16/04/2020 11:49 GMT+7

Hóa đơn tăng bất thường, ngành điện nói gì?

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Nhiều người dân tiếp tục phản ảnh hóa đơn tiền điện tháng 3 tăng 'chóng mặt', có trường hợp tăng hơn 5,5 lần so với tháng trước. Tuy nhiên, ngành điện lực khẳng định không có sai sót trong ghi chỉ số điện và tính toán tiền điện của khách hàng.

Hóa đơn tăng bất thường, ngành điện nói gì? - Ảnh 1.

Nhân viên Công ty Điện lực Tân Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) lấy số liệu điện tiêu thụ hằng tháng của khách hàng thông qua phần mềm đo đếm từ xa - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Giải thích về việc tiền điện tăng bất thường, ngành điện lực cho rằng do miền Nam vào mùa nắng nóng gắt, trong khi người dân lại ở nhà theo cách ly chống dịch COVID-19 nên sử dụng điện nhiều.

Tôi thấy lạ ở chỗ trong tháng 3 chỉ còn mình tôi sống trong nhà, các thành viên khác đã về quê tránh dịch, không thể nào dùng điện nhiều đến vậy.

Bà Lê Thị Diễm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Tiền điện tăng "chóng mặt"

Ông Trần Viết Cường (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) phản ảnh ngày 13-4, gia đình ông nhận được hóa đơn tiền điện với chỉ số tiêu thụ điện năng tăng đến 5,51 lần so với tháng trước đó. Số tiền mà ông Cường phải trả của tháng 3 là 420.358 đồng, trong khi tháng trước chỉ hơn 80.000 đồng.

Khi nhận được thắc mắc của ông Cường, nhân viên ghi điện N.V.B. khẳng định mình ghi đúng, còn việc hóa đơn tiền điện tăng mạnh là do gia đình ông Cường sử dụng nhiều điện bởi thời tiết nắng nóng. 

Tuy nhiên, ông Cường khẳng định tiền điện tăng quá vô lý bởi gia đình ông đã tiết giảm sử dụng các thiết bị điện, thậm chí không dùng máy lạnh.

Tương tự, bà Lê Thị Diễm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết hóa đơn tháng 3 mà gia đình bà vừa thanh toán lên đến 1,2 triệu đồng, trong khi tháng trước chỉ phải trả 565.000 đồng. 

Theo bà Diễm, căn hộ của bà có một số sinh viên ở trọ, mọi khi chỉ trả tiền điện từ 600.000-900.000 đồng, nhưng tháng 2 giảm đột ngột và đến tháng 3 lại tăng mạnh.

"Tôi thấy lạ ở chỗ trong tháng 3 chỉ còn một mình tôi sống trong nhà, các thành viên khác đã về quê tránh dịch nhưng tiền điện lại cao bất thường như vậy" - bà Diễm nói. 

Ông M.L. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng nhận được hóa đơn tăng 2,2 lần dù đã có 9 ngày về quê. "Tháng 2 và tháng 3 không chênh lệch đến mức phải bật máy lạnh suốt ngày để tăng đến 2,2 lần, chưa kể là 1/3 tháng tôi không ở nhà" - ông L. nói.

Nếu khách hàng nghi ngờ đồng hồ điện chạy sai số, điện lực sẽ đến kiểm tra bằng điện kế mẫu tại nhà khách hàng. Nếu khách hàng vẫn chưa hài lòng, muốn đưa điện kế đến đơn vị độc lập để kiểm tra độ chính xác, điện lực sẽ tháo điện kế, cùng khách hàng niêm phong rồi đưa kiểm định độc lập

Ông Bùi Trung Kiên (phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM)

Ngành điện nói gì?

Ngay trong sáng 15-4, sau khi đến kiểm tra chỉ số điện của ông Trần Viết Cường, đoàn kiểm tra của Công ty Điện lực Tân Phú đã thừa nhận có việc nhân viên điện lực ghi sai chỉ số điện của kỳ ghi điện tháng 3, dẫn đến ông Cường phải trả tiền điện ở bậc lũy tiến cao hơn. 

Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết chỉ số điện ghi được ngày 13-4 là chính xác, việc tiêu thụ điện năng hằng tháng có biến động do khách mới mua nhà vào cuối tháng 1-2020.

Với trường hợp của bà Lê Thị Diễm, theo vị này, khách hàng sử dụng côngtơ điện tử, việc ghi chỉ số điện được thực hiện từ xa. Điện năng tiêu thụ điện từ ngày 4-3 đến 4-4 (31 ngày) là 463 kWh, tăng 81% so với tháng trước. 

"Trước khi phát hành hóa đơn, đơn vị đã xác minh lại và xác nhận chỉ số tiêu thụ điện là đúng", vị này khẳng định và cho biết khách hàng đề nghị kiểm chứng côngtơ vào ngày 16-4.

Cũng theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, sản lượng điện của ông M.L. tăng 120% so với tháng trước và Công ty Điện lực Gia Định đã xác minh lại chỉ số tiêu thụ điện là đúng trước khi phát hành hóa đơn. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn hẹn với khách hàng sẽ kiểm chứng côngtơ vào ngày 17-4.

"Việc tiền điện tăng cao do khu vực phía Nam hiện bước vào mùa nắng nóng gay gắt, người dân sử dụng nhiều thiết bị làm mát và việc cách ly xã hội khiến người dân ở nhà, sử dụng nhiều thiết bị điện hơn", Tổng công ty Điện lực TP.HCM khẳng định.

Ông Bùi Trung Kiên (phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM):

Nếu nghi ngờ, có thể mời kiểm tra độc lập

untitled-1 copy

Công tác ghi chỉ số tính hóa đơn tiền điện cho khách hàng khu vực TP.HCM được EVN HCMC thực hiện từ ngày 3 đến ngày 25 hằng tháng. Ngày ghi chỉ số này cố định hằng tháng, trừ trường hợp khách quan, bất khả kháng (thông báo trước cho khách hàng).

Như vậy, khi tính tiền điện kỳ hóa đơn tháng 4-2020, với khách hàng phiên 1 ghi nhận điện sử dụng của khách hàng từ ngày ngày 3-3 đến ngày 2-4 là 31 ngày (định mức được tính theo tháng 3 dương lịch là 31 ngày).

Nếu có trường hợp vì lý do bất khả kháng, việc tăng giảm số ngày cũng sẽ được tăng giảm định mức tương ứng tính theo ngày. Việc tính toán được lập trình sẵn trên chương trình máy tính, do đó đảm bảo không có sai sót và tính đúng cho khách hàng.

Cũng nói thêm là trước khi lắp đặt cho khách hàng, các điện kế đều được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phê duyệt mẫu theo quy định, đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, được kiểm định đạt chất lượng cấp giấy chứng nhận mới được đưa vào lắp đặt cho khách hàng.

Việc thay thế các điện kế được thực hiện theo lộ trình phù hợp, cho những điện kế đã hết niên hạn sử dụng lại và khách hàng không phải chịu chi phí. Điện kế đo xa sẽ đáp ứng từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Nếu khách hàng nghi ngờ đồng hồ điện chạy sai số, điện lực sẽ đến kiểm tra bằng điện kế mẫu tại nhà khách hàng.

Nếu khách hàng vẫn chưa hài lòng, muốn đưa điện kế đến đơn vị độc lập để kiểm tra độ chính xác, điện lực sẽ tháo điện kế, cùng khách hàng niêm phong rồi đưa kiểm định độc lập.

Nếu đồng hồ chạy sai, điện lực phải tính toán lại để bồi hoàn cho khách hàng và chịu chi phí kiểm định. Ngược lại, nếu đồng hồ chạy đúng, khách hàng chịu chi phí kiểm định. Chi phí kiểm định từ khoảng 65.000-650.000 đồng tùy theo loại điện kế.

LÊ PHAN ghi

Có thể tra cứu, kiểm tra hóa đơn tiền điện

Từ tháng 3-2020, EVN đã áp dụng hóa đơn tiền điện mẫu mới, thống nhất toàn quốc. Trên hóa đơn có những thông tin cụ thể về tình hình sử dụng điện của tháng đó và có so sánh với các tháng liền kề cũng như các tháng cùng kỳ của năm trước.

Ngoài ra, khách hàng có thể so sánh mức độ sử dụng của gia đình mình với mức bình quân trong cùng khu vực.

Qua hóa đơn tiền điện mới, khách hàng thấy được quy luật của việc sử dụng điện theo tháng, mùa trong năm.

Do đây là hóa đơn điện tử, khách hàng có thể tự tra cứu bằng cách truy cậpwebsite https://cskh.evnhcmc.vn/, tạo tài khoản của khách hàng sử dụng điện, từ đó xem và tải hóa đơn của mình. Hoặc có thể sử dụng tài khoản này đăng nhập vào ứng dụng EVNHCMC CSKH trên thiết bị di động để sử dụng các dịch vụ và tham khảo thông tin.

L.Phan

Hóa đơn tiền điện tháng 3 tăng đột ngột Hóa đơn tiền điện tháng 3 tăng đột ngột

TTO - Nhiều người dân nhận hóa đơn tiền điện tháng 3 cao đột ngột dù cho rằng mức sử dụng các thiết bị điện không thay đổi, thậm chí còn hạn chế dùng điều hòa.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên