Những người đến viếng ông Hồ Giáo ngưỡng mộ và quý mến một con người cả đời thanh bạch, lặng lẽ cống hiến - Ảnh: TRẦN MAI |
Vậy là từ nay sẽ vĩnh viễn không còn thấy một ông lão mặc chiếc áo công nhân sờn vai mỗi ngày đi bộ vượt hơn 7km từ TP Quảng Ngãi lên trại trâu Hành Thuận nữa. Cũng không còn nghe một ông lão kể chuyện về trâu say mê đến mức quên cả giờ giấc.
Một anh hùng gần người dân
Lần gần đây nhất chúng tôi đến gặp ông là vào trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, lúc đó bà Thành vợ ông phải đi tìm dẫn ông về.
Chỉ có người phụ nữ một đời nâng khăn sửa túi cho ông mới hiểu ông nói gì bởi tâm trí đã lẩn thẩn lúc nhớ lúc quên.
Hồi đó bà Thành tâm sự, rời khỏi trại trâu Hành Thuận là điều nằm ngoài dự tính của ông vì sức khỏe yếu không thể đi được nữa. Nhưng mỗi lần thấy sức khỏe tốt ông vẫn đi lên thăm trâu.
Vào năm 2011 chúng tôi từng gặp ông ngay tại trại trâu Hành Thuận, lúc đó kể chuyện về trâu Mura, các loại cỏ, ông vẫn còn minh mẫn lắm, thậm chí còn ra cắt cỏ vào cho trâu ăn, rồi bật môtơ chạy nước cho cỏ cùng với truyền nhân cũng là người cháu gọi ông bằng bác là anh Hồ Ngọc Tâm.
Ông có thể say mê kể về con Núi Tròn, Lý Sơn (tên trâu ông đặt) có tính cách như thế nào. Khi có bất kỳ ai hỏi sao ông hiểu tính cách từng con, ông cười hiền trả lời: “Hễ mình thương nó là nó thương lại mình thôi”.
Chúng tôi vẫn còn nhớ như in ngày đó ông nói về anh Tâm thế này: “Chẳng ai giống thằng này, chọn nghề gì không chọn lại chọn đi chăn trâu”, và giờ đây khi đã về với đất mẹ, ông vẫn là người chăn trâu vĩ đại nhất Việt Nam.
Anh hùng lao động Hồ Giáo (phải) trong một lần gặp gỡ trò chuyện với ông Võ Văn Thưởng - nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: ĐĂNG LÂM |
Tin ông mất lan nhanh, nhiều người ở Hành Thuận cũng lặn lội tìm đến nhà thắp cho ông nén nhang và nhìn mặt ông lần cuối.
Ông Trần Dục chở theo vợ là bà Lê Thị Nên xuống từ chiều và ngồi mãi đến 20g chưa chịu về. Ông Dục bảo mình không có duyên nhận trâu của anh hùng Hồ Giáo về nuôi nhưng nhà gần trại trâu nên mỗi lần rảnh rỗi hay đi cắt cỏ ông lại ghé thăm và học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của Hồ Giáo. Nhờ đó mà ông xin giống cỏ từ trại trâu về trồng nuôi bò từ rất sớm. Những kinh nghiệm với trâu bò của Hồ Giáo tích cóp, được ông Dục cũng học lỏm được ít nhiều.
Ông Dục kể: “Hồi bác Giáo còn làm việc ở trại trâu, cứ mỗi lần bò có biểu hiện bệnh là tui lại lên tìm bác hỏi. Có mấy lần bác xuống thăm bệnh cho bò, lấy thuốc bác sĩ thú y chích ra xem rồi bảo không trúng bệnh nên bò không khỏi. Đến khi ra tiệm thuốc mua về chích thì bò khỏe hẳn”.
Một đời tận hiến
Mỗi lần chúng tôi gặp ông lại thấy những chiếc áo công nhân sờn vai ấy, có lẽ ông sinh ra là để chăn trâu, nên từ lúc 12 tuổi để kiếm cái ăn ông đã phải đi chăn trâu cho địa chủ.
Năm 18 tuổi ông gia nhập Việt Minh, bỏ lại 6 năm chăn trâu, tham gia kháng chiến, ngày chiến tranh ác liệt, khi nghe lệnh tổng động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, ông cũng hăng hái tham gia cầm súng ra chiến trường.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc trở thành anh lính sư đoàn 350 bảo vệ thủ đô Hà Nội. Đến năm 1960, Hồ Giáo rời khỏi quân ngũ về Nông trường Ba Vì chăn nuôi, giữa lúc đất nước cùng lúc làm hai nhiệm vụ vừa đấu tranh giải phóng miền Nam vừa chiến đấu với cái đói và chi viện cho tiền tuyến.
Nhiệm vụ mới khác với cầm súng nhưng có lẽ vì tuổi ấu thơ có “kinh nghiệm” chăn trâu cho địa chủ, cộng với tính cần mẫn của một người lính, ông Hồ Giáo đã làm được những điều ngoài mong đợi của cấp trên. Năm năm nuôi heo, ông chuyển sang nuôi bò với những thành tích khi làm việc ở Nông trường Ba Vì như: thụ tinh nhân tạo cho heo, trị bệnh cho heo, bò bằng cách tự mày mò các loại cây, lá, rễ trong thời điểm thuốc tây y dành chữa bệnh cho gia súc thiếu thốn.
Chính sự cần mẫn và luôn tự mày mò trong chăn nuôi, ông đã phát triển nhanh chóng đàn heo bò từ vài chục lên vài trăm rồi hàng nghìn con, mỗi năm cung cấp hàng chục tấn sữa.
Những thành tích ấy đã được Nhà nước ghi nhận và phong tặng Anh hùng lao động cho ông vào năm 1966.
Mười năm sau ngày nhận danh hiệu Anh hùng lao động, ông chuyển về Trung tâm nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ (tỉnh Bình Dương, Bình Phước bây giờ).
Rời Nông trường Ba Vì đến với đồng cỏ ngút ngàn Sông Bé, 502 con trâu Mura mà Ấn Độ tặng cho Việt Nam để làm sức kéo và lấy sữa chờ ông tiếp quản, một lần nữa Tổ quốc lại đặt lên vai ông sứ mệnh của người thủ lĩnh chăn nuôi. Nhiệm vụ phát triển đàn trâu đã được ông hoàn thành xuất sắc, có thời điểm tại Nông trường Sông Bé đàn trâu Mura lên đến cả nghìn con.
Tại đây ông còn làm thêm một công việc nữa là “hòa giải” thành công mối quan hệ giữa trâu Ấn Độ và Việt Nam.
Đó là việc làm công phu bởi hai dòng trâu nhất quyết không ở chung chuồng, thế là khi trâu con đẻ ra ông nhập chung lại cho chúng ở cùng nhau, kể từ đó hai loài trở nên thân thiết.
Năm 1986, Nhà nước lại thêm một lần nữa phong tặng Anh hùng lao động lần thứ hai cho người chăn trâu Hồ Giáo.
Nhà thơ Tố Hữu có lần gặp Hồ Giáo đã viết nên những dòng thơ tự do: “Lần trước gặp anh/Chăn bò trên Tam Đảo/Sáng nay lại gặp anh Hồ Giáo/Chăn bò ở Ba Vì/ Hỏi anh: Có thú vui gì?/Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò…”. Chân dung của người hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng giản dị như vậy thôi.
15g30 ngày 14-10, Anh hùng lao động Hồ Giáo rời bỏ cõi trần ra đi, những giọt nước mắt tiễn đưa của người thân, bạn bè và cả những người xa lạ chưa từng biết tới ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận