22/09/2004 08:38 GMT+7

Hồ Thanh Lanh kêu cứu

Bài, ảnh: ĐỨC BÌNH
Bài, ảnh: ĐỨC BÌNH

TT - Một quan chức cho biết cả nước hiện có đến 116 công trình thủy lợi lớn nhỏ đang bị đầu tư dở dang, bỏ phơi nắng phơi mưa suốt nhiều năm. Hồ Thanh Lanh (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) là một trong những “điển hình” cho loại công trình thủy lợi này...

imtfdUYQ.jpgPhóng to
Đập tràn hồ Thanh Lanh - một công trình thủy lợi ở Vĩnh Phúc - đang bị bỏ dở vì thiếu tiền - Ảnh: Đ.BÌNH
TT - Một quan chức cho biết cả nước hiện có đến 116 công trình thủy lợi lớn nhỏ đang bị đầu tư dở dang, bỏ phơi nắng phơi mưa suốt nhiều năm. Hồ Thanh Lanh (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) là một trong những “điển hình” cho loại công trình thủy lợi này...

Ước mơ có một hồ chứa

Sau đợt hạn năm 1998, dân Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) vui mừng khi biết tin Nhà nước sẽ đầu tư nhiều tỉ đồng để xây dựng một hồ có dung tích chứa hàng chục triệu mét khối nước, có thể chủ động điều tiết việc tưới tiêu cho hàng chục ngàn hecta đất của bốn xã “vùng cao” Bình Xuyên là Trung Mỹ, Thiện Kế, Bá Hiên và Sơn Lôi. Công trình sẽ được đặt tại thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ (thuộc diện 135, là một trong những xã nghèo nhất tỉnh Vĩnh Phúc).

Tháng 11-2000, lần đầu tiên đồng bào các dân tộc trong vùng được đón lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tỉnh Vĩnh Phúc về động thổ khởi công công trình. Băngrôn, cờ hoa rợp trời. Hàng đoàn xe tải, máy móc ùn ùn chạy vào chạy ra tung bụi mù mịt cả một vùng. Kỹ sư, công nhân đổ về Trung Mỹ cũng đến hàng nghìn. Mọi thứ đều xáo trộn, nhưng dân vẫn vui hết biết.

Phó chủ tịch UBND xã Phạm Văn Thán nhớ lại: “Xã nghèo, dân nghèo, có bảy dân tộc (nhiều nhất là Sán Dìu, Nùng, Kinh, Dao...) cùng sinh sống, chỉ biết có làm ruộng và làm ruộng, không nghề phụ. Biết Nhà nước xây hồ thủy lợi lớn ở xã dân sướng quá đi. Trên 40 hộ dân nằm trong diện giải tỏa cũng sẵn sàng đến nơi ở mới nhường “đất tổ tiên” cho công trình. Đất đồi núi đang canh tác, dân cũng chấp nhận bỏ để lấy đất đắp đập”.

Nhưng đó là chuyện hôm qua, còn hôm nay công trình trên 53 tỉ đồng với nhiều hạng mục vẫn dở dang...

Nỗi buồn Thanh Lanh

Theo kế hoạch, công trình được xây dựng trong ba năm, tháng 11-2000 khởi công, cuối năm 2003 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Nhưng nay đã quá một năm, toàn bộ các hạng mục công trình vẫn còn dở dang. Những ngày giữa tháng chín này, khi chúng tôi có mặt, công trình vẫn im lìm, buồn bã, vắng tanh. Đập tràn (chính) trơ khấc, hai bờ đập bằng bêtông cốt thép dày hàng mét bị rêu bám đầy. Nhìn bờ đập này sao mà lạnh lẽo, sừng sững giữa núi đồi như thi gan, trêu ngươi, thách thức mọi người. Những cột trụ bêtông cốt thép đâm tua tủa lên trời cũng đã bắt đầu hoen gỉ. Nền móng của đập chính (bằng đất) đã đắp cao đến 2m cũng xói lở theo mưa nắng, cỏ mọc tùm lum. Máy móc, xe ủi, xe tải thì “trùm mền” gần hai năm qua và sắp thành đống sắt vụn; bánh xe đã xì hơi bẹp rúm, lún sâu trong đất.

afkV68O5.jpgPhóng to
Đập tràn (chính) công trình hồ Thanh Lanh sau hai năm thi công dở dang
Công trường vắng tanh, chỉ có ba, bốn anh bảo vệ của Công ty Xây dựng thủy lợi 1 ở lại để trông coi máy móc, xe tải và công trình đang “trùm mền” chờ... hư hỏng. Ông Nguyễn Công Can, phụ trách tổ bảo vệ, cho biết công trình đã dừng từ tháng 9-2002 vì hết tiền. Từ đó đến nay, tổ bảo vệ thay nhau nằm lại nơi “khỉ ho cò gáy” hằng ngày nhìn ngắm đống bêtông, máy móc han gỉ, mốc rêu.

Anh Đinh Văn Sáu, phó phòng thủy lợi (Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc), dẫn chúng tôi về xã Thiện Kế, nơi mà hệ thống kênh dẫn nước bằng bêtông - một trong những hạng mục duy nhất của công trình đã “cơ bản hoàn thành”. Toàn tuyến (qua bốn xã) có gần 30km kênh dẫn nước, mới chỉ có khoảng 5km kênh bêtông dẫn qua Thiện Kế đã xong nhưng do chưa có tiền thanh toán nên chưa bàn giao. Từ khi hoàn thành đến nay, hơn 5km kênh này không có một giọt nước chảy qua. Đơn vị thi công chán quá bỏ luôn, chẳng trông nom; nhiều đoạn, dân đã phá các thanh bêtông giằng để lấy cốt thép bán sắt vụn; nhiều đoạn bờ kênh cũng bị đập phá nham nhở.

Vì sao công trình bị “đắp chiếu”?

“Thiếu vốn, thiếu tiền” - giám đốc Công ty Xây dựng thủy lợi 1 (Bộ NN&PTNT, một trong ba đơn vị thi công công trình) Chu Văn Chi ngao ngán trả lời. Theo ông Chi, công trình hồ Thanh Lanh là công trình trọng điểm của Vĩnh Phúc được Nhà nước đầu tư, là dự án nhóm B phải hoàn thành trong ba năm nhưng kinh phí nhỏ giọt nên các đơn vị thi công dù cố cầm cự cũng không được.

Theo thiết kế, hồ Thanh Lanh có dung tích chứa xấp xỉ 10 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho trên 1.200ha đất canh tác nông nghiệp của bốn xã Trung Mỹ, Thiện Kế, Bá Hiên và Sơn Lôi. Nó cũng làm nhiệm vụ ngăn lũ cho các xã vùng thấp của Bình Xuyên, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân vùng hưởng lợi trong mùa khô.

Tổng vốn đầu tư cho công trình lên đến 53,4 tỉ đồng. Các hạng mục chính gồm: đập tràn xả lũ, đập tràn sự cố, đập chính, hai đập phụ, hệ thống cống, kênh dẫn nước (gần 30km), khu quản lý...

Theo kế hoạch, công trình thi công trong ba năm, đến cuối năm 2003 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Công ty Xây dựng thủy lợi 1 của ông Chi đảm nhận thi công phần chính của hồ là đập tràn (chính) với tổng mức đầu tư trên 10 tỉ đồng. Vậy mà công ty mới chỉ nhận được trên 1 tỉ đồng/năm 2001, đến 2002 được phân thêm 2 tỉ đồng nữa rồi ngưng hẳn.

Với hai đơn vị thi công còn lại là Công ty Xây dựng nông nghiệp Vĩnh Phúc và Công ty Xây dựng thủy lợi 2 (Bộ NN&PTNT) cũng chung số phận như vậy. Muốn thi công đúng tiến độ, nhưng tiền vốn từ trên cấp xuống lại quá ít, thành ra công trình phải dở dang. Phó chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên Nguyễn Quốc Hùng ngao ngán: “Công trình đem lại nhiều lợi ích cho dân, đáng ra phải làm nhanh, đúng tiến độ nhưng chẳng biết “vốn tắc” thế nào... Ngay cả khoản kinh phí cho di dân (trên 40 hộ) xấp xỉ 7 tỉ đồng cũng chưa đưa về”.Không thể chờ Bộ NN&PTNT “nhỏ giọt”, năm 2003 UBND tỉnh cho phép các đơn vị thi công vay tiền ngân hàng, lãi năm đầu tiên tỉnh sẽ trả. Công ty Xây dựng thủy lợi 1 vay thêm 4 tỉ đồng để tiếp tục thi công cầm chừng. Từ tháng 2-2004, hạn một năm “ưu đãi” của tỉnh kết thúc, từ đó đến nay dù không có việc, Công ty Xây dựng thủy lợi 1 vẫn phải oằn mình “giật chỗ nọ, vá chỗ kia” để trả lãi ngân hàng.

Công trình “đắp chiếu”, chính quyền, người dân với bao hi vọng ngày đêm vẫn dài cổ chờ mong...

----------------

Kỳ sau: Công trình dang dở, trách nhiệm thuộc về ai?

Bài, ảnh: ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên