Phóng to |
Họa sĩ Thuận Hồ- Ảnh: DNSGCT |
Với ông, dường như đây là nguồn cảm hứng xuyên suốt không bao giờ cạn, dẫn dắt ông đi trọn con đường hội họa mà ông đã say mê theo đuổi từ thuở thanh xuân cho đến lúc bạc đầu.
Họa sĩ chân quê
Nếu so sánh, dù không thật hoàn chỉnh với họa sĩ cùng thời ông là Bùi Xuân Phái - người đã tạo nên phong cách “phố Phái” bằng tình yêu Hà Nội như máu thịt, thì ở miền Nam có Thuận Hồ - người nâng niu từng nét quê dung dị, hữu tình.
Giống như hành trình cuộc đời mình, tranh của Thuận Hồ cũng theo bước chân ông từ miền quê ra thành thị. Chỉ hai chữ tình quê mà miên man cảm xúc, từ những cánh đồng mùa gặt hái, cô thôn nữ bên cầu ao, một làn khói bếp tỏa lên từ mái nhà, phảng phất nét xưa qua tranh Kiều, đến những góc phố Sài Gòn của thế kỷ trước như Đồng Khởi, khu Chợ Lớn, chùa Tàu, cô gái Sài Gòn áo dài thướt tha qua phố… Mỗi bức tranh đó lay động được người xem, tạo được sự đồng cảm bởi họa sĩ Thuận Hồ đã truyền được cảm xúc vào tác phẩm của mình. Trong suốt cuộc đời cầm cọ, ông có quyền tự hào vì đã làm được điều đó.
Có người nói họa sĩ Thuận Hồ vẽ tranh bằng ký ức quả không sai. Nếu công phu lật tìm đầy đủ những mảng tranh của ông mới thấy chúng còn có giá trị như một chứng nhân lịch sử, ghi lại những biến đổi của thời cuộc, những phận người bằng lòng yêu thương, trân trọng.
Phóng to |
Bức tranh sơn dầu Tổ đan len của Thuận Hồ- Ảnh: DNSGCT |
Buổi chiều một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến thăm ông tại tư gia ở đường Phan Văn Hân (Bình Thạnh). Trên tường phòng khách treo vài bức tranh sơn dầu cảnh miền quê, tĩnh vật, thiếu nữ… Số tranh còn lại được ông chất đầy trên kệ, có đến hơn hàng trăm bức. Chị con gái út của ông, người tiếp chúng tôi nói: “Ba tôi vẽ nhiều tranh lắm, đã bán hết rồi, do khách đến nhà hoặc mua qua các cuộc triển lãm. Có khách ở nước ngoài mua một lần vài chục bức. Những năm sau này, do tuổi cao, ba tôi vẽ ít đi, hiện chỉ còn giữ lại bao nhiêu đây thôi”.
Tuổi già nên trông ông hom hem, đôi mắt nhìn xa xăm, nhưng khi nói về hội họa, lão họa sĩ bỗng trở nên linh hoạt, “thần thái” hẳn ra. Ông móm mém cười, đuôi mắt giãn ra chứa đầy niềm vui khi nhắc lại chuyện chàng thủ khoa khóa 1941 Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định, chuyện có biệt hiệu “ông vua bột màu”…
Cứ thế, những hồi ức lần lượt theo ông hiện về, mộc mạc, trong sáng. Có lúc ông nhíu mày suy nghĩ để nhớ lại từng tên bạn bè cùng niên khóa, kỷ niệm về từng bức tranh… Có thứ không nhớ ra, ông xua xua bàn tay, cười “Không nhớ hết!”. Ông nhớ kỹ tên sáu người bạn cùng học khóa thứ nhất Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định, đều là những họa sĩ tên tuổi, giờ đây đã có người rời cõi tạm (là các họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, Ngô Văn Hoa, Thái Văn Ngôn, Lê Vinh, Huỳnh Văn Phụng…), nhưng không nhớ được đã triển lãm tranh bao nhiêu lần, đạt được bao nhiêu giải thưởng, đã vẽ bao nhiêu bức tranh…
Sống trọn với tình yêu hội họa
Sinh ra trong gia đình không có ai làm nghệ thuật, nhưng chàng trai Hồ Tấn Thuận lại có năng khiếu và yêu thích hội họa. Hồi đầu những năm 1940, chỉ có Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định được Chính phủ Pháp bảo trợ giảng dạy mỹ thuật và tuyển sinh rất gắt gao. Khóa đầu tiên tốt nghiệp năm 1941 chỉ có bảy người, và thủ khoa chính là chàng trai xuất thân từ nông dân Hồ Tấn Thuận.
Ngay khi ra trường, họa sĩ Thuận Hồ đã tham gia triển lãm chung với nhiều họa sĩ bằng loạt tranh bột màu rất ấn tượng, được nhiều người yêu thích và đánh giá cao, và ưu ái đặt cho Thuận Hồ biệt danh “ông vua bột màu”. Tuy vẽ tốt tranh bột màu, tranh lụa, nhưng sau đó họa sĩ Thuận Hồ chuyển sang dòng tranh sơn dầu.
Ông lý giải: “Vì chất liệu sơn dầu phù hợp hơn với các chủ đề phong cảnh, và nhất là tính bền với thời gian”. Sau đó, ông còn đoạt các giải thưởng lớn trong các cuộc thi về mỹ thuật như giải nhất về thủy thái và bột màu trong Đại hội Mỹ thuật do Pháp Văn Đồng Minh Hội tổ chức tại Sài Gòn năm 1955, giải nhất về tranh sơn dầu năm 1959… Từ năm 1944 cho đến năm 1960, tranh của họa sĩ Thuận Hồ được chọn để trao đổi văn hóa với các nước Nhật, Ý, Malaysia, Mỹ…
Phóng to |
Tác phẩm Cảnh Lăng Ông- Ảnh: DNSGCT |
Bằng bút pháp tả thực giản dị, dễ hiểu, tranh của ông luôn gợi lên cảm giác bình yên, vui vẻ, giúp người xem tìm được chút hoài niệm về tuổi thơ, về một miền quê thân thương, về những khoảnh khắc rất đỗi bình thường trong cuộc sống mà đôi khi chẳng ai để ý để rồi bất chợt thú vị thấy qua tranh. Ông có biệt tài tái hiện ký ức một cách sống động, duyên dáng. Chẳng thế mà khách yêu tranh, mua tranh của ông thường là những người từng sống ở Sài Gòn xưa, Việt kiều, người Pháp, Mỹ... Có lẽ trên bước đường rong ruổi, họ muốn tìm lại những kỷ niệm nơi họ đã sống, đã dừng chân mà người họa sĩ đã lưu giữ giúp họ qua tranh.
Hỏi ông có quan tâm đến thị trường tranh, ông đáp:“Tôi chỉ vẽ theo cảm xúc của mình chứ không chạy theo ý thích của thị trường. Ai đã biết đến tranh của Thuận Hồ từ mấy mươi năm trước đến bây giờ vẫn thấy thế, chẳng có gì thay đổi”. Từ khi tuổi cao, sức khỏe không cho phép đi thực tế sáng tác, hàng ngày ông vẫn ngồi nhà miệt mài bên giá vẽ, cẩn thận cầm cọ. Dường như vẽ chính là liều thuốc khỏe cho ông!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận