12/07/2018 09:24 GMT+7

Hồ chứa nước gần 3.000 tỉ đồng chậm triển khai, đội vốn gấp đôi

TRUNG TÂN - LÊ THANH
TRUNG TÂN - LÊ THANH

TTO - Dự án hồ chứa nước Krông Pách thượng (Đắk Lắk) chậm triển khai và sau 9 năm, tổng mức đầu tư vọt lên hơn 5.700 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức phê duyệt ban đầu. Song đến nay, dự án vẫn khắc khoải chờ cơ chế...

Hồ chứa nước gần 3.000 tỉ đồng chậm triển khai, đội vốn gấp đôi - Ảnh 1.

Thi công cầm chừng tại công trình đầu mối - hồ thủy lợi Krông Pách thượng tại xã Cư Yang, huyện Ea Kar, Đắk Lắk - Ảnh: DUY HỌC

Vì sự chậm trễ này, đầu năm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Bộ KH-ĐT, UBND tỉnh Đắk Lắk làm rõ trách nhiệm trong việc chậm triển khai, chậm báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đền bù, giải phóng mặt bằng làm kéo dài tiến độ và tăng tổng mức đầu tư các dự án.

Bộ giữ tiền, tỉnh chạy đi xin

Dự án hồ chứa nước Krông Pách thượng (Đắk Lắk) là công trình đặc biệt quan trọng, với mục tiêu sẽ tưới tiêu cho 14.900ha, cấp nước cho gần 73.000 hộ dân ở địa phương. 

Dự án được Bộ NN&PTNT phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 2.993 tỉ đồng, chiếm gần 2.300ha đất, 663 hộ dân phải di dời.

Dự án gồm hai công trình là hồ chứa nước Krông Pách thượng (công trình đầu mối) và hồ chứa nước Ea Rớt phục vụ di dân, tái định cư. 

Dự án được chia làm hai hợp phần gồm xây lắp do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư; hợp phần giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. 

Một trong những nghịch lý ở dự án này là Bộ NN&PTNT đang giữ hơn 1.300 tỉ đồng trong tài khoản nhưng không thể triển khai xây dựng mấy năm nay do... chưa có mặt bằng. 

Trong khi đó, nhiều năm nay tỉnh Đắk Lắk đi xin tiền để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư lại chưa được phê duyệt.

Phóng viên có mặt tại khu vực đang triển khai hồ thủy lợi Krông Pách thượng tại thôn 15 (xã Cư Yang, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) và mọi thứ đang dở dang. 

Máy móc được điều đến đây nhưng cũng chỉ thi công cầm chừng, nằm im lìm. Người dân không thể sản xuất, cũng không thể rời đi vì chưa được bồi thường...

Phối hợp kém nên rắc rối

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 2.993 tỉ đồng vào năm 2009, Bộ NN&PTNT dành phần lớn kinh phí (gần 2.482 tỉ đồng) cho việc xây lắp, giao Ban quản lý đầu tư và xây dựng công trình thủy lợi 8 (Ban 8) đại diện bộ làm chủ đầu tư. 

Số còn lại là 511 tỉ đồng giao Đắk Lắk quản lý để bồi thường, tái định cư (180 tỉ đồng) và xây dựng hệ thống kênh nhỏ hơn 150ha (331 tỉ đồng).

Trong quyết định phê duyệt dự án, Bộ NN&PTNT cũng giao tỉnh Đắk Lắk ra quyết định đầu tư và thực hiện hợp phần giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân, tái định cư (vì số tiền 180 tỉ đồng chỉ mới khái toán ban đầu). 

Trên cơ sở này, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ ra quyết định phê duyệt hợp phần bồi thường, di dân, tái định cư... với tổng hơn 940 tỉ đồng.

Mọi rắc rối bắt đầu từ quyết định này, khi mà quyết định của tỉnh không được Bộ NN&PTNT ghi nhận, báo cáo để nâng tổng mức đầu tư của dự án. 

Vì thế, dù là một dự án với 2 hợp phần nhưng được thực hiện bởi hai quyết định (của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk) dẫn đến việc bố trí vốn gặp khó khăn nhiều năm nay.

Ông Phạm Văn Hạ, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp - phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho biết vì vướng mắc này mà nhiều lần Đắk Lắk ra xin vốn được trả lời không có cơ sở để bố trí. 

Đến nay, toàn bộ số tiền 511 tỉ đồng dành để tái định cư, xây dựng hệ thống kênh nhỏ 150ha đã chi 507 tỉ đồng cho việc thu hồi, tái định cư tại hồ chứa nước Ea Rớt và làm hệ thống kênh dẫn dưới 150ha. 

Tỉnh mới chỉ bồi thường, xây dựng xong khu A khu tái định cư số 1 (180 tỉ đồng) để bố trí cho khoảng 300/511 hộ dân tại đây. Còn 211 hộ ở Ea Rớt và toàn bộ dân cư ở hồ Krông Pách thượng chưa được tái định canh, định cư.

Ông Hoàng Văn Thắng - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết dự án hiện đang chờ Quốc hội và Chính phủ có ý kiến cho bổ sung từ nguồn dự phòng của bộ trước khi triển khai tiếp. Ông nói "hi vọng Ủy ban Thường vụ sẽ thông qua trong kỳ họp tháng 7 này".

Nhiều dự án thủy lợi dở dang

Ngoài dự án hồ Krông Pách thượng, nhiều dự án thủy lợi khác do bộ ra quyết định đầu tư cũng đang dở dang vì không được bố trí vốn để thu hồi đất, tái định cư.

Đơn cử như dự án hồ thủy lợi Tà Pao (Bình Thuận) phê duyệt năm 2008 là hơn 2.600 tỉ đồng cũng đang ì ạch vì chưa được bố trí vốn giải phóng mặt bằng, tái định cư giai đoạn 2017-2020.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ NN&PTNT cho biết đến nay trên cả nước còn 12 dự án thủy lợi sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ do bộ ra quyết định đầu tư với tổng mức đầu tư gần 20.500 tỉ đồng.

Bộ NN&PTNT đề xuất cho bổ sung gần 4.500 tỉ đồng để thực hiện 10/12 dự án đang dở dang, trong đó phần bổ sung cho bộ là 2.281, cho các địa phương là hơn 2.188 tỉ đồng…

TRUNG TÂN - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên