Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt bên bức chân dung Mặt người - Ảnh: MAI THỤY
Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt sinh ra ở Thái Lan. Cha mẹ ông là người Việt nhưng đã di cư sang Thái Lan từ năm 1945 để lập nghiệp sau khi nhà cửa bị giặc Pháp tàn phá. Cái tên Nguyễn Xuân Việt đã được đặt trong một nỗi nhung nhớ cố hương xen lẫn ước mơ thầm kín của gia đình.
Một mình quay trở lại Việt Nam năm 13 tuổi, Nguyễn Xuân Việt đi lính, học vẽ rồi trở thành học trò chân truyền của danh họa Nguyễn Gia Trí trong suốt 17 năm.
Là con trai trưởng của một gia đình 8 anh em nheo nhóc, Nguyễn Xuân Việt đã phải rất dũng cảm để bước theo nghề vẽ. "Ngày đầu tiên đến nhà họa sĩ Nguyễn Gia Trí để theo học, vợ cụ, bà Nguyễn Thị Kim, đã nói với tôi rằng ‘học làm gì cái nghề chết đói này!’. Tôi biết câu nói đó đau lắm, đau cho chồng bà mà cũng đau cho chính tôi nữa, một thanh niên mới hai mươi mấy tuổi đầu" - họa sĩ Nguyễn Xuân Việt nhớ lại.
Vậy mà ông vẫn theo nghề, bám trụ với sơn mài truyền thống đến tận hôm nay. Theo học họa sĩ Nguyễn Gia Trí, ông Nguyễn Xuân Việt đã được thụ đắc cả kỹ thuật vẽ lẫn những quan điểm về hội họa và sự sáng tạo. Tinh thần dân tộc thấm đẫm tình yêu giống nòi của họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẫn có thể được bắt gặp trong màu sắc trữ tình của Nguyễn Xuân Việt và trong những chủ đề quê hương dung dị.
Tác phẩm Hoa sen đêm trăng của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt
Sinh ra ở Thái Lan và đi đi về về giữa hai đất nước, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt đã kết tinh văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên ở cả hai vùng đất vào tranh mình.
Ông thích vẽ sen trắng, những ngôi nhà đậm hồn phố xá Hà Nội, chân dung người Khmer và ông cũng tìm thấy tâm tình bình yên ở những đền đài cổ.
Tác phẩm Người Khmer đi chợ của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt
Vợ ông, họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga là một người chuyên vẽ lụa. Bà tự học và được chồng hướng dẫn, không thông qua trường lớp.
Tranh của họa sĩ Bích Nga mang âm hưởng của danh họa Nguyễn Phan Chánh, gợi về hình ảnh nông thôn Việt Nam yên bình hoặc những tĩnh vật hoa, lá thanh thoát.
Tác phẩm Trẻ con chơi của họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga
Từ ngày 8 đến 22-1, hai vợ chồng họa sĩ Nguyễn Xuân Việt mở triển lãm đôi mang tên Hồn thơ lụa - sơn mài tại phòng tranh Bình Minh (29A Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP.HCM) với 40 tranh được trưng bày.
Tham dự triển lãm, khán giả cũng được thưởng thức những tác phẩm hiếm của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt thuộc sở hữu của nhà sưu tập Trương Văn Thuận.
Truyền nghề sơn mài sang các nước bạn
Không chỉ dừng lại ở vẽ tranh, Nguyễn Xuân Việt còn truyền nghề sơn mài sang các nước bạn. Càng tự hào về sơn mài truyền thống, ông càng muốn nhiều người nước ngoài biết đến một chất liệu mỹ thuật độc đáo của quê hương. Cách đây không lâu, họa sĩ đã có chuyến thỉnh giảng tại Đại học Silpakorn ở Bangkok, Thái Lan.
"Người nước ngoài rất muốn học sơn mài Việt Nam vì họ thấy được vẻ đẹp của chúng trong các tác phẩm. Tôi đã từng dạy nhiều người Thái Lan, Trung Quốc… nhưng tiếc là không ai theo nghề được cũng bởi kỹ thuật sơn mài đòi hỏi sự nhẫn nại rất lớn, học chục năm chưa chắc thuần thục" - ông chia sẻ.
Điều đáng mừng là các nước trong khu vực vẫn luôn dành sự chú ý, ngưỡng mộ cho nghệ thuật sơn mài nước ta.
Cùng thưởng thức một số tác phẩm trong triển lãm:
Tác phẩm Trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt
Tác phẩm Trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt
Tác phẩm Tĩnh vật của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt
Tác phẩm Phố Tô Lịch của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt
Tác phẩm Trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt
Tác phẩm Phố Hàng Mành của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt
Tác phẩm Ngõ Phát Lộc của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt
Tác phẩm Cây Bồ đề của họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga
Tác phẩm Hoa của họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga
Tác phẩm Hoa của họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận