Ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong một lần kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của một DN tại Tân Hải - Ảnh: Đông Hà |
Trong khi TAND TP Vũng Tàu đang thụ lý vụ 33 hộ dân kiện 14 doanh nghiệp (DN) đòi bồi thường thiệt hại thì xuất hiện một số tài liệu liên quan đến vi phạm của các DN này từ nhiều năm trước. Đây được xem là chứng cứ quan trọng sẽ được đưa ra xem xét trong phiên tòa tới đây.
Hồ sơ của Tuổi Trẻ cho thấy từ năm 2008-2016, các DN này đều có những vi phạm nghiêm trọng về môi trường.
Thậm chí, nhiều DN xây dựng nhà máy không phép hoặc từng bị tạm đình chỉ hoạt động vì thuộc đối tượng vi phạm liên tục, nhiều lần và kéo dài trong nhiều năm liền.
Vừa hoạt động đã vi phạm
Theo hồ sơ chúng tôi có được, tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của 14 DN là bị đơn trong vụ kiện này đều là những trường hợp “điển hình”.
Trong nhiều năm, hầu hết các DN này xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý. Đáng chú ý, một số DN dù đã đầu tư hệ thống xử lý nhưng nước thải vẫn vượt chuẩn cho phép.
Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Phước An có một “bề dày” vi phạm về môi trường khá “ấn tượng”.
Tháng 12-2008 công ty này bị thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện lén lút xả nước thải ra môi trường vì không có hệ thống xử lý cũng như không có giấy phép xả thải vào nguồn nước.
Đến tháng 8-2010, Công ty Phước An bị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đình chỉ hoạt động ba tháng vì lỗi vi phạm gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi được phép hoạt động trở lại không lâu, đến tháng 8-2012, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nước thải sau khi xử lý của công ty vẫn vượt chuẩn cho phép.
Lần kiểm tra kế tiếp vào tháng 9-2012, DN này bị xử phạt 75 triệu đồng vì hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Với “thành tích” trên, năm 2013 Công ty Phước An bị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xếp vào nhóm các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ.
Mặc dù bị đưa vào danh sách “đen” nhưng sau đó công ty này vẫn tiếp tục vi phạm. Tháng 1-2016, Công ty Phước An bị đình chỉ hoạt động cho đến nay.
Công ty TNHH thủy sản Hòa Thắng bắt đầu hoạt động từ tháng 7-2008 và chỉ một tháng sau bị thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập biên bản vi phạm về môi trường do chỉ số BOD5 (tỉ lệ oxy sinh hóa) trong nước thải vượt gần 10 lần so với quy chuẩn (854/100mg/l).
Đến tháng 5-2011, DN này tiếp tục bị cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập biên bản vi phạm về lỗi xả thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn gấp 10 lần.
Ngày 6-9-2015 (thời điểm cá bè trên sông Chà Và chết hàng loạt), kết quả phân tích mẫu nước thải của DN này cũng vượt chuẩn cho phép.
Tương tự, trong hồ sơ những DN bị dân kiện như Thịnh An, Trọng Đức, Đại Quang, Trung Sơn, Thương Thương, Đông Hải, Tân Thành, Nghê Huỳnh, Phúc Lộc, Gia Hòa đều thể hiện có rất nhiều lỗi vi phạm về bảo vệ môi trường diễn ra liên tục trong nhiều năm với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Khắc phục nhưng vẫn ô nhiễm
Tháng 9-2015 cá bè trên sông Chà Và chết quá nhiều, gây hậu quả nặng nề cho bà con. Lúc này các ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào cuộc tổng kiểm tra phát hiện nhiều nhà máy trong khu chế biến hải sản xã Tân Hải không có giấy phép.
Theo thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 14 DN bị kiện có 5 DN xây nhà máy không phép gồm: Hòa Thắng, Đại Quang, Thương Thương, Gia Hòa và Mỹ Sương.
Tháng 1-2016, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành 9 quyết định xử phạt hành chính các DN với các hình thức “đình chỉ hoạt động”, “đình chỉ 6 tháng” và phạt tiền. Cụ thể, trong 14 DN bị kiện có 5 DN bị dừng hoạt động và 5 DN bị tạm đình chỉ 6 tháng.
Đáng chú ý, dù đã bị đình chỉ hoạt động nhưng một số DN tỏ ra chây ỳ và tiếp tục hoạt động. Mới đây, ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải dùng biện pháp mạnh hơn là đến tận công ty để cắt điện, cắt nước.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những nhà máy, cơ sở trước đây từng bị tạm đình chỉ sau đó đã có nhiều biện pháp khắc phục bằng cách xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc nâng cấp, nâng công suất xử lý nước thải... nhưng nguồn nước vẫn bị ô nhiễm nặng khiến cá bè của người dân chết hàng loạt.
Lý giải vấn đề này, đại diện Viện môi trường và tài nguyên (ĐHQG TP.HCM) cho rằng dù các DN đã trang bị hệ thống xử lý nước thải cục bộ nhưng việc tuân thủ chế độ vận hành hệ thống cũng như đảm bảo nước thải sau khi xử lý đạt chuẩn là rất “khó kiểm soát”.
Trong khi đó, một số DN chế biến hải sản vẫn ngày đêm lén lút xả thải chưa qua xử lý ra sông Chà Và khiến môi trường nước bị ô nhiễm nặng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, chánh án TAND TP Vũng Tàu, cho biết tất cả những hồ sơ vi phạm của các DN mà người dân, luật sư cung cấp hoặc có trong hồ sơ vụ kiện sẽ được tòa án xem xét, đánh giá trên cơ sở bình đẳng, khoa học và bảo đảm quyền lợi các bên. |
Từ 1-7 có thể khởi tố doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường Từ ngày 1-7-2016, khi Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực, nếu DN nào vi phạm thì người dân không chỉ có quyền kiện dân sự mà còn có quyền tố cáo, yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án đối với pháp nhân thương mại vi phạm với tội danh “gây ô nhiễm môi trường”, điều 235 Bộ luật hình sự. Điểm khác biệt giữa vụ kiện dân sự và vụ án hình sự trong hành vi gây ô nhiễm môi trường là cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án để điều tra, xác minh hành vi vi phạm của các pháp nhân để chứng minh thiệt hại. Trong khi đó, ở vụ án dân sự, người dân phải khởi kiện, phải tự chứng minh thiệt hại. Đó là chưa kể đến việc điều tra hành vi vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường còn được tiến hành bằng các biện pháp nghiệp vụ nên dễ dàng hơn so với người dân tự thu thập chứng cứ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận