22/04/2004 23:19 GMT+7

HIV và tình mẹ con

HÀ THÁI BÌNH - NGUYỄN KHÁNH PHƯƠNG
HÀ THÁI BÌNH - NGUYỄN KHÁNH PHƯƠNG

TT - Khi đi viết phóng sự này chúng tôi luôn nghĩ mình sẽ phải gặp gỡ những đứa trẻ sống trong khu cách ly, xung quanh là những người chăm sóc với trang phục bảo hộ đặc biệt...

ogpWElZR.jpgPhóng to
Chị Tám đang tập hát cho các cháu ở trung tâm - Ảnh: H.T.B.
TT - Khi đi viết phóng sự này chúng tôi luôn nghĩ mình sẽ phải gặp gỡ những đứa trẻ sống trong khu cách ly, xung quanh là những người chăm sóc với trang phục bảo hộ đặc biệt...

Nhưng không, khi đến Trung tâm Giáo dục lao động số 2 (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) nằm trên vùng núi Ba Vì (Hà Tây), cách thủ đô hơn 60km, trong khung cảnh yên tĩnh của núi rừng, đâu đó chúng tôi nghe vọng ra những tiếng cười nói, vui đùa, hò hát.

Đó là tiếng cười tiếng hát của những em bé, những bà mẹ đang cận kề cái chết: tất cả đều bị nhiễm HIV...

Mẹ gặp con

Theo chân y tá Nguyễn Thị Thanh, người phụ trách chung của khu, chúng tôi vào căn phòng rộng chừng 50m vuông, nơi sinh sống của những cặp mẹ con đặc biệt. Trong căn phòng nhỏ hẹp đó hàng chục em bé đang nô đùa, chạy nhảy xung quanh các bà mẹ.

Chị Nguyễn Thị Tám (quê Thanh Sơn, Phú Thọ) vào trại từ năm 2002 vì nghiện hút. Ở khu cai nghiện được vài tháng thì chị có kết quả xét nghiệm HIV và đã tình nguyện xuống chăm sóc các cháu.

“Lúc đầu tôi muốn đến bên các bé để bớt đi nỗi nhớ con. Nhưng rồi dần dần không xa chúng được nữa”, chị Tám tâm sự.

Hôm chị Tám xuống đây cũng là khi trung tâm nhận thêm một bệnh nhân HIV nhí. Nhìn đứa bé gầy gò, lở loét, hình như bản năng làm mẹ khiến chị bật khóc. Những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt tưởng như đã không còn tình cảm vì sự ruồng rẫy của người thân.

Từ đó, ngày ngày chị Tám không quản nắng mưa đi hái từng nắm lá trà xanh, lá cây rừng về nấu nước tắm cho cháu, chăm bón cho cháu từng muỗng cháo, muỗng sữa. Nhìn những vết lở đang lành dần trên người bé, chị cảm thấy lòng dịu lại.

Cứ như vậy, đôi bàn tay của chị trước chỉ dành cho tiêm chích ma túy, nay trở thành vòng tay bế ẵm các con. Ngồi với chúng tôi cả buổi sáng mà không lúc nào chị rời em nhỏ trên tay.

Nhiều đêm cả khu đang chìm trong giấc ngủ say, bỗng từ phòng các bé vọng ra những tiếng ho khàn đặc. Chị Tám và các chị em khác tung mùng chạy qua. Bé Phương đang co rúm người trên giường, thân hình bé nhỏ giật lên liên tục theo những cơn ho.

Không ai bảo ai, các chị người chạy lấy dầu, người lấy nước, người đi gọi y tá... Chị Tám chạy ngay đến bên giường ôm ghì lấy Phương vào lòng. Lại một đêm các chị thức trắng bên những đứa con tội nghiệp.

Khi chị Tám đang kể chuyện với chúng tôi thì bốn, năm em nhỏ với khuôn mặt bầu bĩnh và những cái tên dễ thương như Ngọc Huyền, Hoài Anh, Mai Phương... nhào vào chị. Bé Mai Phương lớn nhất (5 tuổi) nũng nịu: “Mẹ Tám ơi! Tập hát đi”.

Chị Tám cho biết: “Hôm nay trời mưa không dẫn các con ra ngoài đi dạo được, tivi thì mất điện, chúng lại muốn hát cho vui. Tụi nó cũng hiếu động và nghịch lắm”.

8HxTkeI1.jpgPhóng to
Các cháu nhiễm HIV và mẹ nuôi cùng các tình nguyện viên và cán bộ trung tâm (ảnh tư liệu)
Buồn vui từ những đứa con

Chị Bùi Thị Vân (quê Bắc Giang) mới ngoài 20 tuổi, đón cháu Huy từ tay chị Tám một cách khéo léo. Đưa tay vuốt ve khuôn mặt Huy, chị Vân kể: “Tôi cũng có một đứa con hơn 4 tuổi... Nhưng bây giờ nhà chồng không cho gặp con nữa”.

Đôi mắt người mẹ trẻ bỗng rưng rưng. Vào những đêm mùa hè mất điện, trời nóng các con không ngủ được, chị cứ lần đến từng giường, một tay ôm lấy bé, tay kia phe phẩy chiếc quạt nan ru các con. Những đêm như vậy, khi chị ngả lưng cũng là lúc trời gần sáng.

Với chị Nguyễn Minh Hồng (quê Thanh Xuân, Hà Nội), tình cảm dành cho các con là những bữa ăn. Trong căn bếp nhỏ, chị Hồng đang ngồi lựa những củ khoai tây, cà rốt thật ngon gọt rửa cẩn thận để nấu xúp.

Là con gái Hà Nội, chị biết rất nhiều món ăn nên xung phong đảm nhận vai trò đầu bếp. Chị cho biết dạ dày của các con yếu nên phải nấu những món dễ tiêu hóa. Mỗi lần làm bếp, chị luôn tỉ mẩn từ lúc chuẩn bị rau, củ, thịt cho đến khi nấu xong.

Nhìn chị lọc từng chút mỡ bám trong miếng thịt nạc, rạch lấy từng sợi gân cứng bỏ đi, tôi tò mò. Chị nói để đảm bảo món xúp sẽ không gây rối loạn tiêu hóa, vì chỉ cần bị những căn bệnh thông thường các con đều bị nguy hiểm đến tính mạng. Khi nấu chín còn phải dùng muỗng miết xem có miếng thịt, miếng khoai nào cứng, vớt ra.

Y tá Nguyễn Thị Thanh nói: “Từ khi nhận cháu đầu tiên (năm 2001), đến nay trung tâm đã nuôi dưỡng 22 cháu. Hiện ở đây còn 17 cháu, ba cháu đã được rời trung tâm và hai cháu đã mất... Có 11 chị nhiễm HIV là những bà mẹ chăm nuôi dưỡng các cháu... Có sự chăm sóc của các chị, lũ trẻ - những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ lúc lọt lòng - thật sự được sống trong tình yêu thương, gần gũi của người mẹ...”.

Với chị Tám, chị Vân, chị Hồng và các mẹ khác, ở lại trung tâm đến cuối đời để chăm sóc các cháu là tâm nguyện của họ. Họ ở lại không phải vì mức lương 450.000đ/tháng mà vì “những đứa con”. Buồn vui của các chị là buồn vui từ những đứa con.

“Các chị vẫn chưa quên giây phút hạnh phúc khi ba đứa con được rời khỏi đây sau nhiều lần xét nghiệm có kết quả âm tính với HIV. Trong đó cháu Hải, bệnh nhân đến đầu tiên, đã được một gia đình người nước ngoài nhận nuôi” - cô Nguyễn Thị Lịch, người quản lý sức khỏe và dinh dưỡng, nói. Và các chị cũng đã hai lần đau đớn đến tột cùng khi phải đeo khăn tang cho hai đứa con mới vài tháng tuổi...

HÀ THÁI BÌNH - NGUYỄN KHÁNH PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên