19/09/2011 09:50 GMT+7

Hòa nhạc ngày càng bán được vé

HƯƠNG GIANG - HÀ HƯƠNG
HƯƠNG GIANG - HÀ HƯƠNG

TT - Tetsuji Honna, giám đốc âm nhạc kiêm chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO), vừa được trao tặng giải thưởng của ngoại trưởng Nhật Bản vì những đóng góp cho giao lưu văn hóa Việt - Nhật.

flHqYoWg.jpgPhóng to

“Tôi yêu thích con người, ẩm thực, phong cảnh nơi đây. Mỗi khi ở Việt Nam, tôi đều cảm thấy như được trở về nhà” - Tetsuji Honna nói về mảnh đất đã níu chân ông suốt mười năm qua - Ảnh: Gia Tiến

Ông Tetsuji Honna cho biết:

Chỉ huy nhiều dàn nhạc

Tetsuji Honna từng giành giải 2 trong cuộc thi Chỉ huy quốc tế Tokyo năm 1985 và giải 2 trong cuộc thi Chỉ huy quốc tế Arturo Toscanini ở Parma (Ý) năm 1990.

Ông đã chỉ huy nhiều dàn nhạc khác nhau như Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Hungary, Dàn nhạc giao hưởng Slovenia... và giữ vị trí chỉ huy chính của nhiều dàn nhạc giao hưởng tại Nhật Bản.

Ông cũng đã làm việc với những nghệ sĩ solo hàng đầu thế giới (Martha Argerich, Elisabeth Leonskaja, Antonio Meneses, Cecile Licade...) và ra nhiều đĩa ghi âm với các dàn nhạc giao hưởng khác nhau.

- Cơ duyên của tôi với VN bắt đầu từ năm 2000 khi tôi thực hiện chuyến lưu diễn Toyota Classic ở tám nước châu Á cùng dàn nhạc Nagoya Philharmonic, trong đó có Hà Nội. Ngay sau đó, ông Ngô Hoàng Quân - giám đốc VNSO - đến gặp tôi ở phòng thay đồ và nói: “Hãy giúp chúng tôi!”. Ông ấy đề nghị tôi giúp trong việc giảng dạy và chỉ huy ở VNSO. Thế là tôi bắt tay vào dự án nâng cấp VNSO với vai trò là cố vấn âm nhạc và chỉ huy.

Hợp đồng đầu tiên có hiệu lực đến năm 2005 với mục tiêu là đưa VNSO lên tầm ASEAN; và hợp đồng ký năm 2005 thì đặt mục tiêu đưa VNSO lên tầm cỡ thế giới vào năm 2010! Đó là những mục tiêu vô cùng tham vọng và khó trở thành hiện thực trong thời gian ngắn như vậy. Tôi rất ngạc nhiên nhưng vẫn tiếp tục nhận lời vì tôi cảm nhận VNSO thật sự muốn cải tiến.

Tôi bắt đầu đưa những nhạc công giỏi từ khắp nơi tới VN để chơi nhạc và dạy nhạc. Mỗi dịp đi công tác hay gặp gỡ đồng nghiệp ở những nước khác, tôi đều kể với họ về VN và mời họ sang. Nhiều người bắt đầu quan tâm, thậm chí một số người còn sang đây làm việc miễn phí một thời gian. Hầu hết trong số đó đều nói rằng họ muốn trở lại VN.

* Liệu có phải họ ấn tượng trước chất lượng của dàn nhạc?

- Không (cười). Là do họ có những cảm nhận tốt đẹp về Hà Nội, về các nhạc công của VN.

* Giao hưởng VN đã đến gần hơn với công chúng và hòa nhập với đời sống âm nhạc đương đại. Ngày nay, không ít người đã chịu bỏ tiền mua vé nghe giao hưởng thay vì chỉ quen nghe miễn phí. Ông nghĩ sao về điều này?

- Chúng tôi đã làm nhiều cách khác nhau để kéo công chúng đến nhà hát. Ban đầu là biểu diễn những tác phẩm quen thuộc mà ai cũng biết của Johann Strauss, Leroy Anderson... Tôi nghĩ ai cũng thích những bản nhạc vui vẻ. Rồi chúng tôi bắt đầu tập những bản giao hưởng dài và khó hơn như của Gustav Mahler.

Tôi tin rằng sau này người VN sẽ yêu thích Mahler. Ban đầu, dàn nhạc gặp rất nhiều khó khăn khi tập chơi nhưng bây giờ đã chuyển sang thích thú rồi. Điều đó cũng sẽ giúp họ chơi ngày một tốt hơn.

Đương nhiên, bán được vé cho khán giả luôn là ước mơ của tất cả nhạc công. Lẽ ra việc trả tiền để đi nghe hòa nhạc phải là điều không phải bàn cãi, nhưng trước đây không mấy ai nghĩ thế. Thậm chí kể cả bây giờ, nhiều người quen gặp tôi vẫn hỏi xin vé miễn phí! Rất vui là hòa nhạc ngày càng bán được vé. Buổi biểu diễn tối 15 và 16-9 vừa qua cũng đã hết vé (cười).

* Với mười năm gắn bó, nếu so sánh một cách khách quan với các dàn nhạc giao hưởng khu vực và thế giới, VNSO đang đứng ở đâu?

- Khó có thể đánh giá vị trí của VNSO hiện nay so với khu vực và thế giới, nhưng tôi có thể khẳng định VNSO hôm nay tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Thậm chí khuôn mặt của các nhạc công cũng có sự thay đổi. Đó là những khuôn-mặt-nhạc-công. Họ cũng có nhiều hiểu biết về âm nhạc hơn, cho dù điều đó vẫn chưa đủ.

Có một điều khi tôi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... các thành viên của dàn nhạc không bao giờ đến muộn. Ở VN thì chuyện đó rất hay xảy ra, có lẽ là do hệ thống giao thông ở Hà Nội.

Tôi thấy các nhạc công VN rất tinh tế và có hồn nhưng họ còn thiếu nhiều kiến thức về âm nhạc. Chẳng hạn như các nhạc công ở Nhật Bản họ rất chuyên nghiệp, họ biết rõ cách thức chơi nhạc thế nào và hiểu biết cụ thể về từng giai đoạn lịch sử của từng nhà soạn nhạc.

Tôi nghĩ nếu các nhạc công VN nắm bắt nhiều chi tiết hơn, học hỏi kiến thức và rèn luyện kỹ năng nhiều hơn thì họ có thể trở thành một trong những dàn nhạc tốt nhất châu Á.

HƯƠNG GIANG - HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên