19/05/2016 00:00 GMT+7

​Hỗ trợ giao thông hàng không cho người khuyết tật

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Ngày 18-5, tại Đà Nẵng, Bộ LĐTB&XH, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp tổ chức hội thảo về tiếp cận giao thông hàng không đối với người khuyết tật

Sau 4 năm thực thi Luật Người khuyết tật 2010 cùng với việc Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật, vấn đề giao thông tiếp cận, đặc biệt là giao thông hàng không tiếp cận cho người khuyết tật đã được chú ý hơn.

Hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật (chiếm 7,8% dân số cả nước). Đây là lượng hành khách mà ngành giao thông hàng không cần quan tâm, hỗ trợ đúng mức.

Bà Lê Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết chính sách pháp luật về tiếp cận giao thông hàng không dành cho người khuyết tật đã có nhưng chưa thực sự đầy đủ và bao quát. Các hãng hàng không dù có chế tài hỗ trợ người khuyết tật nhưng những chế tài này chưa được áp dụng nhiều vào thực tế.

Cụ thể, việc hỗ trợ đăng ký đặt chỗ, mua vé trực tuyến cho người khuyết tật sử dụng xe lăn, người khiếm thị, khiếm thính... còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại các cảng hàng không như nhà vệ sinh, đường tiếp cận cho xe lăn, thang cuốn, thang máy lên xuống… chưa thuận lợi cho người khuyết tật.

Theo thống kê, chỉ có 5/22 sân bay có xe nâng hỗ trợ người khuyết tật lên/xuống máy bay. Các bảng đèn LED, bảng chỉ dẫn, hệ thống âm thanh cung cấp thông tin hành trình, chỉ dẫn an toàn cho người khiếm thị, khiếm thính cũng hạn chế.

Không chỉ vậy, hầu hết các nhân viên hoạt động trong ngành hàng không chưa có kỹ năng sử dụng thiết bị hỗ trợ cũng như trực tiếp hỗ trợ người khuyết tật.

Trước thực trạng đó, nhiều đại biểu kiến nghị các hãng hàng không và sân bay cần tăng cường các trang thiết bị như xe nâng, xe lăn phục vụ mặt đất, xe lăn chuyên dụng… nhằm phục vụ cho nhiều dạng đối tượng khuyết tật.

Các đơn vị cần có hệ thống chuông báo tại chỗ ngồi dành riêng cho người khuyết tật, nâng cao kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật cho nhân viên sân bay cũng như có chính sách miễn giảm giá vé ở nhiều hạng mục; huấn luyện cho nhân viên hàng không có thái độ phục vụ bình đẳng, công bằng đối với người khuyết tật.

Bên cạnh đó cũng có đại biểu đề nghị hãng hàng không, sân bay thống nhất các quy định, thủ tục trong hành trình của các chuyến bay giữa các tỉnh/thành phố; bãi bỏ quy định buộc người khuyết tật ký kết giấy miễn trừ trách nhiệm.

Việc tăng cường giao thông tiếp cận cho người khuyết tật không chỉ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật trong nước mà còn phục vụ tốt cho người khuyết tật các nước khi đến du lịch, làm việc tại Việt Nam.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên