![]() |
Ông Đức với mảnh lựu đạn vẫn còn in trên cánh tay |
Căn hầm thành ngôi mộ chung
Quảng Nam 1968.
Những ngôi làng ươm tơ dệt lụa hiền hòa giờ lặng tiếng thoi đưa. Những mái nhà tranh trống hơ trống hoác. Người bị dồn vào ấp chiến lược, kẻ bỏ quê đi tránh mũi tên hòn đạn, thất tán khắp nơi. Chỉ còn lại vài gia đình bám trụ. Ban ngày họ nấp dưới hầm. Ban đêm bò ra canh tác. Nhiều gia đình ở vùng trắng Gò Nổi cũng dạt sang sông, trú nhờ các gia đình trụ bám. Đó là thời kỳ ác liệt nhất của vùng đất Duy Trinh.
Sáng 14-8-1968. Một buổi sáng dường như bình thường đối với các gia đình bám đất. Mặt trời đã mọc lên nhưng không có tiếng gà gáy. Không có cả tiếng chó sủa râm ran. Một sự im lặng chết chóc bao trùm.
Vào khoảng 8 giờ, lính Nam Triều Tiên đóng tại Hòn Bằng, cách Duy Trinh chừng 400 m bắt đầu càn vào làng. Vừa đi chúng vừa bắn. Từng loạt đạn đe dọa vang lên khắp nơi xé tan sự im ắng thường ngày. Phần lớn người ở lại là người già, trẻ con và phụ nữ. Họ xô nhau chạy xuống hầm trú ẩn gần nhất khi nghe tiếng súng. Tại xóm Mỹ An, 15 người già, con trẻ nhanh chóng chui xuống hầm của bà Đặng Thị Thiệu.
Tốp lính đầu tiên chừng chục tên đi thẳng vào làng. Chúng phát hiện ra căn hầm nhà bà Thiệu. Người phiên dịch nhắc lại lệnh của viên chỉ huy, yêu cầu mọi người ra khỏi nơi ẩn nấp, đứng xếp hàng trên miệng hầm. Nhìn những khuôn mặt già nua khắc khổ, những ánh mắt ngây thơ hốt hoảng nép vào lưng mẹ, dường như viên chỉ huy này cảm nhận được sự vô tội của họ nên ra lệnh quay lui. Mọi người thở phào, lục tục kéo lại xuống hầm.
Tuy nhiên, chỉ mười lăm phút sau, một toán lính Nam Triều Tiên khác lại kéo đến hầm bà Thiệu. Chúng ra lệnh cho những người trú ẩn ra khỏi hầm, đứng xếp thành hàng ngang. Một lát sau, chúng bắt bà già, con nít trở vô hầm, phụ nữ cho đứng trên. Cuối cùng chúng lùa luôn phụ nữ xuống. Cho tới lúc thần chết đang cận kề, những người dân vô tội này vẫn không hiểu rõ ý đồ của toán lính thứ hai. Tuy nhiên, tích tắc sau đó một phát súng vang lên, kèm theo một tiếng nổ của lựu đạn. Rất lạnh lùng, chúng thay nhau cứ bắn một phát lại ném một quả lựu đạn xuống hầm. Việc giết người man rợ diễn ra một cách chậm rãi. Gần một tiếng đồng hồ sau chúng mới bỏ đi qua hầm khác.
Tổng cộng trong buổi tắm máu dã man của lính Nam Triều Tiên tại hầm bà Thiệu, có tất thảy 14 người toàn bà già, phụ nữ, trẻ em vô tội bị sát hại thảm thương. Trong số người chết có người đang mang thai, có em mới một, hai tuổi còn ngậm vú mẹ như em Hà Văn Nhâm (một tuổi), em Đoàn Năm (hai tuổi)... Tất cả đều vùi trong căn hầm mà sau này trở thành ngôi mộ chung của họ.
![]() |
Làng quê Duy Trinh hôm nay |
Sáu ngày sống sót trong căn hầm
Cũng toán lính khát máu đó, giết người xong ở xóm Mỹ An chúng kéo qua xóm Vĩnh An cách đó chỉ chừng trăm mét. Vẫn hành vi man rợ như cũ, chúng lùa mọi người xuống hầm, lạnh lùng bắn một phát súng lại ném một quả lựu đạn. Tại hầm bà Lụa, bà Bồn ở xóm Vĩnh An, chúng sát hại thêm 18 thường dân vô tội khác.
Bà Đặng Thị Thiệu, năm đó gần 80 tuổi, chính là bà nội của anh Đoàn Đức, người may mắn hy hữu thoát chết trong buổi sáng máu đổ nói trên. Năm đó, anh Đức vừa sáu tuổi, cùng bà nội, mẹ và em trai trú ở dưới hầm. Khi đó, ngoài đứa em trai một tuổi, mẹ anh Đức đang mang thai trong bụng. Anh nói, dù nhỏ tuổi nhưng cho tới nay, khoảnh khắc sinh tử kinh hoàng của gia đình anh và cuộc đời anh vẫn theo đuổi anh cho đến tận bây giờ.
Khi đám lính Nam Triều Tiên ném gần chục quả lựu đạn xuống hầm bà Thiệu, chờ cho khói tan, viên chỉ huy sai thông dịch viên nói xuống hầm là “Ai còn sống thì mau trèo lên khỏi hầm!”. Trong đám bầy nhầy máu thịt, anh Đoàn Đức ngóc đầu lên thì thấy một phụ nữ, vốn chạy từ Gò Nổi sang trú ẩn vùng này bò lên trước. Vừa lên tới miệng hầm, một loạt đạn tàn nhẫn xô chị ngã gục trở lại. Anh Đức cũng bò lên nhưng chúng không bắn. Một tên lính gí mũi súng vào lưng thúc anh đi. Đi chừng 20 m, đến một căn hầm khác không người trú ẩn, chúng đạp anh xuống hầm rồi ném theo một quả lựu đạn.
![]() |
Hầm nhà bà Thiệu biến thành khu mộ tập thể |
Tưởng anh không thể thoát, chúng bỏ đi. Không ngờ số phận kỳ lạ khiến những loạt đạn và lựu đạn của đám lính Nam Triều Tiên không thể giết chết anh. Tại căn hầm đầu tiên, anh không hiểu vì sao anh sống sót. Nhưng khi tới căn hầm thứ hai, anh biết mình sống sót là nhờ nhanh chân. Khi chúng đạp anh ngã nhào xuống hầm, anh nhanh chóng vùng dậy ngoặt vào một cái ngách ngang trong hầm. Thời đó, hầm trú ẩn vẫn thường có nhiều ngách ngang và ngách thông hơi. Những lúc xóm làng yên bình, không có lính đi càn, anh Đức hay trèo xuống khắp các hầm trong vườn nhà nội mình để chơi nên thuộc lòng ngõ ngách.
Quả lựu đạn cố ý sát hại chỉ làm anh Đức bị trúng một mảnh nhỏ ngay động mạch gần cổ tay, máu ra nhiều làm anh ngất đi. Khi tỉnh dậy, anh rón rén bò lên khỏi hầm. Xóm làng khi đó tan hoang. Khung cảnh im lìm như nghĩa địa. Biết mọi người đã chết hết rồi, anh quay lại xuống hầm.
![]() |
Bia tưởng niệm những người dân vô tội |
Suốt năm ngày sáu đêm như vậy anh chìm vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Đêm thứ sáu, nghe tiếng người hỏi vọng xuống: “Còn ai sống sót dưới đó không?”. Anh khẽ rên lên và mấy người bộ đội nhảy xuống hầm bế anh lên.
Kỳ 2: Câu chuyện của hai người sống sót
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận