- Qui chế tối huệ quốc (MFN): đối xử bình đẳng với các nước khác. Theo các Hiệp định của WTO, về nguyên tắc, các quốc gia không phân biệt đối xử với các đối tác thương mại của mình, cho dù đối tác đó giàu hay nghèo, mạnh hay yếu.
Cơ chế hoạt động của nguyên tắc này: mỗi thành viên phải đối xử với các thành viên khác trong tổ chức một cách công bằng, như những đối tác thương mại “ưu tiên nhất”. Nếu một nước dành cho một đối tác thương mại của mình một số ưu đãi thì nước đó phải đối xử tương tự như vậy với tất cả các thành viên còn lại của WTO để tất cả các quốc gia đều “được ưu tiên nhất”.
Qui chế tối huệ quốc không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc bình đẳng trong đối xử. Các hiệp ước song phương đầu tiên qui định về qui chế này đã cho ra đời những câu lạc bộ chỉ dành cho các đối tác thương mại “ưu tiên nhất” của một nước. Trong khuôn khổ của GATT mà nay là WTO, câu lạc bộ tối huệ quốc không còn bị hạn chế nữa.
Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ miễn trừ được phép. Chẳng hạn, một số nước có thể ký kết một hiệp định thương mại tự do chỉ được áp dụng đối với những hàng hoá trao đổi trong nội bộ một nhóm - đây là một hình thức phân biệt đối xử đối với hàng hoá của các nước ngoài nhóm.
Một ví dụ khác: một số nước có thể tạo cơ hội đặc biệt để hàng hoá của các nước đang phát triển dễ dàng tiếp cận thị trường nước mình. Tương tự, một nước cũng có thể gia tăng hàng rào đối với sản phẩm của nước mà mình cho rằng có sử dụng những biện pháp thương mại không bình đẳng.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, trong một số trường hợp nhất định, các nước có thể áp dụng biện pháp phân biệt đối xử. Tuy nhiên, các hiệp định của WTO cũng qui định rằng chỉ được phép hành xử như vậy với các điều kiện nghiêm ngặt.
Đây là nguyên tắc quan trọng và được qui định ngay tại điều đầu tiên của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại, hiệp định đóng vai trò điều tiết thương mại hàng hóa. Đây cũng là điều khoản ưu tiên của các Hiệp định quan trọng của WTO.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi qua địa chỉ tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online sẽ kết hợp với các chuyên gia giúp bạn giải đáp 1.001 các thắc mắc thường thức về WTO. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận