sanh đến bến bờ được soi rọi và sáng tỏ hơn qua giáo lý của đạo Phật.
Trong những chuyến du hành, có không ít lần hòa thượng Thích Thiện Bảo chứng kiến và trăn trở về những điều kiện còn thiếu thốn, khó khăn nơi nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Người dân chưa có nhiều cơ hội để đến chùa tu tập và tiếp nhận những giá trị sống tốt đẹp trong giáo lý của đạo Phật.
Hòa thượng viết Những chuyến phà qua sông với niềm mong mỏi rằng dù là nhỏ nhoi nhưng cũng có thể đưa những người chưa hiểu về Phật pháp, chưa biết tu tập đến với đạo Phật, để rồi nhìn và hiểu đạo Phật với một tinh thần khác.
"Từng chuyến phà qua sông, chở theo bao con người cùng với bao ước nguyện. Có những ước nguyện nho nhỏ cho bản thân mình và có những ước nguyện phụng sự cho cuộc đời được tốt đẹp hơn…
Có những chuyến phà chở những người mang theo nỗi khổ niềm đau và họ tới chùa để khóc với Phật vì không biết khóc với ai...
Cổng chùa Bửu Thọ rộng mở với tất cả, không phân biệt. Tất cả cùng ngồi xuống bên nhau trong chánh điện, cùng nhìn lên Đức Phật từ bi và cùng lắng nghe lời dạy của Người truyền lại từ hơn hai ngàn năm trăm năm về giáo lý Tứ Diệu đế…”, hòa thượng Thích Thiện Bảo viết trong tập sách.
Má tôi là vị hộ pháp vĩ đại!
Gắn liền với đời sống tu tập của hòa thượng Thích Thiện Bảo là người má tảo tần nhưng vô cùng thương con. Hòa thượng đã lấy một câu nói xin phép má khi bước chân vào con đường tu hành để làm tựa cho cuốn đầu tiên trong bộ sách. Đó là cuốn Cho con đi tu nghen má, viết trong khoảng gần 10 năm.
"Tôi sinh ra trong gia đình có ba anh em. Cha tôi mất sớm, anh chị tôi ở xa, tôi chỉ còn có má. Khi còn là một đứa con nít 12 tuổi bước chân vào chùa, tôi đã cảm thấy mình gắn bó với tiếng tụng kinh, với những giáo lý Phật pháp..." - hòa thượng Thích Thiện Bảo nhớ lại.
Lúc ấy, vị sư trong chùa nói với hòa thượng: "Nếu muốn đi tu thì về xin má đi, rồi vào đây cạo đầu đi tu".
"Tôi về xin phép má: Má ơi! Cho con đi tu nghen má! Lúc đó, má buồn nhưng rồi bà cũng ủng hộ.
Con đường đi của người tu trải qua bao gập ghềnh, sự tu tập không đơn giản bởi còn nhiều chuyện "nghịch lưu", ngược dòng.
Khó khăn là thế nhưng từ lúc tôi bước chân lên chùa, chưa bao giờ má kêu về nhà đi, đừng đi theo con đường tu hành nữa.
Tôi tự hào khi có má làm má tôi. Tôi rất thích câu nói: Mẹ là vị hộ pháp vĩ đại. Nếu không có má thì sẽ không có tôi" - hòa thượng tâm tình với độc giả.
Với lời mở đầu trong sách Cho con đi tu nghen má, hòa thượng Thích Thiện Bảo viết như lời tri ân má:
"Tôi sinh ra vào mùa gặt, cũng là mùa nước lũ. Người dân quê tôi dầm mình trong nước để gặt lúa chạy mưa với ông trời. Nước ngập trắng đồng và nước tràn vô nhà…
Ba tôi phải kết bè chuối lấy chỗ đặt để thau than hong cho má con tôi. Quê tôi vùng sông nước có nhiều đứa nhỏ vừa mở mắt chào đời đã gặp ngay lũ lụt như điềm báo trước cuộc đời vất vả nổi trôi…
Nhưng tôi may mắn được gặp ánh sáng Phật pháp soi sáng nên vất vả thế gian chuyển hóa thành những bài học giúp tôi ngày một vững vàng hơn trên bước đường tu.
Và may mắn nữa là tôi có má…".
Quăng đời mình vào chốn thiền môn đã ra mắt tập thứ 4 với chủ đề Những chuyến phà qua sông. Ba tập trước của bộ sách gồm: Cho con đi tu nghen má, Hành trình cùng báo Giác Ngộ, Chùa Việt trong tâm người xa xứ.
Hòa thượng Thích Thiện Bảo công tác tại báo Giác Ngộ từ năm 1986, từng đảm nhiệm thư ký tòa soạn, phó tổng biên tập kiêm thư ký tòa soạn.
Hòa thượng nghỉ hưu từ năm 2013. Hơn 10 năm qua, ngoài tu tập, hòa thượng dành thời gian cho công tác hoằng pháp ở châu Âu cùng Phật sự hướng dẫn đạo tràng tu học tại ngôi chùa Bửu Thọ ở quê Kiên Giang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận