19/05/2010 01:12 GMT+7

Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TT - Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Katherine Muller-Marin, trưởng đại diện UNESCO tại VN, phát biểu: “Có được một vị Chủ tịch như Hồ Chí Minh, giống như có được một biểu tượng giúp chúng ta có một tầm nhìn, chỉ cho đất nước một bến đỗ an toàn. Và hơn thế, một lãnh tụ như thế cũng chỉ cho ta cách kiểm soát phong ba bão táp thông qua lòng tự hào, lao động cần cù và quan hệ hòa hiếu”.

ov9yVOiZ.jpgPhóng to
Ngày 18-7-1957, trong chuyến thăm Tiệp Khắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm làng Lidice, nơi quân đội phát xít Đức thảm sát hàng trăm dân thường trong Chiến tranh thế giới thứ hai (ảnh chụp lại tại triển lãm Khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh) - Ảnh: T.T.D. chụp lại

Khát vọng nhân loại

Cuộc triển lãm “Khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh” vừa khai mạc sáng 18-5 tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. 50 tấm ảnh và nhiều bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bạn bè thế giới được đưa ra triển lãm đều xoay quanh một chủ đề: Niềm mong mỏi và sự đấu tranh không biết mệt mỏi của Hồ Chí Minh về một thế giới hòa bình, từ lúc còn bôn ba tìm đường cứu nước cho đến khi là một lãnh tụ.

Điểm nhấn của cuộc triển lãm chính là hình ảnh của Hồ Chủ tịch tại những cuộc thăm viếng các nước trên thế giới như: Pháp, Tiệp Khắc, Mông Cổ, Liên Xô, Indonesia... Người đều ghé lại những nơi từng ghi dấu chiến tranh, như một sự nhắc nhớ và bày tỏ tinh thần yêu chuộng hòa bình với thế giới. Triển lãm sẽ được mở cửa đến ngày 30-6-2010.

Trước đó 20 năm, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, tiến sĩ Modagat Ahmed, giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nói: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công và bất bình đẳng ra khỏi trái đất này”.

Khắp thế giới, từ Nga, Hungary, Pháp, Ý đến Mexico, Cuba, Madagascar, về Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Mông Cổ... đều có những tượng đài, khu lưu niệm, những bài hát vinh danh Người.

Không chỉ là một niềm tự hào của đất nước VN, Hồ Chí Minh đã trở thành một niềm tự hào của cả thế giới, kể từ ngày anh Nguyễn Tất Thành cất bước ra đi...

Mang trong tim nỗi đau khổ, cực nhục của người VN mất nước, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đi, đi mãi, năm châu bốn biển. Khoác lên mình hình ảnh người làm bếp, phục vụ bàn, người quét tuyết, người viết báo, có những khoảng thời gian còn là một người tù, sống với những người cùng khổ trong những ngõ hẻm lầy lội bên cạnh những khu biệt thự xa hoa...

Hơn 30 năm ròng rã đủ để những nỗi đau nhân thế thấm vào tim óc, đủ để khát vọng lớn lên đến mức không chỉ là nền độc lập cho đất nước, dân tộc mình mà là bình đẳng, tự do, hòa bình cho nhân loại.

Tự nhận mình là “nhà cách mạng chuyên nghiệp”, Hồ Chí Minh đã là một chiến sĩ quốc tế trước khi trở thành lãnh tụ của cách mạng VN.

Tôi đã được phỏng vấn một vĩ nhân

Marta Rojas, phóng viên báo Granma (Cuba), là một trong ba nhà báo nữ của thế giới đã đến và trải nghiệm những khoảng thời gian ác liệt của cuộc chiến tranh VN cùng với quân giải phóng miền Nam VN. Tháng 7-1969, lần đầu tiên bà gặp và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài “Tôi hiến dâng cả cuộc đời tôi cho VN”, và trở thành nhà báo cuối cùng được phỏng vấn Người.

Trở lại VN tham gia hoạt động kỷ niệm ngày sinh lần thứ 120 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà dành cho Tuổi Trẻ một trao đổi nhỏ.

* Lần đầu tiên bà gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là khi nào? Trước khi gặp bà đã biết gì về Người?

- Tôi đã mong muốn được phỏng vấn Người kể từ lần đầu tiên đến VN với tư cách là phóng viên chiến trường tại các căn cứ du kích của Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam VN. Tuy nhiên, do Chủ tịch Hồ Chí Minh bận quá nhiều việc vào thời điểm đó nên Người đã không thể tiếp tôi (năm 1965) và đến tháng 7-1969 mới có dịp.

Tôi đã đọc rất nhiều về lịch sử và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi vô cùng ngưỡng mộ Người. Ngay khi gặp Người, tôi đã kiểm chứng được những điều đó. Người tiếp tôi với sự giản dị và hào hiệp. Khi tôi vừa bước vào lối đi trong vườn của Phủ Chủ tịch, Người đi về phía tôi và dang tay ra đón tôi. Với tiếng Tây Ban Nha chuẩn xác, Người chào tôi và gọi rất chính xác tên tôi.

* Khi gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh có giống như bà tưởng tượng không? Những câu trả lời làm bà nghĩ gì về Người?

- Đó là một cuộc nói chuyện về đề tài chiến tranh và về nhân dân VN anh hùng. Và Người phỏng vấn lại tôi, hỏi về toàn bộ những gì tôi đã thấy trong những chuyến công tác khác nhau của tôi đến VN.

* Tại sao bà lại sử dụng tựa đề “Tôi hiến dâng cả cuộc đời tôi cho VN”?

- Câu nói của tựa đề cuộc phỏng vấn chính là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tôi dâng hiến cuộc đời tôi cho VN”. Đây là câu nói tóm tắt toàn bộ cuộc đời của Người.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên